|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl (Đắk Lắk) năm 2018.
|
1. Ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 23). Nghị quyết 23 sau khi đánh giá tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đề ra mục tiêu, 4 quan điểm và 5 chủ trương, giải pháp chủ yếu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nghị quyết 23 đã khẳng định: Bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội; thực hiện dân chủ gắn liền với giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước; xem đó là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để thực hiện quan điểm nêu trên, trong xây dựng những định hướng chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết 23 nhấn mạnh: (1) Phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nhiều thành phần, lấy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ trung tâm; gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái trong từng bước phát triển; đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng. Tổ chức việc kết nghĩa, giúp đỡ nhau giữa các vùng, các địa phương có kinh tế phát triển với vùng nghèo, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (2) Phát triển văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, phấn đấu nâng dần độ đồng đều về trình độ dân trí, văn hoá và mức độ hưởng thụ, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân các vùng trong nước; gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. (3) Phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi; thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", coi trọng vai trò của nhân dân trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Quan điểm và những giải pháp nêu trên đã khẳng định Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng và đề cao nhân tố con người, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đặt con người là trung tâm, đồng thời là chủ thể của chiến lược phát triển.
2. Trong 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, đã có nhiều chủ trương mới của Đảng được ban hành nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; quan tâm phát triển toàn diện khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội (CT-XH), tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Riêng công tác dân vận, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ khóa IX đến khóa XIII đã ban hành 12 nghị quyết, 24 kết luận và thông báo kết luận, 16 chỉ thị, 13 quy định, 4 hướng dẫn và nhiều quy chế, quy định.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua 20 năm, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy. Các giai tầng xã hội chuyển biến tích cực, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng: Giai cấp công nhân tăng nhanh về số lượng (từ trên 8 triệu năm 2003, lên khoảng 17 triệu hiện nay); nâng cao về trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong và kỷ luật lao động; đã hình thành đội ngũ công nhân có khả năng làm chủ, sáng tạo khoa học - công nghệ cao trong một số ngành như dầu khí, hàng không, điện tử - tin học, bưu chính - viễn thông.
Giai cấp nông dân chuyển biến quan trọng trong tư duy sản xuất, kinh doanh; chủ động, sáng tạo trong ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại.
Đội ngũ trí thức tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nhiều ngành và lĩnh vực, một bộ phận trí thức đạt trình độ ngang tầm với trình độ của trí thức các nước phát triển trên thế giới.
Thanh niên Việt Nam trở thành lực lượng năng động, sáng tạo, có hoài bão, dám nghĩ, dám làm, tiếp cận nhanh với tri thức của thời đại, hành động thiết thực vì cộng đồng, vì tương lai tươi sáng của tuổi trẻ. Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống, đề cao tự trọng, tự tin, không ngừng vươn lên trong học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực hoạt động, quản lý xã hội và cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp. Cựu chiến binh Việt Nam phát huy tốt truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nêu cao tinh thần gương mẫu, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ. Người cao tuổi Việt Nam có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, lan tỏa tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng” vì quê hương đất nước. Doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, tăng cường liên kết, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu, tiên phong trong đổi mới, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Các dân tộc thiểu số luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên trong phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng bào các tôn giáo tích cực xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc; hoạt động tôn giáo ngày càng sôi động, các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo đã và đang được phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, củng cố niềm tin, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; trở thành một trong những nguồn lực phát triển đất nước.
Để thể thể hóa Nghị quyết 23, từ năm 2003 đến nay, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ năm 2003 đến nay đã thông qua Hiến pháp 2013 và ban hành 156 Luật, 8 Pháp lệnh và 22 Nghị quyết liên quan đến Nghị quyết 23. Trong đó, có nhiều văn bản quan trọng như: Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Nhà ở, Luật Người cao tuổi, Luật Thanh niên, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Pháp lệnh Cựu chiến binh,... Các văn bản nêu trên tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng, toàn diện nhằm phát triển nền kinh tế, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích chính đáng cho người dân, thực hiện dân chủ gắn với giữ gìn kỉ cương; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Hệ thống pháp luật được hoàn thiện nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Nghị quyết 23, trong đó đề cao nhân tố con người, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, nhấn mạnh con người là trung tâm, là chủ thể trong quá trình phát triển.
Cụ thể hoá Hiến pháp 2013, trong nhiều đạo luật, chế độ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân được xác định rõ ràng hơn. Pháp luật về quyền giám sát của cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát của công dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đầy đủ cho việc thi hành trên thực tế.
Thể chế hóa Hiến pháp 2013, việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được tăng cường và củng cố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay trong hệ thống pháp luật. Từ năm 2014 đến nay, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Các chương trình hành động, đề án của Chính phủ và các bộ, ngành được ban hành nhằm hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống đặc biệt khó khăn; phát triển KT-XH, việc làm, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội…, phù hợp với tiến trình đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; hoạch định chính sách và trình dự án luật, pháp lệnh; bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền con người, quyền công dân; thực thi đạo đức công vụ, tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... để góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, bắt nguồn từ việc bảo đảm quyền con người và quyền công dân đã thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về đại đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đầy đủ, sâu sắc hơn.
Nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành và thực hiện có hiệu quả nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chú trọng phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của hơn 35 năm đổi mới. Dân chủ tiếp tục được phát huy và ngày càng đi vào thực chất; từng bước phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013 được tôn trọng, bảo đảm. Chú trọng nâng cao dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp, nhất là dân chủ ở cơ sở, từng bước bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường tiếp xúc, lắng nghe, giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động, tập hợp, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy tốt vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Những kết quả trên đã góp phần hiện thực hoá mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển.