Mở đầu chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm là trang trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ về cách thức, phương pháp và các khâu trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp: Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta.
Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Lý luận tiên phong phải phát triển từ thực tiễn” của tác giả Trần Xuân Đỉnh. V.I.Lê-nin để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác. Thực tiễn đã chứng minh công lao của ông đối với phong trào cách mạng thế giới ở thế kỷ XX. Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V.I.Lê-nin vĩ đại, trong tình hình mới, chúng ta vô cùng biết ơn Lênin về những chỉ dẫn quan trọng mà Người để lại cho các đảng cộng sản đang có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng.
Bài viết “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của tác giả Trần Lê Việt trong chuyên mục này đi từ những thách thức của thời đại, đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0; từ đó tác giả đưa ra 5 giải pháp để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, hoàn thành mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và nằm trong nhóm nước phát triển thu nhập trung bình cao vào năm 20245.
Chuyên mục cũng đăng bài viết “Xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” của tác giả Phạm Giang. Thực hiện chủ trương của Đảng về chăm lo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, nhiều cấp ủy địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ này không chỉ bảo đảm tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chuyên mục còn gửi đến bạn đọc bài viết “Hải Dương: Nhiều chuyển biến trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý” của tác giả Mai Anh. Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 18-8-2021 của BTV Tỉnh ủy Hải Dương “về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay Hải Dương đã có những chỉ tiêu sớm hoàn thành so với mục tiêu đề ra, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Hòa Bình tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số” của tác giả Huy Nam. Tháng 6-2022, BTV Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU và Đề án số 10-ĐA/TU về “xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết số 11 và Đề án số 10 nói trên được kỳ vọng mang đến những đổi mới trong công tác cán bộ của tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là việc nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, tạo nguồn cán bộ dồi dào, khắc phục tình trạng hụt hẫng cán bộ.
Khép lại chuyên mục là bài viết “Một căn cứ quan trọng để đánh giá, sử dụng cán bộ” của tác giả Bá Thắng. Ngày 2-2-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW “về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị”. Quy định số 96 đã kế thừa các nội dung còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, qua triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả tích cực, trở thành một căn cứ quan trọng để đánh giá, sử dụng cán bộ hiện nay.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi kỳ này đăng bài viết “Một số vấn đề xây dựng Đảng về tư tưởng trong tình hình mới” của PGS,TS. Đào Duy Quát (nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương). Với sứ mệnh lịch sử của Đảng ta trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Đảng ta phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Muốn xác định đúng nhiệm vụ và những giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng xây dựng Đảng về tư tưởng trong thời kỳ mới cần thống nhất nhận thức, quan niệm về tư tưởng, xây dựng Đảng về tư tưởng và công tác tư tưởng trong thời kỳ mới.
Chuyên mục cũng đăng kỳ cuối “Giải pháp nào cho tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức trong cán bộ, đảng viên?” trong loạt bài “Vấn đề cán bộ dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh” của PGS. Trần Đình Huỳnh, Nghiên cứu viên cao cấp và ThS. Ninh Thị Hồng Hạnh, Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên. Thời gian qua, công tác đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu được nhiều kết quả rõ nét. Vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng ngày càng được củng cố, nâng cao. Tuy vậy, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp. Trong kỳ cuối của chùm bài, tác giả đã đưa ra những giải pháp để khắc phục những vấn đề trên và coi đây là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
“Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người” của PGS, TS. Hoàng Văn Nghĩa (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Hoàng Ngọc Mai (Đại học Luật Hà Nội) là bài viết tiếp theo chuyên mục gửi đến bạn đọc. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc chăm lo cho con người, tôn trọng, bảo đảm và thực thi các quyền tự do, dân chủ cho công dân. Các quyền con người cũng như cơ chế bảo đảm, thực thi dân chủ, quyền tự do, dân chủ của công dân là một trong những nội dung cốt yếu của Cương lĩnh phát triển đất nước và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong các văn kiện của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mọi thời kỳ cách mạng.
Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng kỳ này đăng bài viết “Thái Bình tăng tốc xây dựng nông thôn mới nâng cao” của tác giả Hồng Văn. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị văn hóa là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nông thôn Thái Bình đang phát triển trên nền tảng giàu bản sắc văn hóa, diện mạo thay đổi từng ngày, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiệm cận đô thị, môi trường, cảnh quan, không gian sáng - xanh - sạch - đẹp, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này gửi đến bạn đọc bài viết “TP. Thủ Đức với cơ hội đột phá tăng trưởng, phát triển bền vững” của tác giả Song Hương. TP. Thủ Đức là thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam, là một bước đi mang tính đột phá, chưa từng có tiền lệ. Ra đời trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh là một siêu đô thị, TP. Thủ Đức được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng lan tỏa, nâng cao chất lượng đời sống dân cư đô thị, phát huy các lợi thế để trở thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung càng phát triển.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này đăng bài viết “Nơi biên cương xanh thẳm Ia O” của tác giả Nguyễn Khánh Hòa. Đồn Biên phòng Ia O nằm chót vót giữa những cánh rừng phòng hộ xanh thẫm trên vành đai biên giới tỉnh Gia Lai. Dường như mỗi tấc đất, đường biên, cột mốc nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng. Bà con nơi đây luôn tâm niệm: “Bao giờ trên rừng hết cây, dưới sông hết nước, thì bà con ta mới hết thương bộ đội Biên phòng!”.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh số này có bài viết “Sức sống mới ở Văn Bàn” của tác giả Thảo Nguyên.Cách đây hơn 65 năm, ngày 23-9-1958, Bác Hồ lên thăm tỉnh Lào Cai. Khắc ghi những lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn đã chung sức đồng lòng, ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng quê hương Văn Bàn ngày thêm giàu đẹp.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này gửi đến bạn đọc bài viết “Trăn trở về việc để có nhiều cán bộ trẻ tham gia cấp ủy” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Cứ đến “mùa” đại hội đảng bộ các cấp là những người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng lại đau đáu về vấn đề cơ cấu của cấp ủy khóa mới. Từ góc nhìn của người làm nghề tổ chức, một vấn đề cần quan tâm là tỷ lệ ứng cử viên ở cấp độ tuổi trẻ được đưa vào danh sách bầu cử cấp ủy tại đại hội. Nhưng vấn đề mà người làm nghề đau đáu nhất không phải ở số lượng cấp ủy viên là cán bộ trẻ tuổi đã đạt hay chưa đạt chỉ tiêu mà là vấn đề số lượng phải đi đôi với chất lượng, phải bảo đảm các tiêu chuẩn năng lực và phẩm chất cơ bản của những đảng viên ưu tú vừa được đại hội tín nhiệm bầu vào cấp ủy.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên số này đăng bài viết “Chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân” của tác giả Diệp Chi luận bàn về vấn đề công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, trong đó nhấn mạnh vấn đề lựa chọn cán bộ cấp chiến lược của Đảng nhân sự việc ngày 13-3-2024 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này gửi đến độc giả bài viết “Người con của thôn làng” của tác giả Vân Đoan, viết về tấm gương chị Triệu Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Những năm qua, chị luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy hết mình vì công việc chung với mong muốn góp sức xây dựng thôn làng, đưa cuộc sống của người dân Lủng Lầu ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng số này có bài viết “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” của nhà văn Ma Văn Kháng. Vẫn là cách viết bắt từ một căn cớ rất đời thường, một cuộc thi nấu ăn của Đài Truyền hình Mỹ tổ chức năm rồi và người đoạt giải Nhất là một người Mỹ gốc Việt, nhà văn liên tưởng tới những món ăn Việt, có tình yêu, có nỗi nhớ quê hương, đất nước bất chấp khoảng cách địa lý, không gian, thời gian, hoàn cảnh. Và rồi từ đó, nhà văn vắt qua nỗi nhớ những ngày đại dịch COVID-19 mới ngày nào xảy ra để đi tới một chiêm nghiệm sâu sắc, đó là mỗi một con người, nhất là người đảng viên, phải chọn cho mình một cách sống, để được sống trong hạnh phúc trọn vẹn, xứng đáng với danh hiệu người đảng viên Cộng sản Việt Nam, sống sao cho xứng với những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đảng viên, cán bộ ta từ nhân dân anh hùng mà ra, phải sống sao cho xứng đáng với Nhân dân và Đảng anh hùng”.
Trang Thông tin công tác xây dựng Đảng số này gửi đến bạn đọc hai thông tin: “Đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phiên họp Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIV của Đảng” (P.V); “Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương” (P.V).
Chuyên mục Quốc tế kỳ này đăng bài viết “Kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc” do tác giả Đỗ Anh (tổng hợp). Hiện nay tham nhũng, tiêu cực trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Với một quốc gia hơn 1 tỷ dân như Trung Quốc, có thời điểm nạn tham nhũng, tiêu cực phát triển mạnh trong đội ngũ cán bộ, công chức khiến giá trị tài sản tham nhũng chiếm khoảng 10% GDP của đất nước. Do đó, đặc biệt từ sau Đại hội XVIII đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc giương cao ngọn cờ chống tham nhũng với 4 sách lược chính, làm cho cán bộ“không muốn tham nhũng”, “không cần tham nhũng, “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng”.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc số này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về tổ chức bộ máy, biên chế, công tác cán bộ, cơ sở đảng, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ…
Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 4-2024, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356.