Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh”. “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân...”, đồng thời đưa ra những chủ trương lớn về quyền con người, gắn quyền con người với sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, gắn quyền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.
Nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ đại diện. Nền tảng của nhà nước pháp quyền là Hiến pháp và một hệ thống pháp luật dân chủ và công bằng. Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự điều chỉnh tối cao của một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, nhất quán.
Hệ thống pháp luật ấy phải mang bản chất của một chế độ dân chủ, theo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và bảo vệ quyền con người; bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi, hiệu quả và phải được xây dựng, ban hành theo kịp các quy luật phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.
Cộng đồng quốc tế đã nhất trí rằng, Nhà nước pháp quyền là một giá trị chung của nhân loại, một phạm trù mang tính phổ quát nhưng đồng thời cũng mang tính đặc thù, giá trị riêng của mỗi quốc gia, dân tộc, được xác định bởi hàng loạt yếu tố như lịch sử, phong tục, tập quán, tâm lý xã hội, các chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá và môi trường địa lý. Nhà nước pháp quyền có những nguyên tắc và đặc trưng cơ bản, nhưng đó không phải là một khuôn mẫu bất biến áp dụng cho tất cả các quốc gia. Các yếu tố đặc thù không chỉ tạo ra các đặc sắc, tính riêng biệt của mỗi quốc gia, dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và kiến tạo phát triển mà còn quyết định mức độ tiếp thu và dung nạp các giá trị phổ quát của nhà nước pháp quyền trên thế giới.
Việt Nam nhận thức rõ về sự cần thiết xây dựng nhà nước pháp quyền mang tính phổ quát nói chung và Nhà nước pháp quyền XHCN mang tính đặc thù của Việt Nam nói riêng ngày càng sáng tỏ và trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng, phát triển đất nước và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đối với nước ta. Thể chế hoá quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng, Hiến pháp năm 2013, tại Điều 2, Chương I về Chế độ chính trị, khái niệm về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tại Điều 14 Chương II, Hiến pháp 2013 cũng đã hiến pháp hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật Việt Nam từng bước được hoàn thiện theo tiêu chí của một nhà nước pháp quyền, số lượng ngày càng lớn, chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, bám sát yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng các tiêu chí “đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch". Trong lĩnh vực quyền con người, quyền công dân, hàng loạt các văn bản luật đã được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Những năm qua, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nhưng hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn đó những khiếm khuyết, chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra vì còn thiếu đồng bộ, chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế, chưa đạt đến tầm của một hệ thống pháp luật phục vụ kiến tạo phát triển. Mới đây, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ cho biết, từ năm 2016 đến tháng 5-2021, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền phát hiện và kết luận có 660 văn bản ban hành trái pháp luật, trong đó có 108 văn bản của cơ quan cấp bộ và 552 văn bản của chính quyền cấp tỉnh.
Trước những yêu cầu có tính cấp thiết, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ..., bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Vì vậy, phương hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, không chỉ chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước, mà đồng thời phải chú ý đúng mức đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của con người, của công dân trong tổng thể các quan hệ nền tảng và có tính bình đẳng với thể chế pháp quyền của Nhà nước.
Bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là trách nhiệm cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước phải xây dựng và triển khai các biện pháp ở tất cả các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quản lý chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chí về quyền con người, quyền công dân: công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong thực tế. Trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, Nhà nước phải có trách nhiệm công nhận, ghi nhận đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của con người, của công dân, bảo đảm tính khả thi hiệu quả. Đồng thời, Nhà nước cũng phải xây dựng các cơ chế bảo đảm cho hệ thống pháp luật được thực thi trên thực tế, kiểm tra giám sát quá trình tổ chức, thực hiện, bảo đảm sự tôn trọng các quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật, để mọi người được thụ hưởng và phát triển các quyền của mình trong thực tế; ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân. Việc xây dựng hệ thống pháp luật còn phải tạo điều kiện, thúc đẩy, kiến tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho việc tiếp cận quyền con người, quyền công dân của tất cả mọi người, của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
Với mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện đại, một nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật cho tương lai theo hướng tiếp cận từ quyền con người, có đặc trưng chủ đạo là hội nhập và kiến tạo phát triển, đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực, không cho phép ai, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng nào đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật, nhằm bảo đảm cho quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Và trên tất cả, hệ thống pháp luật hoàn thiện cần có sự nỗ lực thực thi của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và cả người dân để bảo đảm Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, trong đó quyền làm chủ của Nhân dân được bảo đảm và phát huy; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Phạm Văn Ba