Tuyên ngôn độc lập đã kế thừa và phát triển ở tầm cao mới những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc tự quyết
Trong quan niệm của triết học mác-xít, con người là một thực thể trong sự thống nhất biện chứng giữa cái tự nhiên và cái xã hội. Con người sinh ra từ tự nhiên, tuân theo các quy luật tự nhiên, đồng thời con người tồn tại và phát triển gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Theo nghĩa chung nhất, "con người" hoặc "người" là danh từ chung dùng để chỉ cả nam giới và nữ giới, không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, màu da, nguồn gốc, giàu nghèo... Trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì "chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người"(1).
Mặc dù quan niệm chung về "người", "con người" là như vậy, nhưng từ tư tưởng nhận thức đến quy định pháp luật và thực tiễn thi hành chính sách về quyền con người của các quốc gia lại không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau ngay trong cùng một quốc gia. Và đây chính là điểm khác biệt về sự thống nhất giữa nói và làm trong Tư tưởng Hồ Chí Minh với nhiều nhà tư tưởng khác.
Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo mở đầu bằng một đoạn được cho là trích trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy điểm đặc biệt là lời văn trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ không hoàn toàn như vậy, và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng biết rõ điều đó. Song Người đã có ý thức thay đổi từ ngữ ở bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ sang bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo theo chủ kiến của mình.
Cụ thể, nguyên văn đoạn trích trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ là: “We hold these Truths to be self-evident, that all Men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty, and the pursuit of Happiness”, nghĩa là “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người (all men) sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Từ “all men” ở đây được hiểu là những người đàn ông Mỹ da trắng thời đó). Còn trong câu mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết là: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”.
Và như vậy, từ phạm vi hẹp "all men" (mọi đàn ông) - thậm chí còn hẹp hơn - chỉ sử dụng đối với đàn ông da trắng ở nước Mỹ vào thời điểm Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, khi chuyển ngữ sang tiếng Việt để viết Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết là "đồng bào", và "con người" - nghĩa là phạm vi đã rộng hơn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ rất nhiều - bao gồm cả nam và nữ giới, thậm chí còn rộng hơn nữa, không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, giai cấp, màu da, nguồn gốc, giàu nghèo, tôn giáo, tư tưởng chính trị... Và đương nhiên, nếu chuyển ngữ từ tiếng Việt "đồng bào" và "con người" trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang tiếng Anh thì không thể là "all men" được nữa, mà có lẽ phải là "human" và "people" (con người) mới phản ánh đúng nội hàm.
Điều này được phát hiện và công bố bởi chính một người Mỹ - nhà sử học, nhà văn Lady Borton - một người có thể nghe, nói, đọc, viết thành thạo tiếng Việt. Nhà nghiên cứu Mạch Quang Thắng cho biết, những nội dung này được bà Lady Borton thể hiện trong bài tham luận với tựa đề "Hồ Chí Minh đã biết điều đó như thế nào" (bằng tiếng Anh, đã được dịch ra tiếng Việt) trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia - quốc tế được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 19 đến ngày 21-9-2000 với chủ đề “Việt Nam trong thế kỷ XX”(2).
Trong một bài viết có liên quan, tác giả Đoan Trang cho biết: khi dịch từ “men” sang tiếng Việt, Bác Hồ chọn nghĩa “con người” thì theo bà Lady Borton, lời kêu gọi “Hỡi đồng bào cả nước” rõ ràng đã nói lên một ý không thể dịch một cách đơn giản sang tiếng Anh. Bà cho rằng đó là cách chọn chữ rất hay của Hồ Chủ tịch: “Nó khiến ta liên tưởng đến huyền thoại gốc gác của Việt Nam trong đó Âu Cơ đẻ một bọc trăm trứng… “Đồng bào” ở đây có nghĩa là tất cả Nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 còn rất nhiều từ ngữ mang tính tập hợp toàn dân như “dân”, “nhân dân”, “dân tộc”. Không có một sự phân biệt nào”(3).
Có thể khi lý giải điều này, bà Lady Borton chưa nghĩ tới những trải nghiệm thực tế qua 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (trong đó có thời gian Người đã tới khu Hác-lem của người da đen để tìm hiểu cuộc sống của người lao động trong xã hội nước Mỹ) đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng cảm và nhận thức rõ: Nơi đâu cũng có người nghèo như ở xứ mình, dù ở các nước thuộc địa hay chính quốc, họ đều bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác; và ngay từ bài báo "Đoàn kết giai cấp" đứng tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria (số 25, tháng 5-1924), Người đã kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”. Chỉ 3 năm sau đó (1927), trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích: “Kách mệnh Pháp cũng như kách mệnh Mỹ, nghĩa là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Và cũng trong tác phẩm này, Người đã viện dẫn: Trong lời tuyên ngôn của Mỹ có câu rằng: "Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mệnh của mình, quyền làm ăn cho sung sướng... Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đập đổ Chính phủ ấy đi, và gây lên Chính phủ khác...". "Nhưng bây giờ Chính phủ Mỹ lại không muốn cho ai nói đến cách mệnh, ai đụng đến Chính phủ! Mỹ tuy rằng kách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính kách mệnh lần thứ hai. Ấy là vì kách mệnh Mỹ là kách mệnh tư bản, mà kách mệnh tư bản là chưa phải kách mệnh đến nơi. Chúng ta đã hy sinh làm kách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc".
Cũng theo bà Lady Borton cho biết, khi viết bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Minh đã kiểm tra lại từng chi tiết lời văn trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, cẩn trọng “như một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp”. Cụ thể là Người đã gọi điện thoại cho ông Charles Fenn - nhân viên đầu tiên của phái bộ OSS (Cơ quan tình báo chiến lược, tiền thân của CIA), đã trực tiếp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc vào tháng 3-1945) để nhờ ông Charles Fenn kiểm tra lại nội dung Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mỹ. Ông Charles Fenn kể: “Tôi vào thư viện soát lại, rồi tôi gọi điện cho Lucius lời văn chính xác” (Lucius là bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Charles Fenn đặt khi làm việc với OSS). Đây là chi tiết cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất cẩn trọng khi trích dẫn lời văn trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ trong bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo và công bố trước toàn thể quốc dân, đồng bào ngày 2-9-1945.
Từ những điều nêu trên, có thể rút ra kết luận: qua ít nhất hai lần nghiên cứu bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ (lần thứ nhất khi viết tác phẩm “Đường Kách mệnh” năm 1927 và lần thứ hai, trực tiếp nhờ Charles Fenn tìm đọc và xác nhận chính xác lời văn trong nguyên bản bằng tiếng Anh); với trải nghiệm thực tế đời sống chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia, trong đó có nước Mỹ; sự am hiểu về đặc điểm truyền thống và thực tiễn cách mạng Việt Nam; sử dụng tiếng Anh rất thành thạo là những yếu tố quyết định để Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không quá lệ thuộc vào nguyên văn câu chữ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, mà ngược lại còn chứng minh rằng trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, Người đã kế thừa và phát triển ở tầm cao mới những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về quyền con người.
Điểm đặc biệt nữa trong bản Tuyên ngôn độc lập, thể hiện sự phát triển vượt gộp trong nhãn quan và tư duy chính trị, pháp lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã nâng từ "quyền con người" lên tầm "quyền dân tộc tự quyết". Từ việc chuyển ngữ đoạn trích trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, và trích dẫn bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của nước Pháp “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi…”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng từ quyền cơ bản của con người thành quyền tự quyết của các quốc gia, dân tộc khi Người nhấn mạnh “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tiếp đó, Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập” và trong phần kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Người đanh thép tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Như vậy, từ "all men" trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ (quyền tự do, bình đẳng chỉ dành cho đàn ông da trắng - chưa phải dành cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia chủ quyền), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển đến "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng" và "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" - nghĩa là dành cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia chủ quyền. Với những nội dung kế thừa và phát triển ở tầm vượt gộp các tư tưởng tiến bộ về quyền con người và quyền dân tộc tự quyết, thể hiện trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp một điểm son ngời sáng trong lịch sử luật pháp quốc tế - điều đó vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau.
Ý nghĩa vượt thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền dân tộc tự quyết
Nếu xem xét về phương diện tư tưởng lý luận, những quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền dân tộc tự quyết đã có sự phát triển vượt gộp so với các tư tưởng chính trị, pháp lý tiến bộ của nhân loại trước đó, cụ thể là bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của nước Pháp. Còn xem xét về phương diện hiện thực hóa tư tưởng về quyền con người và quyền dân tộc tự quyết, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có những bước đưa tư tưởng về quyền con người và quyền dân tộc tự quyết của Người vượt trước rất nhiều so với nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Cụ thể là, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ ra đời năm 1776, nhưng do chỉ công nhận quyền bình đẳng đối với "all men" - mọi đàn ông da trắng - cho nên mãi đến năm 1870, tức là phải hơn 100 năm sau khi Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ ra đời thì những người đàn ông da màu mới có quyền đi bỏ phiếu bầu cử. Đối với phụ nữ, sự thừa nhận và thực hiện trên thực tế quyền bình đẳng về chính trị còn muộn hơn nữa - 147 năm sau - tức là đến tận năm 1923 thì phụ nữ Mỹ mới được tham gia bỏ phiếu bầu cử (và nếu tính theo đầu thế kỷ thì phụ nữ Mỹ phải mất đến 3 thế kỷ từ khi ban hành Tuyên ngôn độc lập mới được quyền tham gia bỏ phiếu bầu cử). Cụ thể hơn, một công trình nghiên cứu về bầu cử ở Mỹ cho biết, vào cuối thế kỷ XVIII cho đến tận đầu thế kỷ XX (năm 1920) phụ nữ Mỹ (cũng như phụ nữ hầu hết các nước khác) không có quyền đi bỏ phiếu chọn người đại diện cho mình. Trước đó, rất nhiều bang của nước Mỹ quy định chỉ có những người đàn ông da trắng (Caucasian men), có học vấn nhất định (hết tiểu học), có tài sản (hầu hết các bang quy định là 50 acres đất trở lên) hoặc có đóng thuế thu nhập thì mới được quyền đi bỏ phiếu. Người nô lệ thì tuyệt nhiên bị cấm tiệt việc bỏ phiếu vì họ không biết chữ lẫn không có thu nhập.
Tuy nhiên, sau cuộc nội chiến Bắc - Nam (từ tháng 4 năm 1861 đến tháng 5 năm 1865, thái độ của một số bang miền Nam đối với người da đen đã có sự cởi mở hơn, mặc dù sự kỳ thị đối với người da màu ở miền Nam vẫn rất mạnh. Tháng 2-1870, Hiram Rhodes Revels trở thành Thượng nghị sĩ da đen đầu tiên được bầu và đại diện cho bang Mississippi tại Thượng viện Liên bang Mỹ. Tuy nhiên, phải đến ngày 06-8-1965 khi Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson ký Đạo luật về quyền bầu cử, trong đó cấm tuyệt đối việc ngăn chặn, tạo các rào cản gây cản trở việc bỏ phiếu của các sắc dân thiểu số, thì từ đó trở đi các sắc dân thiểu số mới được hưởng các quyền bỏ phiếu đầy đủ như đối với người da trắng (4).
Đối với Việt Nam, mặc dù vào năm 1945 thì xã hội khi đó vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của ý thức Nho giáo về trọng nam khinh nữ, song bà Lady Borton khẳng định với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng thì “Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam”, “Tự do và bình đẳng cho toàn thể người dân”. Và chỉ rất ít ngày sau khi công bố bản Tuyên ngôn độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 về mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội với nguyên tắc "Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường". Và trong thời gian rất ngắn sau đó (tháng 1-1946), cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tổ chức thành công, mọi công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử, ghi nhận sự hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người.
Đặc biệt hơn nữa, ngày 9-11-1946, tức chỉ 10 tháng sau cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm 1946, và có tới 11-70 điều (từ Điều thứ 6 đến Điều thứ 16) để quy định về vấn đề quyền con người. Trong đó có những quyền được ghi nhận rất trang trọng, tôn vinh con người, như “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều thứ 6); “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều thứ 7); “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều thứ 8); thậm chí phụ nữ còn được đặt trước nam giới: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9). Đặc biệt, Hiến pháp năm 1946 khẳng định Nhân dân là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước, bởi "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70" (Điều thứ 21 Hiến pháp năm 1946)…
Với những quy định đó của Hiến pháp năm 1946, lần đầu tiên quyền con người ở Việt Nam được hiến định, được Nhà nước bảo đảm, bảo vệ. Và cũng qua Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946, có thể thấy rằng quan niệm về quyền con người trong Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt tới đỉnh cao văn minh và trí tuệ của nền văn minh nhân loại: Nhân dân tìm thấy trong chính trị và pháp luật sức mạnh trí tuệ và vật chất của mình; ngược lại, chính trị và pháp luật lấy mục đích phục vụ Nhân dân, giải phóng con người, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ làm lý do chân chính để tồn tại và phát triển. Với bản chất ưu việt đó, hệ tư tưởng của Đảng và pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng nhất, là thước đo của sự phát triển xã hội: “Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật”(5).
Còn đối với quyền dân tộc tự quyết, mặc dù từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "... tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"; song phải đến 15 năm sau (năm 1960), Liên hiệp quốc mới đưa tinh thần đó vào "Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”. Và phải mất thêm 10 năm nữa (năm 1970), Đại hội đồng Liên hiệp quốc mới nhất trí tuyên bố chấm dứt vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện. Và nếu như từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn quyền dân tộc tự quyết với quyền con người bằng việc kế thừa, phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc - quốc gia; hay nói cách khác là đã mở rộng quyền con người gồm cả quyền dân tộc tự quyết thì trong pháp luật quốc tế, phải mất 21 năm sau (năm 1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mới gắn quyền con người với quyền dân tộc tự quyết. Cụ thể là khoản 1 Điều 1 của cả hai Công ước này đều xác định: “1. Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”.
Và cũng qua việc nghiên cứu, xem xét từ các phương diện nêu trên, sẽ không quá lời nếu chúng ta khẳng định những quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền dân tộc tự quyết đã thực sự mang giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại và ý nghĩa vượt thời đại.
-------------------------------------------
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995.
(2) Mạch Quang Thắng, Hồ Chí Minh - con người của sự sống. Nguồn: https:--thehehochiminh.wordpress.com.
(3) https:--thehehochiminh.wordpress.com-2010-09-02-chuyenitnguoibietvetuyenngondoclap-#more-819.
(4) https:--baoquocte.vn-khai-quat-ve-he-thong-bau-cu-my-38715.html.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, H.2000.
Đã có rất nhiều công trình, bài viết của các tập thể, cá nhân ở trong nước và ngoài nước nghiên cứu, phân tích rất công phu, sâu sắc về những giá trị và ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo. Nội dung của bài viết này không phải là mới, mà chỉ xin khái quát lại để thêm một góc nhìn về giá trị và ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh quyền con người và quyền dân tộc tự quyết, thể hiện qua bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ do Người trực tiếp soạn thảo và công bố ngày 02-9-1945.
TS. Trần Nghị
Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ