Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng của đất nước, nổi bật là thành công của Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Năm 2021 cũng chứng kiến nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo của thế giới, khu vực, tác động nhiều mặt tới công tác đối ngoại của đất nước, nhất là đại dịch COVID-19 với các biến chủng mới, gây ra những tổn thất nặng nề đối với nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt và sáng tạo, cùng sự phối hợp chặt chẽ của đối ngoại Nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Năm 2021, công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã được triển khai chủ động, tích cực, linh hoạt và sáng tạo.
Kết quả nổi bật
Thứ nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của đất nước. Quan hệ của ta với các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống tiếp tục được thúc đẩy, đi vào chiều sâu, giúp củng cố cục diện đối ngoại rộng mở và vành đai an ninh của đất nước. Bên cạnh việc khai thác lợi thế của hình thức trực tuyến (thực hiện 58 cuộc điện đàm trong năm 2021, gần gấp đôi so với năm 2020), ta đã nối lại nhiều hoạt động đối ngoại trực tiếp, nổi bật là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc gặp 3 bên với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và Thủ tướng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Căm-pu-chia tại Hà Nội (ngày 26-9-2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị chính thức Lào (ngày 9 và 10-8-2021) và thăm chính thức Căm-pu-chia (ngày 21 và 22-12-2021). Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc trao đổi, tiếp xúc cấp cao Việt Nam - Trung Quốc vẫn được duy trì ở mức cao với 4 cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các nhà lãnh đạo đồng cấp của Trung Quốc. Quan hệ của ta với các nước Đông Nam Á được củng cố thông qua các cuộc gặp, tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo các nước tại các cuộc họp của ASEAN. Quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện của ta với các nước lớn và các đối tác quan trọng khác, trong đó có Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, EU, Anh, Pháp… được đẩy mạnh. Ta tranh thủ tốt các dịp gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao trực tiếp bên lề các hội nghị đa phương lớn như họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76 hay Hội nghị COP-26 để củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước bạn bè ở Đông Âu, châu Phi, Mỹ - Latinh…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới theo hình thức trực tuyến.
Đối ngoại góp phần quan trọng giữ vững đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Ta phối hợp chặt chẽ với Lào, Căm-pu-chia, Trung Quốc trong quản lý biên giới đất liền, triển khai các thỏa thuận biên giới đã đạt được, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực biên giới song song với bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời giải quyết ổn thoả các vụ việc phát sinh. Trên biển, ta đã phản ứng kịp thời, kiên quyết trước các phát biểu, vi phạm hoặc động thái của các nước làm phức tạp, căng thẳng tình hình để khẳng định chủ quyền của ta; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN, duy trì quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với Biển Đông; thúc đẩy hợp tác, đối thoại để giải quyết bất đồng, cùng ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy thực hiện DOC và xây dựng COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thứ hai, chủ động, tích cực, linh hoạt và sáng tạo trong thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và sự phát triển của đất nước. Đối ngoại đã thể hiện rõ sự chủ động và vai trò tiên phong trong việc đáp ứng các nhu cầu đột xuất và cấp bách của đất nước đối với vắc-xin ngừa COVID-19, nhất là trong bối cảnh nguồn cung còn khan hiếm trên toàn cầu. Đảng và Nhà nước ta từ rất sớm đã xác định vắc-xin và thuốc đặc trị COVID-19 là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước vượt qua khó khăn, sớm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, và “ngoại giao vắc-xin” được chọn là mũi tiến công chủ lực giúp thực hiện mục tiêu đó. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin, Bộ Ngoại giao đã chủ động, tích cực đi đầu, phối hợp với các ban, bộ, ngành vận động, tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Các hoạt động đối ngoại theo kênh Đảng, ngoại giao Nhân dân đã giúp tăng cường đoàn kết quốc tế, vận động nhân dân, bạn bè quốc tế ủng hộ nước ta. Đến nay, ta đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vắc-xin từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Không chỉ dừng ở việc tiếp cận nguồn và nhập khẩu vắc-xin, Ngoại giao vắc-xin còn mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin. Việt Nam đã hợp tác thành công với Nga trong việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin Sputnik V. Các kết quả này có được dựa trên nền tảng các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè hữu nghị mà Đảng, Nhà nước ta đã dày công vun đắp và cũng nhờ sự hỗ trợ chí tình mà ta dành cho các nước khi bạn cần nhất.
Những kết quả của chiến lược "ngoại giao vắc-xin" thời gian qua mang tới những kết quả tích cực trong phòng chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác phòng, chống dịch, nội dung hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chuyến thăm song phương, đa phương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hàng loạt hợp đồng hợp tác kinh tế với giá trị nhiều tỷ đô-la Mỹ đã được ký kết trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, mang lại nguồn vốn đầu tư chất lượng ở các lĩnh vực ta ưu tiên trong giai đoạn phát triển sắp tới như công nghệ cao, kinh tế số, y tế, ứng phó biến đổi khí hậu… Ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, nhất là triển khai các FTA đã ký kết như EVFTA, CPTPP, UKVFTA và tiếp tục đàm phán các FTA khác. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực kết nối các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam với đối tác nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những ngành hàng chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19; đồng thời khai thác tiềm năng của các thị trường mới. Tính đến hết tháng 11-2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 602 tỷ USD, dự báo cả năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Thứ ba, góp phần quan trọng củng cố uy tín, nâng cao vị thế của đất nước. Năm 2021 ghi dấu ấn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Thông qua công tác tuyên truyền đối ngoại ở cả trong và ngoài nước, các sự kiện quan trọng này đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của bạn bè và dư luận quốc tế. Sau thành công của Đại hội XIII, Đảng ta đã nhận được số lượng thư, điện chúc mừng cao kỷ lục (hơn 400 điện mừng). Nhiều ý kiến đánh giá của các chính đảng, các chuyên gia quốc tế nhận định đất nước ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng đang và sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trên trường quốc tế.
Sau thành công của Đại hội XIII, Đảng ta đã nhận được hơn 400 điện chúc mừng từ các nước, các chính đảng trên thế giới.
Ta đã chủ động, tích cực và tham gia hiệu quả tại nhiều diễn đàn đa phương trên cả kênh Đảng và Nhà nước, góp phần đề cao một Việt Nam tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trên kênh Đảng, ta đã dự Hội thảo lý luận các chính đảng Mác-xít trên thế giới do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức, Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP), cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP), Diễn đàn Xao Pao-lô… Thông qua các diễn đàn này, Đảng ta gửi đi thông điệp về chủ trương, đường lối và quyết sách lớn của Đại hội XIII, trong đó có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, các nước cũng nhận thức đầy đủ về vai trò lãnh đạo của Đảng ta, coi trọng thúc đẩy quan hệ song phương thông qua kênh Đảng, góp phần tạo nền tảng chính trị cho quan hệ song phương, nâng cao vị thế của Đảng và đất nước trên trường quốc tế.
Trên kênh Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã tham gia nhiều hoạt động, sự kiện đa phương nổi bật của khu vực và thế giới như Hội đồng bảo an và Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Hội nghị Tương lai châu Á, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 7 (GMS 7), Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26), Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) lần thứ 42, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới... Nhiều cam kết của ta đưa ra tại các diễn đàn đa phương, nổi bật như cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP-26 đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong mắt bạn bè quốc tế, khẳng định quyết tâm lớn, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với những vấn đề hệ trọng của thế giới.
Công tác ngoại giao văn hóa và thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước tiếp tục góp phần quảng bá mạnh mẽ ra thế giới hình ảnh sinh động về một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, đổi mới, sáng tạo, giàu bản sắc và truyền thống, là người bạn thủy chung, là đối tác tin cậy, tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đáng chú ý, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhận được sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của các chính đảng, chính khách, các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận và dư luận quốc tế. UNESCO tiếp tục công nhận nhiều hồ sơ văn hóa, trong đó có công nhận nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thông qua hồ sơ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm Ngày sinh, 200 năm Ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Công tác lãnh sự, bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai kịp thời và hiệu quả. Ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự quan tâm, chăm lo, qua đó nâng cao hình ảnh và uy tín của Đảng và Nhà nước ta với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong năm 2021 ta đã tổ chức hơn 170 chuyến bay giải cứu, đưa hơn 50 nghìn công dân thuộc các đối tượng ưu tiên về nước, hỗ trợ bảo hộ công dân tại các khu vực có chiến sự như Mi-an-ma, Áp-ga-ni-xtan; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phòng, chống dịch COVID-19 và vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nhất là người gốc Việt tại Căm-pu-chia và lao động Việt Nam ở Trung Đông, Nhật Bản, Đài Loan...
Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại
Những thành tựu đối ngoại quan trọng nêu trên một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, là kết quả của sự triển khai đồng bộ và kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Năm 2022, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới còn phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch bệnh COVID-19. Cạnh tranh chiến lược và quá trình thu hút, tập hợp lực lượng của các nước lớn tiếp tục là bài toán đặt ra với tất cả các quốc gia. Các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh mạng… vẫn nổi lên gay gắt. Khu vực châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực quan trọng trong ưu tiên của các nước lớn. ASEAN cần tiếp tục xử lý các vấn đề nội bộ để bảo đảm đoàn kết, thống nhất với vai trò trung tâm để thực hiện hiệu quả DOC và thúc đẩy đàm phán COC.
Phát huy những thành tựu của năm 2021, công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong năm 2022 và những năm tới sẽ tiếp tục tập trung mọi nỗ lực, phát huy trí tuệ, bản lĩnh và sự linh hoạt, sáng tạo, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Trong đó, giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng. Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sự tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa tất cả các trụ cột, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và người dân, công tác đối ngoại năm 2022 và thời gian tới sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phạm Quang Hiệu
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao