Đắk Lắk vững niềm tin viết tiếp trang sử mới

Kinh tế tăng trưởng, hệ thống chính trị vững mạnh

Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả toàn diện, nhiều lĩnh vực có sức vươn ra tầm khu vực, quốc gia, quốc tế. Những thành quả đó tạo dấu ấn và động lực quan trọng để tỉnh Đắk Lắk bước vào một giai đoạn phát triển mới, bứt phá đi lên.

Theo đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Đắk Lắk có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 8,6%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đang được cơ cấu lại theo hướng chất lượng cao, đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết, sản xuất theo hướng an toàn. Lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển nhanh, đã hình thành và phát triển các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn như cụm dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện ở huyện Ea Súp, tổng mức đầu tư hơn 50 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới.

Đến nay, toàn tỉnh có 10.374 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gần 2 lần về số lượng và trên 4 lần về quy mô vốn 1 doanh nghiệp so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 19%/năm; tổng thu cân đối 5 năm đạt 30.679 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn trước 0,5%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,7 lần năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 24,4%/năm. Hiện nay có 61/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Buôn Hồ đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Hoạt động du lịch phát huy được giá trị các lễ hội văn hóa như lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, lễ hội Cồng chiêng… thu hút hơn 4,2 triệu lượt khách đến Đắk Lắk mỗi năm, doanh thu đạt 4.231 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,9%/năm. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,9%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên. Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với quy mô 1.000 giường bệnh đi vào hoạt động, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, kết quả các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia được xếp vị trí cao trong khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Theo đồng chí H’Lim Niê, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đặc biệt là về đạo đức, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đổi mới và đem lại hiệu quả. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) được thực hiện với quyết tâm cao. Lần đầu tiên, BTV Tỉnh ủy Đắk Lắk thực hiện đánh giá cán bộ thông qua báo cáo chương trình hành động và cam kết thực thi trước khi làm quy trình giới thiệu ứng cử, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện (chức danh bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn); tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh giám đốc Sở Công thương… Cách làm mới trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của BTV Tỉnh ủy Đắk Lắk góp phần chống chạy chức, chạy quyền, được dư luận quan tâm, đánh giá cao. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường. Công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền đạt nhiều kết quả. Vai trò của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy, chất lượng giám sát, phản biện xã hội được nâng cao; phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Cuộc vận động “Hiến kế xây dựng Đắk Lắk văn minh, giàu đẹp” lần đầu tiên được tổ chức trong năm 2020 đã tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân về sự cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo tỉnh để Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững.

Phấn đấu xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Thành phố Buôn Ma Thuột là nơi giao nhau giữa quốc lộ 14 với quốc lộ 26 và quốc lộ 27, nối Buôn Ma Thuột với các thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai), kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ. Đắk Lắk có 73,4 km đường biên giới tiếp giáp với Căm-pu-chia, là tỉnh nằm trong khu vực Tam giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam. Đó là những điều kiện để Đắk Lắk mở rộng cơ hội kết nối kinh tế và hợp tác đầu tư với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị toàn tỉnh trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng và kết nối kinh tế trong nước. Hơn mười năm qua, Đắk Lắk đã ký kết và thực hiện nhiều chương trình liên kết hợp tác với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và vùng lân cận như: Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đắk Lắk; Chương trình liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh Lâm Đồng - Khánh Hòa - Bình Thuận - Ninh Thuận - Đắk Lắk - Phú Yên; Chương trình hợp tác phát triển giữa 5 tỉnh Tây Nguyên và Khánh Hòa, Phú Yên; Hợp tác phát triển du lịch Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Đắk Lắk. Nhiều nội dung, chương trình hợp tác đã phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, xúc tiến thương mại, đầu tư...

Là một tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam, Đắk Lắk tham gia ký kết nhiều thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với một số tỉnh của Căm-pu-chia và các tỉnh Nam Lào. Thông qua hợp tác, Đắk Lắk đã phối hợp, giúp đỡ các tỉnh bạn trong khảo sát và xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ vật chất, nhu yếu phẩm cần thiết. Các chương trình ngoại giao văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu thể thao thường xuyên được tổ chức. Các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống xâm nhập biên giới, bảo đảm an ninh - quốc phòng; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển được tăng cường. Hiện nay, một số doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk đầu tư vào 3 dự án nông nghiệp trong lĩnh vực trồng cao su tại Lào và 1 dự án tại Căm-pu-chia đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam, các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước cùng đề xuất và được Chính phủ, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối và phát triển du lịch.

Để tăng cường thu hút đầu tư, Đắk Lắk còn chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác, kết nối với các nước ngoài khu vực. Đắk Lắk và tỉnh Gieo-la-búc (Hàn Quốc) đã ký Bản thỏa thuận về quan hệ hợp tác. TP. Buôn Ma Thuột và TP. Gôn-bơn (Ô-xtrây-li-a) đã ký kết thỏa thuận về thiết lập quan hệ hợp tác giữa 2 thành phố. Tỉnh đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tham gia nhiều chương trình quảng bá địa phương ở các nước Anh, Đức, Mỹ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân...

Để thực hiện có hiệu quả các liên kết vùng và kết nối kinh tế, theo đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ chủ động thực hiện các giải pháp chủ yếu:

Một là, triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định rõ quy hoạch không gian, lãnh thổ gắn với quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm sao cho phù hợp giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.

Hai là, xác định liên kết vùng và kết nối kinh tế là một động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và triển khai có hiệu quả nội dung liên kết vùng và kết nối kinh tế trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh dựa trên tiềm năng và lợi thế có sẵn.

Ba là, huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm: Phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió tại Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Năng; khu công nghiệp Phú Xuân, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Ea Nhái, dự án đường Đông - Tây, hồ thủy lợi Ea Tam, hồ Ea Kao, đường vành đai phía Đông, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái cà phê Suối Xanh, sân gôn hồ Ea Kao..., gắn với đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh như thác Dray Nur, thác Thủy Tiên, thác Krông Kmar, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Khu căn cứ kháng chiến H9, H5...

Đắk Lắk - miền đất kiên cường, trung trinh trong đấu tranh cách mạng hôm nay đang mạnh mẽ chuyển mình. Những thành tựu đạt được trên chặng đường mới minh chứng cho sự đúng đắn, đúng quy luật, hợp lòng dân của các nghị quyết của Đảng. Đảng với Nhân dân cùng chung ý chí, khát vọng và niềm tin viết thêm những trang sử mới. Đảng bộ biết dựa vào Nhân dân, bắt nhịp hơi thở cuộc sống của Nhân dân, chung sức đi lên trong tâm thế vững vàng để kiến thiết, xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng là vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất