Tạp chí Xây dựng Đảng in số 9-2018 có chủ đề trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…
Mở đầu, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tự phê bình và phê bình”, giới thiệu với bạn đọc những quan điểm của Người về mục đích của tự phê bình và phê bình, cách thức phê bình, hiệu quả của tự phê bình và phê bình đúng mực. Người khẳng định: Thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm…
Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, Tạp chí số này có bài “Bài học lấy dân làm gốc” của Hoàng Thu Hương (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Tác giả khai thác tư tưởng lấy dân làm gốc thể hiện trong chính sách an dân thời Lê sơ; phát huy truyền thống cha ông, quan điểm lấy dân làm gốc được Đảng ta thực hiện trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài “Để tổ chức cơ sở đảng vững mạnh” của Minh Anh. Tác giả viết về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-3008 “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, các TCCSĐ đều coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), cũng như phân công nhiệm vụ đảng viên. Tùy thực tiễn từng địa phương mà cấp ủy có những cách làm phù hợp, hiệu quả.
Bài “Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên một số tỉnh miền núi phía bắc” của Phạm Giang đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên: Phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; củng cố TCCSĐ; thực hiện tự phê bình và phê bình, đưa người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
Bài “Ba điểm nhấn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Đảng bộ TP. Hà Nội” của Diệp Chi tìm hiểu kết quả nổi bật của Hà Nội khi thực hiện Nghị quyết số 22: hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình TCCSĐ theo hướng gắn với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; sắp xếp, củng cố mô hình tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tổ dân phố, thôn, xóm; đánh giá cán bộ sát thực.
Với bài “Nghệ An nhiều giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”, tác giả Trần Xuân khai thác kinh nghiệm của Nghệ An sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng: cụ thể hóa chủ trương bằng nhiều chương trình, đề án; nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình TCCSĐ; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên; áp dụng mô hình, cách làm mới.
Bài “10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW (khóa X) ở khu vực phía nam” của Trần Việt Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III, BTCTƯ) viết về các tỉnh, thành phố khu vực phía nam đạt được một số kết quả nổi bật, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian tới.
Bài “Xây dựng đội ngũ cán bộ từ thực tiễn Ninh Bình” của Xuân Vinh khai thác kinh nghiệm của Ninh Bình thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ: Quan tâm công tác quy hoạch; xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng và gắn với nhu cầu sử dụng; lượng hóa trong đánh giá cán bộ; đổi mới quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ.
Bài “Xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước ở Đồng Nai” của Đinh Thành viết về Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã có nhiều biện pháp cụ thể, tạo bước chuyển biến mới về xây dựng, củng cố và phát huy vai trò tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong cán bộ, đảng viên” của PGS, TS. Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương). Bài viết được triển khai theo 4 nội dung chính: Sự tu dưỡng, rèn luyện quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương; phải thống nhất giữa nói và làm, nói đi đôi với làm; tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng các cấp, nhất là chi bộ; có cơ chế, chế tài kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; thực hiện công khai, minh bạch, công tâm, khách quan mọi khâu trong công tác tổ chức - cán bộ.
Bài “Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” của Hồng Văn. Tác giả giúp bạn đọc hệ thống lại phương thức lãnh đạo của Đảng bao gồm những nội dung nào, kết quả, hạn chế và giải pháp góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới.
Bài “Từ việc đổi mới, sắp xếp hệ thống chính trị cấp xã ở Hà Tĩnh” của ThS. Phạm Thị Kim Loan (Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh). Tác giả đi sâu tìm hiểu nhiều chủ trương, cách làm mới của Hà Tĩnh nhằm đổi mới, sắp xếp hệ thống chính trị cấp xã, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tác giả cũng nhận định việc đổi mới, sắp xếp ở Hà Tĩnh vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “TP. Hồ Chí Minh: Tạo nguồn cán bộ xuất thân từ công nhân - Những “nút thắt” cần tháo gỡ”. Tác giả Thành Sáng đề cập đến cách làm, kết quả và kinh nghiệm của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ban hành Quy chế Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Sau 8 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được, chương trình xuất hiện những “nút thắt” cần được tháo gỡ.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống có bài viết “Sóc Trăng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tạo chuyển biến tích cực” của Tô Nài Não. Tác giả phản ánh cách làm của Sóc Trăng, từ chủ trương đúng đắn đến quyết tâm thực hiện để đem đến chuyển biến rõ rệt.
Số này, Tạp chí cũng cung cấp cho bạn đọc thông tin “Những chuyển biến khi Nghị quyết vào cuộc sống” khai thác những kết quả ấn tượng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; “Triển khai các quy định về công tác thu, cấp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT”.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Trường Chinh (30-9-1988 - 30-9-2018), chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Đổi thay trên quê hương Tổng Bí thư Trường Chinh” của Tuấn Minh, viết về huyện Xuân Trường sau 20 năm tái lập, đối mặt với nhiều khó khăn, có xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều huyện trong tỉnh nhưng đã và đang vươn lên đổi mới từng ngày, đạt được nhiều thành tích đáng tự hào.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Cán bộ tổ chức với việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” của Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Từ những trải nghiệm cuộc đời và nhiều năm công tác trong Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, tác giả chia sẻ bản thân người làm nghề tổ chức xây dựng đảng phải thật sự chuyên nghiệp, không ngừng đổi mới tư duy về công tác cán bộ, đặc biệt tránh đi từ cực đoan này đến cực đoan khác.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Một cuộc cách mạng” của Thanh Xuân, bình luận qua việc tinh gọn toàn diện và sâu rộng tổ chức bộ máy trong Ngành Công an đang được dư luận chú ý và đánh giá cao. Nhiều ý kiến nhận định đây là một cuộc cách mạng.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt số này có bài viết “Người xây “cột mốc lòng dân”. Tác giả Trường Hà viết về đồng chí Luân Văn Thành, Bí thư Chi bộ xóm Nà Chào, xã Mỹ Hưng, Phục Hòa, Cao Bằng - người góp phần không nhỏ làm nên dấu ấn, góp phần xây dựng tình đoàn kết quân - dân bền chặt.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, với bài viết “Đời trước làm quan cũng thế a” tác giả Ma Văn Kháng khẳng định tham nhũng kể từ cổ chí kim, là hành vi hoàn toàn không xứng đáng với tước hiệu Con người được viết hoa, với danh hiệu người đảng viên cộng sản.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Góp ý dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị” (Mai Anh).
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết “Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo vị trí việc làm ở một số quốc gia” của Đình Anh. Bài viết khai thác kinh nghiệm hữu ích của các nước Xin-ga-po, Nhật Bản, Hoa Kỳ trong việc đào tạo nên các công chức, viên chức có trình độ chuyên nghiệp cao, toàn diện trong vị trí việc làm, lựa chọn nhân sự cho nền hành chính công bền vững.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về tổ chức bộ máy và chính sách cán bộ, công tác đảng viên.
Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 9-2018, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng