Mở đầu, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên”, giới thiệu với bạn đọc những quan điểm của Người về yêu cầu gương mẫu đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh: người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo; cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi…
Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 – 19-8-2018), chuyên mục Lý luận – Thực tiễn – Kinh nghiệm, Tạp chí số này có bài “Xây dựng Đảng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc tiến tới Cách mạng Tháng Tám” của PGS, TS. Vũ Quang Hiển (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tác giả khẳng định thành công của Cách mạng Tháng Tám là do kịp thời thay đổi chiến lược, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc; tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; thực hiện đại đoàn kết dân tộc, xây dựng mặt trận thống nhất rộng rãi. Tác giả nhấn mạnh: Coi trọng công tác tổ chức – cán bộ, nâng cao chất lượng đảng viên, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng là một bài học lớn làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng số này Tạp chí có bài “Chủ tịch Tôn Đức Thắng- nhà lãnh đạo gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân” của PGS, TS. Lý Việt Quang (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tác giả viết về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo trong sáng, hết mực khiêm tốn giản dị của Đảng và Nhà nước, người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng.
Bài “Luân chuyển cán bộ kết hợp với bố trí cán bộ không là người địa phương” của Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng) bày tỏ suy nghĩ của tác giả về luân chuyển cán bộ kết hợp với bố trí cán bộ không là người địa phương. Tác giả chia sẻ muốn tự khẳng định mình, cán bộ luân chuyển không là người địa phương một mặt phải biết phát huy thế mạnh, sở trường vốn có của mình, kể cả việc tận dụng những mối quan hệ ở nơi công tác cũ nhằm phục vụ cho lợi ích chung của địa phương; mặt khác phải biết “bù đắp” thế yếu, sở đoản của mình bằng cách lắng nghe tham mưu tư vấn và quan trọng hơn là bằng việc tự học, tự nghiên cứu trong sách và trong thực tiễn.
Bài “Xây dựng tác phong sâu sát cơ sở của cán bộ lãnh đạo, quản lý” của Phạm Giang tìm hiểu kinh nghiệm của các cấp ủy các địa phương trong việc xây dựng tác phong công tác sâu sát cơ sở. Đó là: Phân công nhiệm vụ theo dõi, phụ trách cơ sở; tăng cường đi cơ sở; giao ban, đối thoại với nhân dân; thực hiện tốt công tác cán bộ.
Với bài “Định lượng đánh giá cán bộ từ góc nhìn thực tiễn”, tác giả Minh Anh khai thác kinh nghiệm và kết quả của một số địa phương khi lượng hóa được tiêu chí đánh giá cán bộ. Kinh nghiệm đó là: Xây dựng khung tiêu chí đánh giá hằng tháng, hằng quý; phân cấp đánh giá cán bộ trên quan điểm “Ai giao việc – người đó đánh giá; xây dựng Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Bài “Long Biên đổi mới cách đánh giá cán bộ” của Thu Huyền viết về kinh nghiệm của BCH Đảng bộ quận Long Biên (Hà Nội) đánh giá, phân loại cán bộ theo từng tuần, tháng, quý; ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa các công đoạn; cơ chế khen thưởng, xử phạt rõ ràng. Kết quả đổi mới, nâng cao chất lượng các khâu trong công tác cán bộ đã giúp quận Long Biên tiếp tục duy trì đà phát triển mọi mặt, là điểm sáng của thành phố, nhất là về công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Bài “Năm kinh nghiệm đảng viên làm kinh tế tư nhân (KTTN)” của Lan Phương từ chỗ tìm hiểu về tình hình đảng viên làm KTTN, những khó khăn, vướng mắc để đưa ra 5 kinh nghiệm tiếp tục khẳng định, mở rộng hướng đi tích cực phát triển KTTN.
Bài “Nâng cao chất lượng đảng viên ở nông thôn” của Trần Viết Cường (Ban Tổ chức Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) viết về kết quả, hạn chế và các giải pháp nâng cao chất lượng đảng viên nông thôn. Từ đó, nhấn mạnh nếu nâng cao chất lượng đảng viên ở nông thôn thì phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, nghiệp vụ, năng lực hoạt động thực tiễn của đảng viên chuyển biến tích cực góp phần củng cố TCCSĐ, xây dựng hệ thống chính trị gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trên thực tế, tình trạng đảng viên bỏ công tác, sinh hoạt đảng xuất hiện ở nhiều đảng bộ xã, phường, thị trấn. Bên cạnh những đảng viên đi làm ăn xa không về sinh hoạt, có không ít đảng viên đảng ở địa phương cũng bỏ sinh hoạt đảng và né tránh nhiệm vụ do chi ủy phân công. Bài “Khắc phục tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt – Từ thực tiễn tỉnh Bến Tre” của Đinh Thành chia sẻ kinh nghiệm của Bến Tre trong việc triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm khắc phục căn bản tình trạng này. Bạn đọc quan tâm đón đọc tiếp Kỳ II: “Những nỗ lực của Bến Tre”.
Bài “Phát triển đảng viên ở Tây Bắc – Kinh nghiệm từ Lai Châu, Điện Biên” của Đình Anh viết về cách làm của Lai Châu và Điện Biên đem đến kết quả tích cực: Tỷ lệ đảng viên trẻ, đảng viên nữ tăng, trình độ học vấn ngày càng cao; số đảng viên là người dân tộc thiểu số mới kết nạp vào Đảng tăng cao. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đảng viên với củng cố và xây dựng hệ thống tổ chức đảng thôn, bản.
Bài “Tinh gọn bộ máy – Cách làm từ Long An” của Thành Sáng viết về kinh nghiệm của Long An, từ chỗ 2-3 đầu mối sáp nhập thành 1 đơn vị, 1 chức danh kiêm nhiệm nhiều chức danh đã giảm được hàng chục đầu mối trực thuộc và giảm đáng kể số lượng cấp trưởng, cấp phó ở nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Về việc lựa chọn người làm việc” của tác giả Phạm Văn Định. Bài viết được triển khai theo 4 nội dung chính: Tầm quan trọng của việc lựa chọn và sử dụng người làm việc; Quan hệ giữa đức và tài; Nên chọn người như thế nào; Những vấn đề xung quanh việc chọn người trong hệ thống chính trị. Tác giả khẳng định biết lựa chọn nhân sự và đặt vào đúng vị trí công tác thích hợp là một việc làm quan trọng, thiết thực nhất là đối với các cơ quan và những người làm công tác tổ chức – cán bộ trong hệ thống chính trị.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Cải cách thủ tục hành chính trong Đảng ở TP. Hồ Chí Minh”. Tác giả Nhật Thụy đề cập đến cách làm, kết quả và kinh nghiệm của các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của BTV Thành ủy về thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong Đảng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy ở thành phố.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống có bài viết “Dấu ấn “tam nông” ở Xuân Hòa” của Bảo Yến. Tác giả phản ánh kết quả và kinh nghiệm của Xuân Hòa (Xuân Trường, Nam Định) sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Diện mạo Xuân Hòa đã có những đổi thay rõ rệt. Người dân hân hoan với những thành tựu về nông thôn mới. Xuân Hòa đang tự tin bước tiếp chặng đường xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển.
Số này, Tạp chí cũng cung cấp cho bạn đọc thông tin “Bảo hiểm xã hội Việt Nam gắn kết cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin”.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Khi cán bộ, chiến sỹ công an xứ Thanh làm theo lời Bác” của ThS. Nguyễn Hồng Sơn (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong), viết về Công an tỉnh Thanh Hóa, một trong những đơn vị đầu tiên trong lực lượng Công an cả nước tổ chức triển khai học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đem đến kết quả thiết thực.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Suy ngẫm về phát hiện và tạo nguồn cán bộ” của Lê Xuân Lịch. Từ những câu chuyện thực tế, từ trải nghiệm cuộc đời và nhiều năm công tác trong Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, tác giả chia sẻ người làm công tác tổ chức xây dựng đảng luôn cần cái tâm trong sáng để tham mưu, đề xuất, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm đúng người, đúng việc, để đến khi nghỉ hưu không cảm thấy nuối tiếc hay ân hận về những việc mình đã làm.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Câu hỏi từ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018” của Trần Thiết, bình luận qua những sai phạm quy chế thi, đặc biệt ở khâu chấm thi diễn ra ở Hà Giang, Sơn La và có thể một số địa phương nữa. Những sai phạm “đốt cháy” dư luận xã hội, nhiều câu hỏi được đặt ra cần được giải đáp một cách thấu đáo.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt số này có bài viết “Gặp gỡ ở Văn Khang”. Tác giả Diệp Chi viết về đồng chí Đào Hồng Minh, Trưởng thôn Văn Khang (Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) “đầu tàu” gương mẫu, miệng nói, chân đi, tay làm góp sức mình đưa Văn Khang từ một thôn có nhiều khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lụt, bứt phá xây dựng thành công khu dân cư nông thôn mới.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Dối trá – căn bệnh trầm kha” tác giả Ma Văn Kháng khẳng định cuộc đấu tranh chống lại sự dối trá luôn cần sự tham gia tích cực của từng người, nhưng trước hết là của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng. Bởi một điều đơn giản, là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mỗi đảng viên, tổ chức đảng nhất thiết phải đi trước, nêu gương.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Đảng bộ cơ quan Ban Tổ chức Trung ương triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 và sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị” (Mai Anh).
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết “Đào tạo nguồn lãnh đạo, quản lý cấp cao ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản” của Đình Tùng. Bài viết khai thác kinh nghiệm hữu ích của các nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản trong việc tìm kiếm những tài năng, đào tạo họ trở thành công chức lãnh đạo cấp cao và bố trí vào các vị trí thích hợp.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên, chính sách cán bộ.
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 8-2018, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng