Những thành quả hiện thực hóa xã hội XHCN ở Việt Nam (tiếp theo và hết)
Đảng ta kiên định lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của mình

Bài 3: Mô hình mới của CNXH
Ông Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á - Âu đã gửi gắm tâm tư khi nói về mô hình CNXH ở Việt Nam: Chúng tôi rất cám ơn đồng chí Nguyễn Phú Trọng, cám ơn Đảng Cộng sản Việt Nam vì không những không quên tên tuổi Lê-nin, mà còn phát triển, vận dụng học thuyết của Lê-nin vào thực tiễn hôm nay và tương lai. Đáng tiếc là, chính tại nước Nga có lúc người ta ít khi nói đến Lê-nin, nếu không muốn nói là cố tình lãng quên. Tuy nhiên, nếu không có những trang sử chói lọi như vậy của đất nước mình và thế giới, thì chúng ta sẽ không thể bước tiếp xa hơn, như thực tế đã chứng minh. Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng những quan điểm mang tính nguyên tắc của mình dựa trên di sản của Lê-nin”. Điều đó cho thấy xã hội XHCN Việt Nam không chỉ là những sáng chiếu ban đầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật mà còn bao gồm cả mặt học thuật và lý luận về xã hội này. 

  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng các đại biểu tại Đại hội XIII (Ảnh tư liệu).

Nhận thức lại để đi đúng quy luật

Năm 1986, Việt Nam bước vào đổi mới. 5 năm sau, ngày 26-12-1991, sự tồn tại của Nhà nước Xô-viết chấm dứt và mô hình CNXH kế hoạch hoá tập trung, niềm tự hào của phong trào cách mạng thế giới một thời đã chính thức hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau 74 năm tồn tại (1917-1991). Bất chấp mọi xuyên tạc, mô hình CNXH này là mô hình không thể thay thế trong giai đoạn lịch sử đó. Nhắc về sự kiện này, Tổng thống Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã nói: “Ai không tiếc nuối cho sự đổ vỡ của Liên Xô, người đó không có trái tim, ai muốn khôi phục lại Liên Xô người đó không có trí óc”. 

Về tính sự hợp lý (quy luật) của sự tồn tại, nhà triết học lẫy lừng Đức Hê-gen (1770-1831), người mà Maurice Merleau-Ponty cho rằng là khởi nguồn của các tư tưởng lớn của thời hiện đại và tư tưởng C.Mác đã triết lý: “Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”. Sự xuất hiện CNXH sau Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) không chỉ hợp lý mà còn là tất yếu của lịch sử. Ở chỗ XHCN giống như các hình thái kinh tế - xã hội đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại nối tiếp nhau do sự tương tác của các yếu tố trong cấu trúc hình thái kinh tế - xã hội quy định; hợp lý vì trong tình trạng Liên Xô bị bao vây kinh tế tứ bề cho phép huy động nhanh chóng vật lực, tâm lực phục vụ nhiệm vụ của từng giai đoạn cụ thể mà nền kinh tế thị trường tư bản là bất khả thi. Mô hình này cũng cho phép giảm thiểu tối đa sự chênh lệch giàu nghèo giữa các giai tầng trong xã hội.

Điều đặc biệt là trong hơn 70 năm tồn tại, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã thúc đẩy thế giới đi lên theo chiều hướng tiến bộ và nhân văn. Sự tồn tại mô hình XHCN đã tạo ra một thế giới đa cực, trở thành đối trọng với CNTB. Trong sự đối trọng này buộc giai cấp tư sản phải điều chỉnh về lý luận chủ nghĩa tư bản và lợi ích theo xu hướng có lợi cho người lao động. Với tư cách đó, CNXH là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của thế giới theo hướng tiến bộ và nhân văn, ít nhất là trong thế kỷ XX.

Theo Tổng thống Liên bang Nga Vla-đi-mia Pu-tin, không ít những thành tựu của phương Tây trong thế kỷ XX là phản ứng trước thách thức của Liên Xô. Bản thân ông vẫn thích CNCS và chưa từ bỏ thẻ đảng viên của mình.

Tuy vậy, mô hình này có những yếu tố chưa hợp lý như không coi trọng cạnh tranh, coi cạnh tranh là nguồn gốc của mâu thuẫn mà không thấy cạnh tranh là một trong những động lực phát triển của kinh tế, của xã hội. Vì đề cao kế hoạch hoá nên không tránh khỏi chủ nghĩa bình quân, điều hành nền kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính từ bộ máy quan liêu, cồng kềnh…, nhưng những biểu hiện này chỉ là những dấu hiệu trực diện của một mô hình tại một thời kỳ lịch sử, không phải với tư cách của CNXH, là một xã hội phát triển hơn xã hội tư bản. Do vậy, giá trị chân chính và khoa học của CNXH là khách quan, là quy luật. Vấn đề là ở chỗ nhận thức lại, nhận thức cho đúng để có những bước đi đúng và phù hợp. Đó là cách tiếp cận tránh được giáo điều mà từng bước kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn để giải đáp các vấn đề về CNXH.

Từ thực tiễn xây dựng đất nước, Đảng ta đã chủ động tiến hành đổi mới với những bước đi thăm dò và thận trọng. Vì vậy, khi Liên Xô tan rã, chúng ta không những không rơi vào bị động về mặt lý luận mà còn cụ thể hoá từng bước đi của thời kỳ quá độ đi lên CNXH tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH: “Quá độ lên CNXH ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu của chặng đường đầu là: thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau”.

Có một sự thật không thể phủ nhận là năm 2008, khi phương Tây lâm vào khủng hoảng thì người ta lại cho xuất bản lại cuốn “Tư bản” của C.Mác. Người ta gián tiếp thừa nhận vai trò của Chủ nghĩa Mác trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội và chính trị của xã hội tư bản. Rõ ràng, họ đã nhận thấy chủ nghĩa tư bản vẫn chưa có thay đổi về bản chất, những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó vẫn tồn tại không thể khắc phục. Do vậy, đừng mang cái nhìn “Hiện tượng học” (Phenomenology), đồng nhất hiện tượng với bản chất, khi tiếp cận xã hội tư bản mà làm mất đi tính khách quan và khoa học. Từ lô-gic nội tại và biện chứng của hiện thực khách quan đi đến kết luận: đi lên CNXH vẫn là quy luật phát triển của xã hội loài người nhưng phải nhận thức lại để bảo đảm lý luận và thực tiễn luôn thống nhất với nhau. Đó chính là một trong những nguyên tắc cao nhất của Chủ nghĩa Mác - Lênin.  

Những phát triển mới của lý luận về CNXH

Sau hơn 35 năm tiến hành đổi mới và xây dựng xã hội XHCN ở nước ta, Đảng không chỉ giữ vững những nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn vận dụng và phát triển lý luận về CNXH. Xét về mặt triết học đó là biện chứng của nguyên nhân và kết quả bảo đảm chất XHCN cho xã hội đang kiến tạo.

Đó chính là sự vươn vượt của tư duy, của trí tuệ, để không những bắt kịp sự vận động của thực tiễn mà còn dự báo chính xác sự định hình những chuyển động trong tương lai, cho mục tiêu bất di, bất dịch "con người là trung tâm".

Xuất phát từ nguyên tắc thực tiễn là nguồn gốc của lý luận, thực tiễn cao hơn lý luận để nhận diện các vấn đề về lý luận có tính cấp bách như bỏ qua chế độ tư bản như thế nào cho phù hợp với biện chứng khách quan, với quy luật phủ định của phủ định. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, bỏ qua là lọc bỏ và kế thừa có chọn lọc. Nghĩa là bỏ qua những cái cần phải bỏ qua, cái đối lập với xã hội mới, cái đang mất dần lý do để hiện hữu, “không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà con người đã tạo ra trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”. Như vậy, đã có một sự phân biệt rạch ròi, tránh đồng nhất các thành tựu, các giá trị tiến bộ là sản phẩm thuần tuý của giai cấp tư sản. Theo Vla-đi-mia Kô-lốp-tốp, Đại học Saint Peterburg (Nga): “Đây là một cách tiếp cận sáng suốt. Chủ nghĩa tư bản có điểm mạnh là cạnh tranh và những thành tựu đáng kể về phát triển khoa học kỹ thuật. Việt Nam đang sử dụng rất tốt điều đó nhằm bảo đảm lợi ích và phát triển của mình. Điều đáng nói là các lợi ích kinh tế được phân bổ một cách đồng đều giữa các tầng lớp xã hội. Đây là sự độc đáo của một Việt Nam hiện đại. Con đường đi lên CNXH của nước Việt Nam có sự chắt lọc hoàn hảo”. Về bản chất đó là sự chọn lọc, kế thừa để phát triển, để tránh “những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa” vì “sự phát triển là thực sự vì con người”. Bởi thế, hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism) Mỹ, một lý luận đã chìm sâu trong văn hoá và lối sống Mỹ. Đó là một trong những dấu hiệu khác biệt giữa bản chất CNXH với bản chất tư bản chủ nghĩa.

Điểm sáng tạo có tính đột phá là quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với mô hình XHCN ở Liên Xô cạnh tranh là phá vỡ kế hoạch hoá. Quan niệm này có ý nghĩa nhất định trong những năm trước thập niên 70 của thế kỷ XX, thời kỳ kiện toàn cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH. Càng về sau càng lộ rõ những phiến diện của quan niệm này. Không ít chuyên gia kinh tế (cả chuyên gia thời Xô-viết) cho rằng, đó là một trong những gót chân A-sin của nền kinh tế, làm triệt tiêu đáng kể những nội lực của phát triển xã hội.

Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN không chỉ kế thừa được thành tựu to lớn nhất mà nhân loại đã tạo ra trong sản xuất và phát triển xã hội mà dưới sự lãnh đạo của Đảng còn là nhân tố giữ vai trò lực đẩy trung tâm, quy định các quan hệ của tồn tại XHCN và không loại trừ với những thành tố của kiến trúc thượng tầng XHCN trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường TBCN và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”. Như vậy, kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn chặt với thời kỳ quá độ nhưng với tư cách kép, là một trong những phương cách để vượt qua thời kỳ quá độ.

GS, TS. Furata Moto cho rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN không chỉ là một đột phá lý luận rất sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà khi Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì mô hình này không chỉ của riêng Việt Nam và đối với cả thế giới, nó sẽ trở thành mô hình rất thuyết phục.

Tuy vậy, không có sự phát triển nào thuần tuý là đường thẳng vì thực tiễn không đứng yên. Biến đổi là sàng lọc, biến đổi là lửa thử vàng, do vậy, biến đổi là thước đo đối với những giá trị để tạo ra sự tinh tuý. Nói cách khác, qua biến đổi lắng thành tinh lực. Những thập kỷ vừa qua có nhiều biến động trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào cách mạng. Nhiều đảng cộng sản lung lay, biến đổi lập trường, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam thì không. Vì con đường mà Đảng ta và Nhân dân ta lựa chọn không thay đổi. Chúng ta nhận thức được một cách khoa học trong đống lộn xộn của những hiện tượng ít tính bản chất, thậm chí là hiện tượng giả, đó là một bản chất sâu sắc của thời đại. CNXH với tư cách là một hình thái kinh tế - xã hội vẫn tươi rói trong sự nhận diện lại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất