Mở đầu, Tạp chí trích lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về nhận xét, đánh giá cán bộ”, giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Người về nhận xét, đánh giá cán bộ. Người căn dặn về ý nghĩa, cách thức nhận xét cán bộ: Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào.
Chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm, số này Tạp chí đăng bài “Nâng cao chất lượng kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị” của Phạm Mạnh Khởi (Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức TƯ). Từ kết quả đạt được và những hạn chế, khuyết điểm qua thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp năm 2018, bài viết rút ra những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại sát thực và hiệu quả hơn.
Bài “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ ở Vĩnh Phúc” của Hoàng Văn Toàn (Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ). Tác giả phản ánh cách làm và qua đó rút ra những kinh nghiệm của Vĩnh Phúc trong đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành quy định tiêu chí đánh giá cán bộ diện Tỉnh uỷ quản lý. Căn cứ vào đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hoá thành tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý cho phù hợp.
Bài “Lấy phiếu đánh giá của nhân dân nơi cư trú – Cách làm mới ở Hà Tĩnh” của Hải Yến. Tác giả đi sâu tìm hiểu cách làm của Hà Tĩnh, lấy phiếu đánh giá, nhận xét của nhân dân đối với cán bộ tại nơi cư trú để chủ trương đánh giá cán bộ theo hướng liên tục, đa chiều, gắn đánh giá cá nhân với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị thực sự hiệu quả.
Bài “Đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử - Cách làm của Quảng Bình” của Nguyễn Viết Xuân (Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Bình). Bài viết nêu rõ kết quả của Quảng Bình từ việc đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đến việc thí điểm tổ chức khảo sát nhân sự dự kiến bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử - Những vấn đề đặt ra và một số giải pháp.
Bài “Xây dựng đội ngũ cán bộ ở Quảng Nam” của Phan Nam. Bài viết tập trung khai thác kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh tới cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, kế hoạch đề ra. Các giải pháp đó là: Công tác đánh giá cán bộ, công chức chặt chẽ, dân chủ, khách quan; Bảo đảm chất lượng quy hoạch cán bộ; Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc; Thực hiện tốt chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt.
Bài viết “Vĩnh Long đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đảng viên”, tác giả Đinh Thành nêu bật những chuyển biến tích cực và giải pháp của Vĩnh Long trong công tác đánh giá cán bộ, đảng viên, bảo đảm đánh giá cán bộ khách quan, toàn diện và đúng thực chất. Kinh nghiệm được đúc kết là: Gắn đánh giá với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Mở rộng dân chủ trong đánh giá cán bộ, đảng viên; Hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ.
Bài “Tạo chuyển biến công tác tổ chức - cán bộ cơ sở ở Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long” của Diệp Chi đã nêu bật những giải pháp có hiệu quả của 3 tỉnh Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương nhằm củng cố đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Bài viết “Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc” của ThS. Giang Quỳnh Hương (Trường Đại học Tây Bắc). Từ thực trạng, tác giả đã nêu rõ cách làm phù hợp với thực tiễn, kết quả và các giải pháp để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi có bài viết “Biện pháp nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ” của Hồng Văn. Qua phân tích, tác giả chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu vì sao đánh giá cán bộ là một khâu quan trọng, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn là khâu yếu nhất; từ đó tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục yếu kém của công tác đánh giá cán bộ.
Bài “Nâng cao hiệu quả quản lý để chăm lo, rèn luyện và bảo vệ cán bộ” của Tô Nài Não. Từ thực tiễn, tác giả chỉ rõ quản lý cán bộ là một công cụ, cách thức hiệu quả góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này giới thiệu với bạn đọc bài “Phát triển nguồn nhân lực thích ứng với xây dựng đô thị thông minh ở TP. Hồ Chí Minh”. Tác giả Mai Thị Kim Oanh (Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh). Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng đô thị thông minh trở thành xu hướng toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tiếp cận xu hướng này. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định xây dựng thành công đô thị thông minh. Bài viết đã đi sâu phản ánh kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống số này có bài viết “Khi người đứng đầu cấp uỷ biết lắng nghe” của Minh Anh. Tác giả phản ánh cách làm có hiệu quả của một số tỉnh, thành phố người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp nghe dân nói, làm dân tin, định kỳ đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe, biết rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nắm chắc tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Kết quả là đã lãnh đạo giải quyết kịp thời những nảy sinh ngay từ cơ sở.
Bài viết “Bắc Kạn coi trọng và phát huy vai trò trưởng thôn, người có uy tín ở khu dân cư” của Lê Thị Hải Hà (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong). Bài viết khai thác kinh nghiệm của tỉnh Bắc Kạn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của trưởng thôn, người có uy tín ở khu dân cư, có nhiều tấm gương tiêu biểu, luôn gương mẫu đi đầu, tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển sản xuất - kinh doanh, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, trở thành cầu nối quan trọng giữa cấp uỷ đảng, chính quyền với nhân dân.
Bài “Kinh nghiệm của Thái Bình trong xây dựng nông thôn mới” của Nguyễn Hồng Chương viết về kết quả và kinh nghiệm sau 10 năm Thái Bình thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của BCH Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giới thiệu bài “Điểm sáng Thạch Hà” của Đỗ Như Hồng, viết về Huyện uỷ Thạch Hà sáng tạo trong triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW, hiệu quả trong thực hiện, đưa việc học và làm theo Bác Hồ trở thành thường xuyên trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp uỷ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức có bài “Làm sao để có “con mắt xanh” của Bùi Văn Tiếng (nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng). Từ kinh nghiệm nhiều năm trong nghề tổ chức, tác giả khẳng định người làm nghề tổ chức xây dựng đảng có nhiều việc cần tham mưu cho cấp uỷ, nhưng có lẽ việc khó nhất và thường xuyên nhất là đánh giá đúng cán bộ. “Con mắt xanh” là gì? “Con mắt trắng” là gì? Nhìn ai bằng “con mắt xanh”? Nhìn ai bằng “con mắt trắng”? Bạn đọc quan tâm tìm đọc bài viết trong số tạp chí tháng này.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên có bài “Ngăn chặn hành vi trục lợi chính sách người có công” của Lan Phương. Tác giả bình luận nhân việc mới đây Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai ra quyết định đình chỉ việc chi trả, đồng thời truy thu hàng tỷ đồng tiền chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đối với 8 đối tượng sử dụng giấy chứng sinh giả. Qua đó, tác giả bàn đến trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng, trách nhiệm của những người trực tiếp thực hiện chính sách nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi chính sách người có công...
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt, bài viết “Người chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo”, tác giả Thảo Nguyên giới thiệu về nhà giáo Nguyễn Hữu Dũng, đảng viên, cựu chiến binh ở thôn La Giang, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Thầy giáo Dũng có 36 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, 18 năm liên tục làm từ thiện và trao quà khuyến học, có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục của địa phương, đồng thời chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng, có bài viết “Tiêu dùng và văn hoá” của Ma Văn Kháng. Tác giả dẫn dắt qua câu chuyện đời thực để rút ra một chân lý sống giản dị: tiêu dùng hợp lý là đức tính cần thiết của mọi người, đặc biệt đối với nước ta đang quyết tâm vượt nghèo. Đó cũng chính là nét đẹp văn hoá của mỗi người, rộng ra là văn hoá dân tộc Việt Nam chúng ta.
Chuyên mục Thông tin công tác xây dựng đảng, Tạp chí đăng tải thông tin: “Đoàn công tác Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII làm việc tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh” (Mai Anh), “Ra mắt Viện Khoa học tổ chức, cán bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương” (Bá Thắng).
Chuyên mục Quốc tế số này giới thiệu bài viết: “Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cu-ba đối với sự phát triển kinh tế - xã hội” của PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức TƯ). Trong những năm gần đây, Cu-ba thực hiện chương trình cập nhật hoá mô hình kinh tế - xã hội vì mục tiêu xây dựng đất nước tự chủ, độc lập, XHCN, dân chủ, giàu mạnh và bền vững. Đảng Cộng sản Cu-ba là lực lượng tiên phong lãnh đạo đất nước phát triển theo mục tiêu cách mạng. Bài viết khảo cứu một số nội dung liên quan tới vai trò, phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cu-ba phù hợp với tình hình mới.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc kỳ này giải đáp nhiều câu hỏi về công tác cán bộ, chính sách cán bộ…
Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 7-2019, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tạp chí, qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng