Giới thiệu nội dung Tạp chí Xây dựng Đảng in số 12-2019

Mở đầu tạp chí số 12 có trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chính sách hậu phương Quân đội”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Người về chính sách đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, đối với các liệt sĩ, đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ…). Bác căn dặn: Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019), chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, Tạp chí đăng bài “Chủ động công tác nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp trong Quân đội” của Ngô Khiêm. Tác giả thông tin tình hình, biện pháp được Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương chủ động triển khai công tác nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp trong Quân đội; tích cực đào tạo, luân chuyển cán bộ chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI.

Bài “Công tác bảo vệ chính trị nội bộ chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng” của TS. Quản Minh Cường (Phó Trưởng Ban TCTƯ). Trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tác giả chỉ rõ những việc cần làm để góp phần thành công cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Bài “Chính sách, chế độ đối với người kiêm nhiệm đứng đầu tổ chức” của Phương Anh. Tác giả bài viết đi tìm câu trả lời làm thế nào để người kiêm nhiệm đứng đầu tổ chức phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ khi thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bài “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với chuyên gia” của Hoàng Xuân Thoại (Vụ Chính sách cán bộ, Ban TCTƯ). Từ thực trạng đội ngũ chuyên gia nước ta tác giả đưa ra những đề xuất góp phần phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng là điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm rèn luyện, phấn đấu cho công tác chuyên môn.

Bài “Cấp ủy viên đi cơ sở dự sinh hoạt chi bộ - Giải pháp nâng cao chất lượng chi bộ của Bắc Ninh” của TS. Nguyễn Thị Tố Uyên (Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Bài viết phản ánh về một chủ trương đúng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh khi ban hành Quy định số 01-QĐ/TU về việc các đồng chí tỉnh ủy viên đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt cho bộ. Kết quả thực hiện Quy định này đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Bài viết “Vĩnh Phúc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”, tác giả Thanh Hải phản ánh kinh nghiệm của Vĩnh Phúc chủ động, quyết liệt, tạo sự đồng thuận, mạnh dạn thực hiện các mô hình thí điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, giải quyết những vấn đề bức thiết đang đặt ra trong thực tiễn, tạo được sức lan tỏa, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Bài viết “Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở Trà Vinh”, tác giả Thành Sáng nêu bật kết quả của Trà Vinh sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh đã có sự thu gọn đáng kể.

Bài viết “Về việc bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương khi chuẩn bị nhân sự đại hội đảng” của Quỳnh Hoa. Tác giả khẳng định đây là một chủ trương, một nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm đổi mới công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và đang được các địa phương tích cực triển khai cùng với công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Bài viết “Thanh Hóa luân chuyển cán bộ gắn với thực hiện cán bộ chủ chốt không là người địa phương”, tác giả Xuân Vinh nêu bật kinh nghiệm của Thanh Hóa. Với việc bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương ở 22/27 huyện, 66,3% cấp xã đã tạo những chuyển biến rõ nét trong công tác cán bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, tạo động lực nỗ lực, nêu gương, phấn đấu và cống hiến.

Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao” của Nguyễn Văn Tùng (Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban TCTƯ). Tác giả đề xuất một số giải pháp để việc tổ chức lại 2 đảng bộ theo hướng vừa bảo đảm quy định chung, vừa bảo đảm tính đặc thù nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở ngoài nước.

Bài “Để làm tốt hơn công tác quản lý đảng viên hiện nay” của TS. Cầm Thị Lai (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Bài viết đã phân tích rõ thực trạng quản lý đảng viên hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác quản lý đảng viên, phát huy sức mạnh của đội ngũ đảng viên trong thời gian tới.

Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “10 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân ở Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương” của TS. Nguyễn Việt Hùng - ThS. Tạ Châu Phú (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh). Bài viết khai thác kinh nghiệm Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chăm lo đời sống cho công nhân, Từ đó, các doanh nghiệp không chỉ trở thành những đơn vị phát triển năng động mà còn là môi trường phát huy tiềm năng, thế mạnh của đội ngũ công nhân.

Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Đảng bộ tỉnh Ninh Bình thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương bằng những mô hình cụ thể” của ThS. Nguyễn Đình Việt (Học viện Chính trị Công an nhân dân) viết về đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong mọi công việc, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Ba giải pháp nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội” của PGS, TS. Đồng Ngọc Châu, ThS. Phạm Tấn Nam (Trường ĐH Nguyễn Huệ), chỉ ra các giải pháp, đó là: 1- Đề cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ trì. Đổi mới công tác giáo dục giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. 2- Phát huy vai trò của các cấp ủy đảng trong tiếp tục bổ sung và triển khai kế hoạch thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. 3- Phát huy tính tích cực, tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phòng, chống “tự diễn biến|”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Làm gì khi tổ chức cơ sở đảng yếu kém” của Hồng Văn. Từ câu chuyện cụ thể ở Thái Bình cách đây tròn 20 năm, tác giả suy ngẫm phải làm gì để giảm bớt cơ sở yếu kém, đưa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở đạt hiệu quả, chất lượng, củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Bước đổi mới căn bản” của Bảo Yến bình luận nhân việc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội gồm 8 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021.

Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Người thắp sáng niềm tin cho trẻ khuyết tật”, tác giả Ngọc Anh giới thiệu về cô giáo Lê Thị Hòa ở Trường Tiểu học Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội, người vừa được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019” về hành trình 13 năm mở lớp học miễn phí cho trẻ em khiếm khuyết.

Chuyên mục Sinh hoạt đảng, có bài viết “Danh thơm” của Ma Văn Kháng. Qua việc dẫn những chuyện ôn cố tri tân, tác giả đưa ra lời khuyên với cán bộ, đảng viên cần giữ trọn danh thơm, bởi nó sẽ còn mãi, đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ xu nịnh. Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức… Còn vật chất chỉ là phù vân.

Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các đề án, báo cáo, hướng dẫn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư” (Giang Phú).

Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2-12-1975 - 2-12-2019), chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết: “Cơ động xã hội theo chiều dọc trong đội ngũ cán bộ nhà nước của nước Cộng hóa Dân chủ Nhân dân Lào” của Két-ma-ny IN-THA-VÔNG tìm hiểu cơ động theo chiều dọc trong đội ngũ cán bộ Nhà nước Lào là sự chuyển dịch vị trí của một cán bộ hay một nhóm cán bộ sang một vị trí khác không cùng một cấp. Cơ động xã hội theo chiều dọc nhấn mạnh đến sự thay đổi về chất của các cá nhân cán bộ và nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội, liên quan đến sự thăng tiến (đề bạt) hay suy giảm (giáng chức, giáng cấp) của một cá nhân cán bộ hay nhóm cán bộ.

Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác đảng viên, công tác bầu cử, công tác cán bộ và công tác chính sách cán bộ…

Tạp chí số này đăng tải Tổng mục lục năm 2019.

Đọc Tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 12-2019, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…

Bạn đọc có thể đặt mua Tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất