|
Không thể xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam
|
Cái gọi là “Special Watch List”
Căn cứ theo đạo luật tự do tôn giáo quốc tế Frank R.Wolf năm 2016 (Đạo luật Wolf), Tổng thống Mỹ được đề nghị “đưa một quốc gia vào danh sách “theo dõi đặc biệt” (Special Watch List - SWL) vì tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo trong năm trước đó, nhưng chưa đủ tiêu chí để xếp vào danh sách “quan tâm đặc biệt” (Country of Particular Concern - CPC).
Tổng thống Mỹ trao thẩm quyền cho Ngoại trưởng thực hiện việc phân loại CPC, SWL. Năm 2022, 11 quốc gia bị xếp vào danh sách CPC gồm: Mi-an-ma, Trung Quốc, Cu-ba, Eritrea, I-ran, Triều Tiên, Nicaragua, Pa-ki-xtan, Nga, Ả rập Xê-út, Tajikistan, và Turkmenistan. Danh sách SWL có 5 quốc gia là Algeria, CH Trung Phi, Comoros và Việt Nam.
Việc đánh giá, phân loại một quốc gia vào danh sách CPC hay SWL được Ngoại trưởng Mỹ công bố mà không kèm thêm bất cứ thông tin, cơ sở, căn cứ cụ thể nào về những “vi phạm”, mà chỉ là những thông tin chung chung như nêu ở trên. Thế nào là “vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo” và việc đánh giá này dựa trên tiêu chí, cơ sở nào? Điều này cho thấy cách ứng xử “một mình một kiểu” của Mỹ. Như Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố “Việc thông báo về phân loại các quốc gia phù hợp với các giá trị và lợi ích của chúng tôi để bảo vệ an ninh quốc gia và thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu. Các quốc gia bảo vệ hiệu quả vấn đề này và các quyền con người khác sẽ hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn và là đối tác đang tin cậy hơn của Mỹ so với những quốc gia không thực hiện như vậy”. Điều này cho thấy Mỹ coi giá trị Mỹ là trên hết và các nước mong muốn làm đồng minh, đối tác tin cậy của Mỹ sẽ phải tuân theo những tiêu chuẩn mà Mỹ đề ra.
Ngay khi Ngoại trưởng Mỹ công bố Việt Nam trong danh sách SWL, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, chống đối trong và ngoài nước đã lập tức tung hô, cho đây là “chiến tích” của họ trong việc tác động Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời hô hào, kêu gọi tiếp tục các hoạt động gây sức ép với Việt Nam trong thời gian tới.
Rõ ràng là, dù với mục đích là gì đi chăng nữa, vô hình chung Mỹ đã thể hiện sự hậu thuẫn, dung túng đối với những tổ chức, cá nhân chống đối Nhà nước Việt Nam, tạo cớ để họ dựa hơi để hoạt động cực đoan hơn.
Thực tế, nhìn lại Báo cáo tình hình tự do tôn giáo mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng 6-2022 vừa qua, phần đánh giá về Việt Nam vẫn chứa đựng những thông tin sai lệch, xuyên tạc mà thường được số đối tượng trong và ngoài nước cung cấp nhằm bôi xấu, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
Vẫn là thông tin sai lệch
"Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như các thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam”. Đó là khẳng định của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 15-12.
Dù khi công bố danh sách SWL, Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu bất cứ thông tin gì là cơ sở để xếp loại, quá trình theo dõi các báo cáo thường niên Mỹ công bố cho thấy những thông tin trong các báo cáo này, nhất là báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế là nguyên cớ cho việc này. Điều đáng nói là, những thông tin trong báo cáo này dựa trên những nguồn thông tin thiếu kiểm chứng, sai lệch về tình hình Việt Nam.
Điển hình, báo cáo luôn đề cập đến việc đăng kí đối với các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, cho rằng việc này không cần thiết, cản trở quyền tự do tôn giáo. Trong các buổi làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam, các đoàn của Mỹ cũng thường xuyên nêu vấn đề này.
Thực tế, hoạt động tôn giáo ở Việt Nam ngày càng cởi mở và được các cấp chính quyền tạo điều kiện. Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, chỉ tính trong gần 20 năm qua (2003-2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng. Năm 2003, cả nước có 6 tôn giáo, 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc.
Năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự… Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành năm 2016 nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.
Thực tế, tôn giáo cũng như bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội đều cần có sự quản lý để bảo đảm môi trường lành mạnh cho sự phát triển bình đẳng của các tôn giáo; tạo điều kiện cho tín đồ tôn giáo thực hành đức tin; ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Việc cấp đăng kí cho các tổ chức tôn giáo cũng không nằm ngoài mục đích trên nhằm tạo ra hành lang pháp lý để bảo đảm các điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Một nội dung thường thấy khác trong các báo cáo của Mỹ là việc đánh đồng các tổ chức tôn giáo trái phép, “tà đạo” như tổ chức trái phép Dương Văn Mình, Tin lành Đấng Christ… với các hoạt động tôn giáo thuần túy để xuyên tạc, cho rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo. Cần khẳng định rằng, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo nhưng nghiêm trị những hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật cũng như những hành vi mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục.
Nước Mỹ luôn tuyên bố được tạo lập trên nền tảng nhân quyền, tự xưng là người bảo vệ nhân quyền thế giới. Dựa trên hiểu biết hạn hẹp của riêng mình về nhân quyền và coi lợi ích cốt lõi của mình trong việc theo đuổi chủ nghĩa bá quyền toàn cầu như một thước đo, Mỹ ra báo cáo hằng năm về tình hình nhân quyền của các quốc gia khác bằng cách chắp vá những ám chỉ và tin đồn. Những báo cáo này cố tình bóp méo và hạ thấp tình hình nhân quyền ở các quốc gia và khu vực không phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ, nhưng lại nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền dai dẳng, có hệ thống trên quy mô lớn của Mỹ. (Trích “Hồ sơ vi phạm nhân quyền của Mỹ 2019” do Trung Quốc công bố tháng 3-2020). |
Hợp tác cần dựa trên lòng tin
Thực tế, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thể hiện rõ nhất là chỉ cách đây 2 tháng, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu vào vị trí này, khẳng định rõ sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực, thành tựu bảo đảm quyền của Việt Nam cũng như sự đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ chế nhân quyền Liên hiệp quốc. Đây cũng là minh chứng mạnh mẽ nhất phản bác lại những đánh giá thiếu khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam. Rõ ràng là, sự thiên lệch, định kiến của Mỹ về Việt Nam là sự đi ngược lại dòng chảy tiến bộ của thế giới.
Bất cứ mối quan hệ tốt đẹp, bền vững nào giữa các quốc gia đều phải dựa trên lòng tin, không thể từ sự áp đặt. Trong những năm qua, Việt Nam luôn tích cực hợp tác và sẵn sàng trao đổi, đối thoại với Mỹ về vấn đề nhân quyền, trong đó có các nội dung liên quan tự do tôn giáo, tín ngưỡng trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thường xuyên cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình nhân quyền thông qua rất nhiều kênh. Điều đáng tiếc là phía Mỹ lại lựa chọn những nguồn tin từ các tổ chức chống phá Việt Nam như tổ chức “Cứu trợ người vượt biển” (BPSOS) do Nguyễn Đình Thắng cầm đầu - một tổ chức thường xuyên có hoạt động chống phá, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam.
Cần khẳng định rằng, vấn đề quyền con người trên thế giới hiện nay vẫn còn những cách tiếp cận khác nhau. Quyền con người là giá trị được kết tinh từ những thành tựu, kinh nghiệm đặc sắc trong việc bảo vệ quyền con người của mỗi quốc gia. Chính nét đặc sắc trong việc bảo đảm quyền con người của mỗi quốc gia làm phong phú thêm giá trị chung về quyền con người. Xét từ khía cạnh này, cách tiếp cận của Việt Nam và Mỹ về vấn đề quyền con người còn có những khác biệt, xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của mỗi nước. Chính vì thế, cần phải tôn trọng sự khác biệt, không thể áp đặt giá trị, tiêu chuẩn của mình đối với một quốc gia khác.
Tính đặc thù của quyền con người còn bắt nguồn từ sự phát triển “không đều” về mọi mặt của thế giới, nên quyền con người cũng không thể được đáp ứng như nhau giữa các quốc gia, mà luôn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi nước. Tính đặc thù được thể hiện rõ trong hệ thống luật quyền con người. Chính cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận thực tế này trong Tuyên bố Viên và Chương trình hành động: “Trong khi phải luôn ghi nhớ tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo; các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và các tự do cơ bản”.
Quyền con người là giá trị phổ biến, nhưng đối với các nước đang phát triển, thực hiện đầy đủ các chuẩn mực nhân quyền là quá trình lâu dài. Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn các giải pháp tối ưu trong việc cân bằng giữa ổn định xã hội với đảm bảo đầy đủ nhân quyền, có quyền xây dựng lộ trình trong việc thực hiện cam kết đối với các điều ước quốc tế về nhân quyền. Việc khẳng định tính đặc thù của quyền con người tạo cơ sở lý luận bác bỏ mọi sự sao chép, áp đặt các mô hình dân chủ, nhân quyền.
Bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là một quá trình lâu dài, liên tục và cần sự nỗ lực của mỗi quốc gia, đặc biệt với Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nguồn lực còn hạn chế trong khi còn nhiều thách thức trong giải quyết các vấn đề quyền con người. Đích đến của tất cả các quốc gia đều là sự phát triển tiến bộ, văn minh và tôn trọng nhân phẩm cho tất cả mọi người cho dù là có sự khác biệt về thể chế chính trị, quan điểm tiếp cận vấn đề quyền con người. Tuy nhiên cách thức, lộ trình thực hiện là không thể giống nhau giữa các quốc gia. Chính sách của Việt Nam luôn là tôn trọng quan điểm, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và mong muốn các nước cũng thực hiện điều đó. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác của các quốc gia trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên bình diện quốc tế.
Trong bài báo “Việt Nam xứng đáng vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền” đăng ngày 20-9-2022, tờ Washington Times khẳng định: "Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao tại LHQ với việc cử sĩ quan tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, cũng như tích cực tham gia vào các thảo luận nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên của LHQ". |
Thu Anh