Nước sông Hằng từ trên trời đổ xuống


Người dân cầu nguyện ở sông Hằng.

Tạm biệt Đê-li với tâm trạng đầy mâu thuẫn xen lẫn thương cảm cùng ức chế, tôi đi tiếp trạm sau trong chuyến phiêu lưu này. Tôi nghĩ, đã gọi là hành hương thì phải chịu chút gian khổ. Như Đường Tam Tạng vậy, phải trải qua chín chín tám mươi mốt tai nạn. Tôi cũng muốn nếm mùi gian khổ nên quyết định ngồi tàu hỏa đến Varanasi. Mục tiêu của chuyến tới này là tôi muốn tắm nước sông Hằng và viếng thăm vườn Sarnath (Lộc Uyển). Từ Đê-li đến thành Varanasi dài 682km nhưng phải đi mất gần 12 tiếng đồng hồ.

Trên tàu, có lẽ Thượng đế an bài. Tôi ngồi cùng khoang với một phụ nữ trung niên Ấn Độ rất dịu dàng, thanh lịch và trí tuệ. Bà từ Anh Quốc về đây và cũng đi tắm sông Hằng dịp này. Cử chỉ, ngôn từ của bà khi nói chuyện đều toát ra một vẻ cao sang. Tôi đoán bà thuộc tầng lớp trên của xã hội Ấn Độ. Khi biết tôi là người Việt Nam sống ở Niu Óoc nhiều năm, bà rất tôn trọng. Bà nói con gái bà cũng lấy chồng Niu Óoc có vài công ty phần mềm ở Thung lũng Silicon, gần trăm công nhân, đa số là người Ấn Độ và có mướn nhiều người Việt làm việc.

Khi tôi hỏi bà ta rằng, tại sao nước sông Hằng ô nhiễm và bẩn như vậy mà mọi người vẫn đổ xô đến đấy tắm rửa thậm chí uống, còn chứa vào chai lọ đem về khắp nơi trên thế giới? Bà ta điềm tĩnh, đầy tự tin nói một câu mà khiến đầu óc đang tối tăm của tôi bừng sáng: “Anh không thể lý giải sông Hằng từ bề mặt vật chất. Sự thánh khiết của sông Hằng nằm ở khía cạnh tinh thần, không phải vật chất”. Ôi, sao lại có một lời giải thích nhẹ như làn gió nhưng làm thức tỉnh sự nghi vấn phàm trần trong tôi. Tôi thấy mình kém thật sự, có vậy mà không nghĩ được ra…

Đến ga Varanasi, vừa bước ra khỏi toa tàu đã thấy cậu bé của khách sạn đứng ngay đúng toa để đón tôi, tài thật. Cậu bé tay cầm một cái bìa viết tên một người và ngơ ngác nhìn xung quanh. Đọc tên tôi đoán đây là một đàn ông da trắng. Quả nhiên là vậy, một ông Tây béo phệ vất vả lê bước, trên lưng còn địu một ba lô to đùng lừ lừ tiến lại. Ba người ốp vào nhau trên chiếc xe Tuktuk bé tí và lao đi.

Trời vừa tờ mờ sáng, hàng quán hai bên đường dần dần tấp nập. Nhìn kỹ thấy đường phố cũng chẳng khác gì một số nơi ở Đê-li bẩn thỉu, nhếch nhác, thậm chí kinh tởm hơn. Ông Tây chắc ngửi thấy mùi hôi thối nên rút ra một điếu thuốc xì gà nhưng không có bật lửa. Cậu bé dừng xe, chạy vào một cửa hàng mượn diêm. Ông Tây ngắm nhìn người đứng trong quầy hàng và hỏi cậu bé, người kia là nam hay nữ hay “between”? Cậu bé ừ à một hồi chẳng biết nói gì trong họng rồi bật ra một câu “No English”. Thôi xong, xe đi tiếp, ông Tây phì phò điếu thuốc có vẻ khoái chí. Tôi lúc ấy mới lên tiếng: “Xem người ấy như ái nam ái nữ, ông có thích không?”. Ông Tây giật mình “You speak English?”. Rồi hai người tán chuyện tùm lum về các em chuyển giới ở Thái Lan. Ông Tây này người Úc, quanh năm chỉ đi du lịch, ông kể đã từng bị người chuyển giới ở Thái Lan “xâm phạm tình dục”. Tôi hỏi đùa, thế lỗ nhị của cậu có “nở hoa” không? Cười đùa một hồi lâu thì nhìn thấy sông Hằng và đã đến khách sạn.

Đây là một khách sạn nhỏ nằm bên bờ sông Hằng, đứng ở ban công bạn có thể ngắm cảnh sông rất rõ ràng. Khách ở đây đa số là người nước ngoài, những Tây ba lô đùm to đùm nhỏ dáng trông mệt mỏi, có lẽ họ mới trở về đây từ Nê-pan. Ông đặt va-li trong phòng rồi nóng lòng bước xuống, mở cửa đi ra vài bước đã đứng bên bờ sông. Đây chính là con sông mà người theo đạo Hindu vô cùng tin yêu vào sự thánh khiết trong lành được hình thành bởi những giọt nước từ tóc thần Shiva nhỏ xuống.

Tôi bước theo bậc tam cấp xuống tận bên sông, mặt nước vẩn đục, những tảng rác lững lờ trôi, mặt sông cũng không rộng như bạn tưởng, rõ ràng đây không phải là dòng sông để ngắm cảnh mà để dùng vào việc tâm linh. Nước sông nơi đây có đoạn chuyển hướng rất thần kỳ, hướng chảy chuyển từ Nam sang Bắc và chỉ ở đoạn Varanasi. Bờ tây của sông là Ghat kéo dài vài ki-lô-mét. Ghat là các bậc tam cấp bằng đá kéo từ bờ đến ven sông. Hầu hết các Ghat là bãi tắm, và một số là bãi hỏa táng, một số để đi đến đền thờ và một số dùng để phơi quần áo.

Tôi đang loay hoay xem liệu mình có can đảm lao xuống tắm không, bởi đã thấy nhấp nhô người đến tắm. Bờ tắm phía Tây đông người hơn bởi đa phần các tín đồ đều ngoảnh mặt về hướng Đông khi tắm. Lão thấy một số người kính cẩn khoát nước lên đầu cho nước từ từ chảy xuống, họ còn đưa nước lên miệng kính cẩn uống từng ngụm. Một số người nhìn tôi có vẻ như nhìn một thằng ngốc, chắc họ nghĩ: “Hắn đến đây làm gì? Sao không đẫm mình xuống đây?”. Tôi đang lúng túng thì một chàng trai bản địa bước xuống, cậu ta nói nếu anh sợ tắm ở đây tôi lấy thuyền đưa sang bờ Đông tắm, ở đấy sạch hơn. Tôi nghĩ, mình còn ở đây hai hôm, tạm gác lại chuyện tắm, tính sau.

Tôi lên đường đi về hướng Nam, một em bé bán hoa lẽo đẽo đi theo nài mua hoa. Tôi nói “No”, cô bé nói “Yes”, cứ thế giằng co một đoạn dài, tôi móc túi cho cô bé hai tờ 1 đô-la, cô bé rời đi. Lập tức một ông lão gầy gò quấn một chiếc khăn vàng trên đầu bước thấp bước cao đuổi theo lão phun ra một tràng tiếng Nhật lục cà lục cục. Tôi trả lời bằng tiếng Anh, giọng dứt khoát, tớ không phải người Nhật, không xem đâu. Lão già tưng hửng bỏ đi.

Chim câu bay lượn trên bầu trời, những chú bò thong dong rảo bước, mấy chú dê núp dưới bóng râm, còn những con khỉ lượn lờ tìm xem liệu có quả chuối nào đâu đây. Varanasi quả như một vườn thú. Chính thế nên bước đi cần cẩn trọng, nhìn kỹ mặt đất để tránh không giẫm chân lên “bom”. Không khí hầm hập sặc mùi nước đái của loài vật, loài người. Mặt đất loang lổ những vết phân chưa quét sạch. Một cậu thanh niên bịt kín đầu chỉ hở đôi mắt đang cầm chổi quét mặt đường như đang múa kungfu. Một trưởng lão râu tóc trắng xóa quấn trên đầu chiếc khăn đỏ chót, quàng trên người mảnh chăn cũng đỏ chót đang ngồi trên bậc đá giở báo ra xem. Những kiến trúc lộn xộn nhưng đủ màu sắc, những con người đủ kiểu, mỗi người một vẻ, công nhận ở đây có vẻ riêng biệt của nó.

Buổi chiều tôi quyết định đi thăm vườn Lộc uyển, Sarnath cách Varanasi 10 cây số. Sarnath là thánh địa nơi Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp đầu tiên, có thánh tích và bảo tàng Phật giáo. Tôi gọi một chiếc xe Tuktuk để đi đến đó. Bảo tàng được bảo vệ chặt chẽ, khách tham quan phải đi qua cổng an ninh. Ở đây có nhiều tượng phật còn lại trong thời cực thịnh của Phật giáo và vẫn còn khá tinh xảo. Trong phế tích nhìn thấy Bảo tháp Dhamek cao 34 mét đầy ấn tượng,  thấy tôi tim đập mạch, nơi đây Phật Thích Ca Mâu Ni bắt đầu bài giảng đầu tiên. Vào lúc hoàng hôn, những tín đồ sùng đạo ngồi trên bãi cỏ dưới bóng râm của chiếc tháp khổng lồ, họ đối mặt với bảo tháp và im lặng thiền định. Liệu họ có nghe thấy lời thuyết pháp của Đức Phật cách đây hơn 2.500 năm đang vọng về? Cái gọi là phế tích thực ra đã biến thành một công viên với thảm cỏ xanh rờn. Tôi thực sự rất thích nơi đây.

Tại sao lại gọi nơi này là “Lộc uyển”? Tương truyền, ngày xửa ngày xưa, có một vị vua thích săn bắn hươu nai nên Hươu đại vương mới ra lệnh cho những con hươu bốc thăm, hằng ngày có một con phải hiến thân để vua bắn giết, làm vậy để bảo vệ những con hươu khác. Bằng cách này, nhà vua dễ dàng bắn được một con hươu mỗi ngày và trở về cung điện một cách mãn nguyện. Một hôm, khi đang chuẩn bị giương cung nhắm bắn, bỗng nhà vua ngắm thấy con hươu đực khí chất lộng lẫy phi thường, mắt con hươu ngấn lệ buồn bã. Nhà vua ngạc nhiên, kìm lại cất cung tên đi và ngắm nhìn con hươu thật kỹ. Lúc này, con hươu đột nhiên thốt lên bằng tiếng người tâu với vua rằng mình là đại vương của loài hươu, vì hôm nay một con hươu cái bắt phải thăm để vua bắn chết và con hươu đó đang mang thai. Hươu đại vương không nỡ để con hươu cái kia hiến mạng, như vậy sẽ chết thêm một con hươu bé trong bụng. Chính vậy, con Hươu đại vương mới quyết định chết thay cho hươu cái kia. Nhà vua nghe xong rất cảm động và kể từ đó ra lệnh không bao giờ được phép săn bắn hươu trong khu vực này nữa, vì thế Sarnath đã trở thành thiên đường của loài hươu, cái tên Lộc uyển cũng từ đấy mà có. Rõ một câu chuyện nhân văn trên đất Phật.

Tối nay hơi mệt nên tôi hoãn đi xem lễ hiến tế sông Hằng mà muốn đi ăn một bữa ngon lành, uống một chút rượu và nghỉ ngơi. Tôi truy tìm trên “Tripadvisor” thấy giới thiệu nhà hàng Ganga Fugi có những món ngon được bình luận nhiều điểm và quyết định đến đấy xơi một chầu cho sướng cái thân. Nhà hàng này cũng gần khách sạn tôi ở, nằm gọn giữa những tòa nhà cổ kính chen chúc trên một con đường độc đáo tuyệt đẹp trong khu phố cổ.

Tôi thấy cũng gần nên đi bộ đến đấy. Bước đi trong lúc trời xẩm tối, mò mẫm trong những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, nhưng cứ thót tim nhìn kỹ mặt đất sợ trúng “bom”, tôi thấy một ông Tây tay xách nách mang, mắt đăm đăm nhìn mặt đất chân bước như đang nhảy điệu múa sạp để tránh những đống phân khiến tôi nực cười. Đi vào một cái hẻm nhỏ, bỗng lù lù một cái bóng to tướng phò phè từ sau đi đến chạm vào tôi, nhìn kỹ hoá ra “Bò đại nhân”. Tôi đi nép sát vào tường để chú bò đi qua những vẫn bị cụ ta cho một chưởng bằng quất cái đuôi cứng cáp suýt vào chỗ hiểm của tôi. Tôi hết hồn kêu lên, ông Tây đi sau cười ha hả có vẻ khoái nhưng lại quan tâm hỏi “Are you ok?”.

Đến nơi, tôi gọi một xuất cơm gà nấm và hai chai bia. Ăn uống no nê xong tôi ra đường trèo lên một xe Tuktuk để về khách sạn. Trời tối quá không dám đi bộ, sợ lại gặp ông bò, nhưng sợ những trái “bom” sống dưới mặt đường hơn. Nhìn bên bờ sông Hằng, thấp thoáng bóng người lô nhô đang ngồi xổm thả “bom”. Ớn thật, quả là một kỳ quan khó hiểu.

Xe đến khách sạn, tôi chưa vội lên phòng ngủ mà đi ra bậc đá ngồi đấy ngắm nhìn sông Hằng vĩ đại. Bây giờ là lúc tôi tĩnh lặng trong tâm để nghĩ sâu về Hằng Hà.

Theo tôi được biết, ở Ấn Độ, hầu hết các tín đồ Ấn Độ giáo có bốn thú vui lớn mà họ ước mơ trong đời là: Sùng kính Thần Shiva, tắm và uống nước thánh của sông Hằng, kết bạn với các vị thánh nhân, và được sống ở thánh địa Varanasi. Sông Hằng nuôi dưỡng người dân hai bên bờ những dòng sữa ngọt ngào (nghĩ về phần hồn của nó), cùng với tín ngưỡng sùng đạo, họ coi đây là dòng sông thiêng liêng và thánh thiện. Họ tin rằng sông Hằng là hóa thân của thần và bao ngàn năm nay, lòng tôn thờ sông Hằng của họ bất di bất dịch.

Sự tôn thờ này nghe nói bắt nguồn từ một câu chuyện huyền thoại. Thuở xa xưa, sông Hằng dữ dằn và thường xuyên gây ra lũ lụt, tàn phá ruộng đồng màu mỡ, giết hại sinh mạng. Để cầu mong được bình an, vị vua thời bấy giờ đã nhờ thần Shiva giúp thuần hóa sông Hằng và tạo phúc cho nhân gian. Thần Shiva đến chân núi Himalaya, xõa tóc, cho dòng nước hung tợn chảy chầm chậm qua đầu và trở nên hiền dịu. Nước bắt đầu tưới mát cho những cánh đồng hai bên bờ sông và người dân có thể sinh sống thanh bình và yên ổn làm ăn. Kể từ đó, Ấn Độ giáo coi sông Hằng là thánh thiện, tôn thờ thần Shiva và tắm nước thánh là hai hoạt động tôn giáo chính của người theo đạo Hindu.

Một cơn gió mát lạnh thổi vào mặt khiến tôi rùng mình, nhìn đồng hồ đã khuya rồi,  bên bờ sông vắng lặng, tiếng tụng kinh lầm rầm theo gió lúc to lúc nhỏ. Tư duy bị đứt quãng, tôi đứng dậy đi vào khách sạn. Có lẽ một ngày mệt mỏi, cũng có lẽ nằm bên dòng sông thần tiên nên tôi nằm xuống là ngủ say sưa. Tiếng chuông tay của một Lạt Ma đi ngoài đường làm tôi thức giấc, nhìn đồng hồ đã 6 giờ sáng. Tôi rửa mặt bước ra khỏi khách sạn định ngồi bên sông ngắm mặt trời lên, nhưng vừa bước ra ngoài đã bị một cậu bé nhà thuyền bám lấy khăng khăng đòi đưa lão đi du thuyền trên sông buổi sáng. Tôi trả giá xong theo cậu bé đi lên thuyền. Cậu ta chỉ mới 15 tuổi tên là Ali. Ali người đen chắc khỏe mạnh, chèo thuyền thoăn thoắt. Cậu ta muốn tôi mua cho một vài tấm khăn lụa để kiếm thêm nhưng tôi từ chối và nói: “Em cứ phục vụ ta cho tốt, khi xuống thuyền cho thêm”. Nghe vậy Ali vô cùng mừng rỡ, cậu ta vừa chèo lái vừa giới thiệu cảnh tượng hai bên bờ, đây là Ghat để tắm giặt, kia là Ghat để thiêu đốt tử thi.

Giọng tiếng Anh pha tiếng Ấn của cậu bé rất khó nghe nhưng tôi hiểu cả. Những làn khói nghi ngút bốc lên từ bên bờ đốt tử thi, không có tiếng gào khóc, cảnh tượng an nhiên cát tường. Mặt trời lúc ấy cũng đã ló mặt nhìn xuống, bắt đầu một ngày huy hoàng của sông Hằng.

Khi thuyền đi đến một đoạn bên bờ Đông, tôi thấy ở đây vắng vẻ ít người, liền bảo Ali ghé vào Ghat và cột thuyền lại đợi tôi tắm một cái để thỏa mãn nỗi lòng bấy lâu. Tuy rằng dòng nước vẫn lững lờ những rác thải và mùi khai tanh nồng nàn trên bờ tạt vào mũi. Nhưng chí đã quyết, tôi hình dung ra trước mắt là dòng sữa trong sạch của nữ thần sông Hằng và nhắm mắt nhảy xuống. Kỳ lạ thay, khi đã đẫm mình dưới dòng sông mới thấy người nhẹ bỗng, thấy tim đập êm dịu, hồn lâng lâng chìm trong một trạng thái thanh thản, thoát tục, hoan hỉ. Lúc này nhìn dòng sông thấy đẹp đẽ, lộng lẫy lạ kỳ. Tôi vẫy vùng dưới sông, cảm giác thân thương, cảm động như thu mình trong lòng mẹ.

Lênh đênh trên dòng sông đã hơn hai tiếng, tôi ra ý cho Ali quay đầu về bến. Mỗi tiếng đồng hồ Ali lấy 40 Rupee. Tôi đưa hẳn cho cậu ta 200 Rupee, cậu bé cười tít mắt. Háo hức mong cho ngày dài trôi mau để đêm về. Và đây, lão được hoà mình cùng buổi lễ tế đêm. Lễ tế đêm sông Hằng (Ganga Aarti) có lịch sử hơn ba nghìn năm, nó được tổ chức hàng đêm bất kể mưa hay nắng. Dù đêm nào cũng có nhưng khán đài nghi lễ vẫn chật kín người. Đây là một sự tôn vinh đối với dòng sông Hằng thiêng liêng, đồng thời đây cũng là một nghi lễ để giao tiếp và kết nối giữa con người và thần linh.

Cốt lõi của lễ tế đêm là lửa. Các thầy cúng sử dụng các dụng cụ khác nhau để diễn tả các hình thức khác nhau của ngọn lửa, từ que hương, chân nến cho đến chậu lửa. Bởi vì bản thân đây là “Lễ tế lửa” - Agni Pooja, hiến tế cho thần Shiva, thần Mặt trời (Surya), thần Lửa, nữ thần sông Hằng, và cả vũ trụ. Agni là thần Lửa trong Ấn Độ giáo, và Pooja có nghĩa là cầu nguyện và hiến tế.

Dù là du khách hay người Ấn Độ, đều có rất nhiều người dự trực tiếp lễ hội này, mọi người đều yên lặng và trang nghiêm, ngồi hoặc đứng trước bậc thềm sông. Ngoài ra vô số thuyền chở du khách trên sông Hằng, và mọi người đều nhìn hướng về nơi lễ đàn ở bờ sông. Buổi lễ được tiến hành với nhịp độ chậm rãi, hiện trường chỉ có những lời ca bằng tiếng Phạn ngân dài, giai điệu an nhiên của chuông tay và bảy nam tư tế Bà La Môn trẻ tuổi có đẳng cấp cao nhất, đang thì thầm khẽ hát.

Trước khi làm lễ, bảy vị tư tế đi xuống sông Hằng múc nước thánh, sau đó xếp thành hàng trước bàn thờ, họ thổi pháp khí bằng ốc biển để báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Xuyên suốt lễ tế đêm sông Hằng, các thầy tế lần lượt dùng chuông tay, đèn bảo tháp bảy tầng, pháp khí ốc biển, đèn dầu hình rắn đuôi chuông, quạt lông công, phất trần và các nhạc cụ khác để cúng trời đất tứ phương. Toàn bộ buổi lễ xướng tụng thánh ca bằng tiếng Phạn cổ để bày tỏ sự tôn kính với sông Hằng. Sau khi các nghi lễ khác nhau lần lượt xuất hiện trên lễ đàn, các tư tế rưới nước thánh vào những lẵng hoa xung quanh, sau đó đổ nước sông Hằng còn lại trở về sông để báo hiệu sự kết thúc của buổi lễ tế đêm.

Từ đầu đến cuối, lão đắm mình trong không khí lễ tế, vừa thành kính, vừa kinh ngạc. Lão đúc kết ra rằng, Ấn Độ giáo có thể nói là dung hòa hoàn hảo giữa hai nguyên tố đối lập là nước nước và lửa. Nước và lửa vừa là sức mạnh hủy diệt, vừa là sức mạnh thanh tẩy, đồng thời là sức mạnh của tạo hóa. Thật đáng kính nể!

Mặc dù buổi lễ đã kết thúc nhưng bảy vị tư tế nam Bà La Môn vẫn không rời đi, họ trở lại bàn thờ và chuẩn bị phân phát lương thực của thánh cho mọi người. Đấy là các loại hạt như gạo, ngô, đậu, lạc, mọi người đều đưa tay ra đón lấy. Có nhiều người đứng trước ngọn đèn dầu, hai lòng bàn tay hơ trên nguồn lửa, rồi vò đầu vò tai cầu phúc. Một số nhặt những bông hoa trên tế đàn thả xuống sông Hằng hoặc mua những đèn thủy đăng thả xuống sông chắp tay cầu nguyện. Sau đó họ còn lấy tay múc nước uống vài ngụm ngon lành rồi mới lưu luyến ra về.

Chỉ khi chứng kiến những cảnh tượng này mới cảm nhận được lòng mộ đạo tuyệt đối của tín đồ Hindu và đạo đức đẹp đẽ của họ đối với truyền thống văn hóa tôn giáo đã được lưu truyền hàng ngàn năm. Sự thành tín của họ thực sự đã cảm động đến thần linh, cảm động đến trời đất, cảm động đến con tim bé bỏng của tôi.

Đêm hôm ấy, có những ngọn đèn trong cõi u minh của tâm hồn tôi được thắp sáng, tôi ngộ ra nhiều điều và hoàn thiện mình hơn. Tiện đây cũng xin nhắc nhở các bạn, khi các bạn đến đây trải nghiệm lễ tế đêm, hãy hòa mình vào đấy như một giọt nước của dòng sông và mở lòng thành khẩn đón lấy tất cả mọi chi tiết buổi lễ, như vậy bạn sẽ thu được những nguồn năng lượng tuyệt vời. Nếu chỉ đứng xem như để biết thì rất phí, rất đáng tiếc, bạn sẽ ra ngoài rìa những sự kỳ diệu và bổ ích đem lại cho tâm linh của bạn.

Tôi trở về phòng, trằn trọc mãi không ngủ được. Tôi khiêng một chiếc ghế ra ban công ngắm nhìn sông Hằng về đêm và suy nghĩ miên man...

Người ngoại đạo khi nhắc đến Varanasi, nhắc đến sông Hằng đều rùng mình khiếp đảm. Sông Hằng trở thành đại từ thay cho hai từ ô nhiễm. Dòng sông bị ô nhiễm trầm trọng, nước thải công nghiệp, phân con người con vật, xác chết chưa thiêu hết, rác rưởi bồng bềnh trôi... Trên bờ thì phân tràn lan, bò dê chó khỉ ung dung sống cùng con người, lừa lọc ăn xin khắp nơi... Những điều đó là thật, nhưng ẩn chứa nơi đây là phần hồn của một đạo giáo già cội. Dựa trên sức mạnh của nó, con người bao dung chấp nhận mọi khiếm khuyết kể trên. Nhưng dù có lập luận đến đâu với tầm nhìn đương đại đều thấy mâu thuẫn và khó chấp nhận. Chỉ khi bạn cho rằng, cuộc đời là cõi tạm để bước đến một thế giới khác, sống với tâm linh chứ sá chi tiền nhãn. Nghĩ vậy chắc bạn thấy yên tâm hơn và chấp nhận hoàn cảnh nơi đây hơn.

Nhưng với một người như tôi, hỗn tạp mọi kiến thức của đời thì vẫn muốn mổ xẻ để thấu hiểu nền văn hoá sông Hằng, khám phá bí ẩn nằm phía sau của nó. Hiểu được văn hoá sông Hằng như một chìa khoá mở ra để lý giải thế giới quan của Ấn Độ giáo. Và chỉ khi bạn hiểu được vì sao sông Hằng trở thành một dòng sông thánh thiện, thì lúc đó bạn mới lý giải được những điều quái dị của xã hội Ấn Độ.

Xuyên ngược về hàng ngàn năm trước, bạn hỏi một người dân ở xứ sở này rằng dòng sông này đến từ đâu? Anh ta sẽ trả lời một cách đanh thép rằng, sông Hằng là nước trên trời đổ xuống! Trí tưởng tượng của họ là chủ nghĩa lãng mạn, kém chi câu thơ Đường của Lý Bạch:

Quân bất kiến:

Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!

Dịch nghĩa:

Anh thấy chăng:

Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống,

Trôi ra biển và không quay trở lại!

Hằng hà là dòng sông thần thánh mang nặng màu sắc văn hoá dân gian, vô vàn huyền thoại và truyền thuyết tôn giáo thiết lập nên cảnh tượng đặc biệt về phong tục nhân tình hai bên bờ sông. Ngoài huyền thoại về thần Shiva trị thủy kể trên, còn một câu chuyện rất lý thú. Có một đoạn trong sử thi Ấn Độ “Ramayana” nói về “Nguồn gốc của sông Hằng”. Câu chuyện kể rằng vị thần Hindu vĩ đại Shiva và Uma đã giao hợp với nhau trong 100 năm mà không hề gián đoạn. Các thần linh kinh hoàng với khả năng “chiến đấu” bất tận của Ngài và thỉnh cầu thần hãy xả tinh dịch của Ngài xuống sông Hằng. Chính vì truyền thuyết cổ xưa này mà người dân xưa đã trả lời rằng: Nước sông Hằng từ trời đổ xuống. Trong cuốn sách “Mỹ học”, Phri-đrich Hê-ghen từng nói khi nhắc đến câu chuyện này: “Cảm giác hổ thẹn của chúng ta gần như đã bị xáo trộn”.

Là một dòng sông thiêng liêng, ý nghĩa tôn giáo của sông Hằng trong Ấn Độ giáo chủ yếu thể hiện ở những điểm sau:

1. Sông Hằng từ trên trời đổ xuống, vì vậy nó là kênh kết nối giữa thế giới phàm trần và thiên giới, thông qua sông Hằng có thể thiết lập mối liên hệ với các vị thần, và có thể nhận được phước lành và quyền năng từ thiên giới.

2. Sông Hằng cuối cùng cũng sẽ chìm xuống âm phủ dưới đáy đại dương nên nó cũng là kênh kết nối giữa thế giới phàm trần và âm phủ, có sức mạnh cứu chuộc người chết. Sự chuộc tội có thể nhận được bằng cách thủy táng người chết hoặc thả tro của họ xuống sông Hằng. Thông qua sông Hằng, mối quan hệ giao tiếp với tổ tiên có thể được thiết lập.

3. Kết hợp hai điểm trên, Ấn Độ giáo tin rằng sông Hằng đồng thời tuôn chảy trong ba thế giới là thiên đàng, trần gian và âm phủ, trở thành “sứ giả của ba thế giới” (Triloka-patha-gamini) trong truyền thống Ấn Độ. Phạn ngữ Triloka là ba thế giới, Patha là con đường, Gamini là du khách, Tirtha là ngã ba điểm tiếp giáp của thế giới thần linh, người phàm tục và linh hồn người chết.

4. Ấn Độ giáo tin rằng nước chảy có sức mạnh thanh lọc nhất, nó có thể hấp thụ bụi bẩn, rác rưởi và mang chúng đi. Sức mạnh thanh tẩy của sông Hằng không chỉ giới hạn ở vật chất, nó còn có thể thanh lọc tâm linh và tinh thần, rửa sạch tội lỗi cho người tắm rửa ở đấy.

5. Việc thần Shiva dùng chính mái tóc của mình để tiếp nhận nguồn chảy của sông Hằng không phải chỉ xảy ra một lần mà nó đã và đang diễn ra đến tận ngày nay. Là một nguồn năng lượng liên tục, chuyển động và không thể dự đoán được, sông Hằng được coi là biểu hiện sức mạnh của thần hủy diệt Shiva ở cõi trần gian. Sông Hằng là một kênh kết nối trực tiếp với thần Shiva. Thông qua nước sông Hằng, người ta có thể cảm nhận, thưởng ngoạn và hấp thụ năng lượng của thần Shiva.

6. Nữ thần sông Hằng có phẩm chất như một người mẹ trong Ấn Độ giáo, Ngài chấp nhận mọi thứ, bao dung mọi thứ và tha thứ cho mọi thứ. Ngài còn được coi là mẹ của các vị thần, với thần tính vĩnh hằng.

Tôi cho rằng, trước đây, người Ấn Độ xưa không hiểu nguyên lý của vòng tuần hoàn nước trong khí quyển, do đó, biết bao câu chuyện kỳ ​​vĩ và mộng mơ đã được thêu dệt nên cho một dòng sông một cách ngoạn mục như vậy đấy.

Có thể thêu dệt nhiều câu chuyện nổi tiếng như vậy liên quan mật thiết đến thuyết vật linh (Animism) của Ấn Độ giáo. Bằng cách tìm hiểu về tín ngưỡng tôn thờ sông Hằng, bạn có thể hiểu thêm lý do tại sao người Ấn Độ thờ một cái cây, một hòn đá, bò, khỉ, chuột và những thứ khác trong giới tự nhiên. Trong Ấn Độ giáo, chúng có thể được coi là biểu hiện của một năng lượng nhất định, hóa thân của một vị thần nào đó, hoặc như một cây cầu dẫn đến một thế giới khác.

Chúng ta luôn cảm thấy Ấn Độ là một đất nước rất kỳ lạ, và nó dường như không tương thích với nền văn minh hiện đại. Ấn Độ giáo là tôn giáo lớn lâu đời nhất. Nó có thể có nguồn gốc từ bốn nghìn năm trước. Thế giới quan của người Hindu cũng dựa trên một số cách hiểu tương đối sơ khai về thế giới. Điểm cốt lõi có thể được tóm tắt thành bốn điểm - linh hồn là tồn tại vĩnh viễn, vạn vật đều có hồn, thiện ác quả báo, và luân hồi chuyển kiếp. Dưới sự chỉ dẫn của loại thế giới quan này, chắc chắn sẽ có một số hành vi và hiện tượng mà người ngoại đạo không hiểu được, đứng trên quan điểm của thuyết vô thần, chúng ta sẽ đánh giá họ là những hiện tượng quái dị.

Hàng ngàn năm lắng đọng của lịch sử đã tạo nên đất nước kỳ diệu này. Ấn Độ có thể được mô tả như một nơi mà người ta vừa yêu, vừa ghét. Nền văn hóa tôn giáo giao thoa phức tạp đã hình thành một cảnh quan nhân văn đầy màu sắc, và dòng chảy văn minh kéo dài hàng nghìn năm đã để lại những chùa chiền, cung điện với khung cảnh nguy nga ngoạn mục. Với sự quy tụ của các chủng tộc khác nhau, va chạm vào nhau tạo thành ánh sáng văn hoá đặc trưng ở đây. Khiến vùng đất chưa bao giờ yên tĩnh này trở nên đông đúc, lộn xộn, thánh thiện và đầy màu sắc.

Tôi tựa vào ban công cứ thế triền miên suy tưởng và thiếp đi lúc nào không biết. Tiếng chuông tay của một kẻ hành khất lại đánh thức tôi. 10 giờ sáng nay phải ra sân bay trở về Hồng Kông. Tôi sẽ ghi nhớ trong tâm can mình dòng sông này, mảnh đất này và những con người nơi này.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất