Mở đầu chuyên mục Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm là trang trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về cách thức lãnh đạo của Đảng giới thiệu với bạn đọc những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương châm và cách thức lãnh đạo. Người nhắc nhở: “…cán bộ phải thật sự đoàn kết, nhất trí, phải đi sâu đi sát, phải lãnh đạo thiết thực và toàn diện. Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô…”.
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2024), chuyên mục có bài viết “Tình cảm của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ” của tác giả Trần Đình Huỳnh. Đây là một bài viết rất xúc động về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những tấm gương của các thế hệ người dân Việt Nam sẵn sàng cống hiến xương máu của mình. Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh quan điểm nhất quán về thực hiện tốt chính sách đối với người có công.
Bài viết “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” của tác giả Bảo Yến trong chuyên mục này nhấn mạnh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) có vai trò ngày càng quan trọng với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần tích cực củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi cần thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với nội dung và hoạt động của MTTQ và các tổ chức CTXH, vừa bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.
Chuyên mục cũng đăng bài viết “Để nêu gương trở thành phương thức lãnh đạo hiệu quả của Đảng” của tác giả Diệp Chi. Thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo rất quan trọng của Đảng. Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, những hành động, việc làm và sự hy sinh của cán bộ, đảng viên luôn là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo trong tiến trình cách mạng. Đây chính là “mệnh lệnh không lời”, trực tiếp truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đông đảo quần chúng. Ngày nay trong điều kiện đất nước được độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên càng có vai trò quan trọng..
Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Nói đi đôi với làm” - yếu tố quan trọng trong thực hiện Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên” của tác giả Hồng Văn. “Nói đi đôi với làm” là một trong những chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng, là nhiệm vụ quan trọng và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phấn đấu thực hiện. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ xây dựng Đảng, mỗi đảng viên phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết của tổ chức đảng. Đồng thời, khi đã có nghị quyết của Đảng, mỗi đảng viên phải tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân để tạo sự đồng thuận thống nhất và gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện, đạt được hiệu quả cao.
Chuyên mục còn có bài viết “Dấu ấn đổi mới phương thức lãnh đạo ở Đảng bộ huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi” của tác giả Nguyễn Ngọc Diễm. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17-11-2022 của BCH Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” thể hiện quyết tâm chính trị nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện, hiệu quả trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực, triển khai đồng bộ ở Đảng bộ huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi.
Khép lại chuyên mục là bài viết “Bắc Ninh hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh” của tác giả Mai Anh. Trong gần 30 năm qua, từ một tỉnh nông nghiệp với hệ thống đô thị nhỏ bé, Bắc Ninh đã vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp, đô thị phát triển và giàu tiềm năng. Cùng với quá trình chuyển đổi số chung ở cấp quốc gia, tỉnh Bắc Ninh cũng xác định đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh và các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu “Thành phố thông minh” trong tương lai gần.
Chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi số này đăng kỳ 3: Những giải pháp chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện của nó trong loạt bài 3 kỳ “Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân trong tổ chức và hoạt động nền hành chính nhà nước” của tác giả Trần Xuân Đỉnh. Chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu...) là cuộc đấu tranh giữ gìn, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được để giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội, để kiến thiết quốc gia trong tình hình mới. Đó thực sự là cuộc đấu tranh cách mạng sâu sắc, khó khăn, thường xuyên và lâu dài, cần những giải pháp đồng bộ, đó là: giáo dục, kiểm soát, kỷ luật từ trên xuống, từ dưới lên; cơ quan bảo vệ pháp luật phải công minh và kiên quyết; phát động được phong trào quần chúng đồng lòng; cải cách hành chính – giải pháp then chốt.
Tiếp theo chuyên mục là bài viết “Kiểm soát tốt quyền lực bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết” của tác giả Nguyễn Quang Du. Kiểm soát quyền lực trong thực thi công vụ, đặc biệt là kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, giám sát; hoạt động thanh tra, kiểm toán, thi hành kỷ luật đảng làm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật; giúp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là vấn đề không mới, nhưng trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình trạng vi phạm pháp luật; tham nhũng, tiêu cực; nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội có chiều hướng gia tăng những năm gần đây đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm; là một trong những vấn đề thách thức, gây nhức nhối dư luận xã hội.
Chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng kỳ này đăng bài viết “Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” của tác giả Huy Nam. Tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới thực hiện mục tiêu trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Trong đó, những đột phá trong công tác cải cách hành chính đã và đang mang lại những kết quả tích cực, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Cũng trong chuyên mục này, độc giả đón đọc “Phát triển nguồn nhân lực – khâu đột phá xây dựng tỉnh Quảng Bình phát triển nhanh về bền vững” của tác giả Nguyễn Viết Xuân. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 9-12-2020 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, chọn là một trong bốn khâu đột phá của Đảng bộ tỉnh. Qua quá trình triển khai thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo động lực, bước đột phá cho Quảng Bình trong giai đoạn tiếp theo.
Trang TP. Hồ Chí Minh số này gửi đến bạn đọc bài viết “Tăng tốc thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Song Hương. Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) tạo cơ sở pháp lý phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước. Sau gần 1 năm thực hiện đạt hiệu quả tích cực bước đầu, Nghị quyết 98 vẫn còn một số vướng mắc và TP. Hồ Chí Minh cần được Chính phủ phân cấp, phân quyền mạnh để chủ động hơn trong các phần việc được quy định.
Chuyên mục Nghị quyết và cuộc sống kỳ này đăng bài viết “Lai Châu nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở - Sức sống từ một Nghị quyết” của tác giả Trần Lê Việt. Xác định hệ thống chính trị cơ sở có vai trò quan trọng trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những năm qua Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở để hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước.
Chuyên mục này còn có bài “Cư M’gar khơi thông tiềm năng, lợi thế, kiến tạo động lực tăng trưởng mới” của tác giả Nguyễn Văn Chiến. Bước đi, cách làm, tầm nhìn và biết lắng nghe của đội ngũ cán bộ đã và đang mang lại bước tiến vững chắc cho Cư M’gar. Với tư duy phát triển dài hạn, một mô hình quản trị chắc tay và đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, được trui rèn từ thực tiễn, dám nghĩ, dám làm vì dân, chắc chắn Cư M’gar sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk.
Chuyên mục Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh số này có bài viết “Nơi chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo vùng cao” của tác giả Nguyễn Thắng. Thành lập từ năm 1959, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng đã trở thành một trong những cơ sở giáo dục chuyên biệt chất lượng cao, thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số và nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng cũng như các địa phương vùng miền núi phía bắc. Nhà trường là tập thể duy nhất của tỉnh Cao Bằng được tôn vinh là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2023”.
Chuyên mục Suy ngẫm về nghề tổ chức kỳ này gửi đến bạn đọc bài viết “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng từ góc nhìn tổ chức - cán bộ” của tác giả Bùi Văn Tiếng (nguyên Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng). Là một người có thâm niên trong nghề, tác giả đau đáu về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng nói chung, sự lãnh đạo của Đảng đối với mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh nói riêng. Tác giả khẳng định: Quy định số 146-QĐ/TW Ban Bí thư mới ban hành ngày 14-5-2024 là một trong những động lực cần thiết để người làm nghề tổ chức ở cấp tỉnh có thể góp phần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh.
Chuyên mục Ý kiến đảng viên số này đăng bài viết “Đạo đức cách mạng thời kỳ mới” của tác giả Nhị Hà luận bàn nhân ngày 9-5-2024 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định 144). Quy định này đã cụ thể hoá tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa, hệ thống nội dung của rất nhiều văn bản khác nhau trước đây. Quy định 144 vừa toàn diện, mang tính khái quát, hệ thống nhưng lại vừa ngắn gọn, tuy khái quát nhưng lại rất cụ thể và chi tiết, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Quy định này góp phần tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội XIV của Đảng. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới chính là những tiêu chí để lựa chọn những đại biểu xứng đáng bầu vào cấp uỷ khoá mới.
Chuyên mục Đảng viên phấn đấu tốt kỳ này gửi đến độc giả bài báo “Người thương binh - Anh hùng Lao động trên hành trình đi tìm hạnh phúc” của Thảo Nguyên. Trở về từ chiến trường ác liệt, thương binh hạng ¼ Trần Hồng Quảng (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vẫn giữ vững bản chất người lính - “Bộ đội Cụ Hồ” cùng nghị lực phi thường, đã xây dựng Xí nghiệp Tập thể thương binh Quang Minh phát triển lớn mạnh, góp phần làm giàu cho quê hương, giúp đỡ anh em thương bệnh binh và người khuyết tật vượt khó, hòa nhập cộng đồng. Những phần thưởng quý báu Đảng, Nhà nước trao tặng và sự tin tưởng, yêu mến của đồng đội là nguồn động viên to lớn để ông tiếp tục lao động sáng tạo, cống hiến.
Chuyên mục Sinh hoạt đảng số này có bài viết “Ai tay đã ít nhiều nhúng chàm thì phải sửa đi” của nhà văn Ma Văn Kháng. Vẫn là cách viết bắt nguồn từ câu chuyện trong cuộc sống, lần này là Pi-e đại đế - Sa hoàng của nước Nga cũ, sau đó là Hoàng đế của đế quốc Nga dặn dò quần thần, sinh ra với hai bàn tay trắng thì thác về cũng lại trắng tay, để rồi tác giả dẫn chuyện đến câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Ai tay đã ít nhiều nhúng chàm thì phải sửa đi!”. Câu nói vừa là mệnh lệnh, vừa là lời cảnh báo, vừa là lời kêu gọi, mở đường, vừa là lời động viên, thúc giục. Những người đã, đang mắc ít nhiều tội tham nhũng hãy mau mau tỉnh ngộ, ra khỏi vòng mê lú, quyết tâm sửả chữa để trở về với thiện lương, góp phần vào sự trong sạch của xã hội. Một lời cảnh báo nghiêm khắc và ân nghĩa, ân tình! Đó chính là ý nghĩa toát lên từ câu nói trên của người thay mặt Đảng ta với cuộc đấu tranh này.
Trang Thông tin công tác xây dựng Đảng số này gửi đến bạn đọc hai thông tin: “Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Ban Tổ chức Trung ương” (Ngọc Mai), “Ngành Tổ chức xây dựng Đảng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024” (Nguyên Anh).
Chuyên mục Quốc tế kỳ này đăng bài viết “Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở một số quốc gia trên thế giới” của tác giả Lưu Ly. Kiểm soát quyền lực là một nguyên tắc hiến định có giá trị cốt lõi trong tổ chức, hoạt động quyền lực của Nhà nước bao gồm cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong, bên ngoài và độc lập. Theo đó, việc kiểm soát quyền lực có vai trò như một công cụ điều tiết, bảo đảm cho quyền lực được sử dụng hợp lý, hiệu quả, không bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích, dẫn đến hậu quả tiêu cực. Bài viết tập trung khát quát việc tổ chức kiểm soát quyền lực của Anh, Nhật Bản, Trung Quốc có giá trị tham khảo cho Việt Nam.
Chuyên mục Trả lời bạn đọc số này giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về tổ chức bộ máy, biên chế, công tác cán bộ, đảng viên …
Đọc tạp chí Xây dựng Đảng in số tháng 7-2024, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin khái quát, những nhiệm vụ cụ thể, những kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới góc nhìn chuyên ngành…
Bạn đọc có thể đặt mua tạp chí Xây dựng Đảng tại hệ thống bưu điện trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tiếp với Tòa soạn qua số điện thoại: 080.45356.
Xây dựng Đảng