Khi chúng tôi hỏi nhạc sĩ Hồ Bông, người bạn thân thiết trong kháng chiến chống Mỹ của nhạc sĩ Xuân Hồng về những album ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh hát về mùa Xuân thì ông nói: “Khi nói tới mùa Xuân mà không có bóng dáng của Xuân Hồng thì vẫn thiếu cả những chất Xuân”.
Đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Xuân Hồng với chủ đề "Mùa xuân và chiến sĩ" (Ảnh: Tư liệu).
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Xuân Hồng, sinh ngày 12-12-1928, quê ở Châu Thành - Tây Ninh, vùng đất kháng chiến kiên cường, dũng cảm. Sinh ra trong một gia đình nông dân nhưng yêu thích âm nhạc tài tử, do đó ông đã được học nhạc từ rất sớm. Cũng từ đó, đã rất sớm ông đi theo cách mạng khi quê ông nằm sát nách ngoại thành Sài Gòn. Những năm tháng ra đi theo đời lính, đối với ông là những kỷ niệm đẹp trong người cầm súng và cầm đàn, để cất cao tiếng hát cho các anh giải phóng quân ngay trên các chiến trường nóng bỏng.
Nguyễn Xuân Hồng tham gia cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp với nhiệm vụ của người giao liên. Ngoài làm nhiệm vụ, ông bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ ở chiến trường. Năm 1949, ông bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên. Năm 1954, ông được tổ chức đảng phân công hoạt động bí mật ở miền Đông. Năm 1960, ông tham gia Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và làm chính trị viên đơn vị C.40. Thời điểm này, ông ra được nhiều sáng tác trong đó kể đến là ca khúc nổi tiếng “Bài ca may áo” đã được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và truyền tải ra toàn thế giới.
Năm 1963, ông được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Văn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, những nhạc phẩm nổi tiếng tiếp tục ra đời như: “Xuân chiến khu”, “Chiếc khăn tay” (1964), “Hành quân đêm” (viết với Trí Thanh - 1965) và “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (1966). Năm 1967, ông được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam cử làm Trưởng Đoàn Ca múa Quân giải phóng miền Nam, rồi sau đó được cử đi học lớp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1973, ông trở về chiến trường và giữ các chức Đoàn trưởng Đoàn văn công rồi Trưởng Ban Văn nghệ - Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam.
Ðầu Xuân 1975, được chứng kiến thời khắc năm cánh quân giải phóng tiến nhanh về Sài Gòn, ông cũng như bao nhạc sĩ khác đã hòa mình vào trong những đoàn quân chiến thắng. Lúc sinh thời, ông kể lại, thời kỳ đó trong khí thế bừng bừng của những đoàn quân giải phóng, ông và nhiều nhạc sĩ cùng đi với các chiến sĩ, vừa đi vừa hát, hát thật to, hát cùng nhịp tiến quân. Và ca khúc nổi tiếng “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” (1978) ra đời như thế. Xuân Hồng là nhạc sĩ luôn cùng đi, chứng kiến những trận đánh đầy anh dũng, hy sinh xương máu của những người con đất mẹ, của những chiến sĩ giải phóng quân. Ông cũng là người thuộc nhiều làn điệu dân ca Nam Bộ, cho nên khi sáng tác bài nào về sự nghiệp giải phóng miền Nam, về chiến khu, ông cũng dựa trên nền các làn điệu dân ca này nên rất được công chúng yêu mến.
Có một kỷ niệm khó quên mà nay các bạn bè từ trong kháng chiến - nhân chứng cùng ông hay đến ngôi nhà chung 81 Trần Quốc Thảo (trụ sở Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh) kể lại: Có lúc để khỏi quên, lần trong chiến khu, ông đã lấy một loại lá cây rừng để chép, ghi lời bài hát vừa nghĩ ra. Ðó là loại lá cây trung quân. Ðây là một loại cây lá phổ biến ở rừng miền Ðông Nam Bộ, nhất là tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở cửa khẩu rừng Tân Biên (Tây Ninh). Lá có đặc tính to, dài, không bén cháy khi có lửa từ bom đạn Mỹ dội vào, cho nên rất bền, giữ được lâu. Lá trung quân có rất nhiều kỷ niệm với các nhạc sĩ chiến trường ở miền Ðông. Ðó là trong những ngày phong ba bão táp giữa sự sống, cái chết gần kề, ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời, say mê để sáng tác và cổ động tinh thần những người lính giải phóng quân và nhân dân miền Nam. Những bài hát mà giờ đây hàng triệu triệu khán giả vẫn nhớ như in trong lòng mình, như: “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”…
Khi Sài Gòn được giải phóng ngày 30-4-1975, mặt dù công việc rất bộn bề (nhạc sĩ Xuân Hồng vừa làm Tổng thư ký Hội Âm nhạc thành phố, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV), song ông vẫn chỉnh sửa xong bài ca nổi tiếng, đón mừng mùa Xuân chiến thắng: “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” với những ca từ rất tự nhiên, như bước chân đi của một thành phố vừa giải phóng: “Mùa xuân này về trên quê ta/ Ðã viết nên thiên anh hùng ca/ Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói/ Lưu danh đến muôn đời”...
Theo nhạc sĩ Hồ Bông, điều bình dị mà mấy ai để ý biết, là ròng rã hơn mười năm liền nhạc sĩ Xuân Hồng gắn bó với núi rừng miền Ðông, để cho ra đời bài ca nổi tiếng đó, cũng như bao ca khúc mùa Xuân luôn sống mãi trong lòng người. Nhạc sĩ Xuân Hồng từ trần ngày 1-5-1996 khi còn bao hoài bão về những ca khúc mới về mỗi mùa Xuân. Trước khi mất, trong 4 tháng đầu năm 1996, ông đã hoàn thành công trình 7 ca khúc cuối cùng đời mình, đó là: “Gương mặt mùa xuân”, “Đà Lạt cuối thu” (thơ P.N. Thường Đoan), “Biết nói cùng ai” (thơ Hồ Thụy Mỹ Hạnh), “Khi người lính trở về” (thơ Trần Văn Trà), “Người đẹp phố tôi” (thơ Vân An), “Hồn hoa” (thơ Lê Minh Quốc) và “Đứng giữa đồng không” (thơ Vũ Hữu Định).
Nhạc sĩ Xuân Hồng là một đảng viên hơn 50 năm theo Đảng, Tổng thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm liền. Ông đã được truy tặng Huân chương Độc lập (tháng 4-2004), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật năm 2000 với cụm ca khúc: “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”, “Người mẹ của tôi”. Vào bảy năm trước, ngày 21-12-2014, lại một lần nữa vinh quang trả lại đúng sự nghiệp của người nhạc sĩ tài ba, chung thủy, đi trọn đời với Đảng và Nhân dân - Đảng, Nhà nước ta đã trân trọng truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhạc sĩ Xuân Hồng. 25 năm kể từ ngày nhạc sĩ Xuân Hồng đi xa, song những khúc ca Xuân của ông vẫn sống mãi cùng thời gian.
Phạm Bá Nhiễu