Thực trạng quan hệ Việt Nam - Lào
Trước hết, quan hệ giữa Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng (NDCM) Lào ngày càng gắn bó và tin cậy sâu sắc. Từ năm 2001 đến nay, ĐCS Việt Nam đã triển khai đa dạng, thường xuyên và có hiệu quả nhiều hình thức hợp tác nhằm không ngừng củng cố, thắt chặt quan hệ chính trị tốt đẹp với Đảng NDCM Lào. Hằng năm, hai Đảng đều tổ chức thành công các cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị dưới nhiều hình thức; phối hợp chặt chẽ các vấn đề có tính chiến lược và định hướng cho tổng thể quan hệ hai nước cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; duy trì cơ chế cử đặc phái viên khi cần thiết... Đồng thời, ĐCS Việt Nam và Đảng NDCM Lào tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, xác lập cơ chế gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao định kỳ, tham khảo quan điểm của nhau về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm; đến nay đã có 7 hội thảo lý luận giữa ĐCS Việt Nam và Đảng NDCM Lào được tổ chức.
ĐCS Việt Nam đã mở 12 lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề cho 499 lãnh đạo cấp cao và bí thư cấp ủy cấp huyện của Đảng NDCM Lào, trao đổi chuyên đề cho 82 đồng chí cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, tỉnh trưởng và tương đương; 13 đồng chí thứ trưởng, phó bí thư tỉnh, thành ủy và tương đương.
Thủ tướng Lào Phăn-khăm Vị-phả-văn trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu năm 2022. (Ảnh: TTXVN)
Quan hệ giữa hai Nhà nước ngày càng hiệu quả và thực chất. Thông qua các cuộc gặp cấp cao thường xuyên hằng năm, hai bên đã trao đổi những kinh nghiệm quý báu của mình trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Đặc biệt ngày 28-6-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít thăm Việt Nam là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, là sự khẳng định lại quan điểm, lập trường của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước trong việc tiếp tục gìn giữ, vun đắp và phát huy quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào. Hai bên đã ra tuyên bố chung, ký kết 7 văn kiện hợp tác quan trọng và một số hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và Lào, đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Đây là minh chứng tiếp tục khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Chính phủ ngày càng sâu rộng, tạo bước đột phá, đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào hiệu quả và thực chất trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, Chiến lược hợp tác 10 năm giữa Việt Nam và Lào. Đây là sự khẳng định đường lối đối ngoại trước sau như một trong việc giữ gìn, phát huy mối quan hệ và sự hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.
Quan hệ đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Lào là một hoạt động quan trọng. Trong những năm qua, hoạt động này được chú trọng đặc biệt và đã có bước phát triển tương xứng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng công tác đối ngoại nhân dân, đã thành lập hàng trăm các Hội hữu nghị Việt - Lào, Lào - Việt; các Ủy ban Hòa bình và đoàn kết Việt - Lào; các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của cả hai nước từng bước được hoàn thiện và phát triển; câu lạc bộ hữu nghị ở các cấp từ Trung ương đến địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, chương trình hành động phong phú, có ý nghĩa thiết thực như triển lãm tranh, ảnh, tổ chức các buổi nói chuyện, các cuộc hội thảo, các cuộc thi… với đề tài về quan hệ Việt - Lào với các hoạt động thực chất, rộng khắp, hiệu quả, thu hút hàng trăm nghìn hội viên là các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia, cựu lưu học sinh, các doanh nhân và đông đảo các tầng lớp nhân dân đủ mọi lứa tuổi trên khắp các vùng miền tích cực tham gia. Hằng năm, các hội, ủy ban, tổ chức hay câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các đoàn đến giao lưu, làm việc, cùng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng tháo gỡ khó khăn. Các hoạt động này góp phần củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác nhân dân, đồng thời tăng cường quan hệ đối ngoại giữa hai nước một cách toàn diện, đi vào chiều sâu.
Hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước được quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa về quốc phòng, an ninh, bảo đảm chỗ dựa vững chắc cho nhau nhằm đối phó với các thách thức ngày càng đa dạng, phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng và an ninh ở mỗi nước. Xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực kinh tế, đến nay các hiệp định thương mại được ký kết đều với mục đích mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng truyền thống hợp tác và tập quán thương mại quốc tế. Bằng các nỗ lực, trao đổi thương mại Việt Nam - Lào không ngừng tăng. Hai nước đang nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương năm 2021 tăng từ 10 đến 15% so với năm ngoái, khả năng đạt 1 tỉ USD như kế hoạch đã đề ra. Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Lào (sau Thái Lan và Trung Quốc), là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào với 413 dự án và tổng vốn đăng ký là 4,22 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2010. Các cơ chế ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được hai bên tiếp tục thực hiện với danh mục ngày càng mở rộng. Đặc biệt năm 2020 có bước đột phá với 9 dự án được cấp mới và điều chỉnh, vốn lũy kế hơn 143 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, sản xuất - kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm, tăng phúc lợi xã hội, giúp Lào thực hiện tốt chính sách xóa nghèo. Tuy vẫn còn khó khăn về vốn nhưng Việt Nam luôn dành nguồn viện trợ phát triển nhất định cho Lào, giai đoạn 2016-2021 là 3.250 tỷ đồng, được tài trợ cho nhiều lĩnh vực khác nhau, ưu tiên nhất cho phát triển nguồn nhân lực.
Trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, Việt Nam - Lào có quan hệ hợp tác rất khăng khít và hiệu quả. Đặc biệt, hằng năm Việt Nam dành cho Lào nhiều suất học bổng ở các cấp như cao đẳng, đại học, trên đại học. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực cho Lào ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Ngày 6-12-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ký kết 3 văn bản hợp tác về giáo dục và đào tạo gồm: Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030”; Thỏa thuận Kế hoạch triển khai Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” và Kế hoạch hợp tác năm 2021 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào. Trong đó, Đề án hợp tác giáo dục Việt - Lào giai đoạn 2021-2030 đã đề xuất những giải pháp chiến lược, các nhiệm vụ cụ thể để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước.
Giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đào tạo cho Lào gần 30.000 người với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau, trong đó diện Hiệp định gần 5.000 người. Năm học 2019-2020, tổng số lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam là 16.644 người. Việt Nam cũng đã cử 156 giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông, trường đại học và bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ các bộ, ngành của Lào. Hiện nay, tiếng Việt đang được dạy trong 21 trường phổ thông tại 11 tỉnh của Lào. Trong giai đoạn 2011-2019, Lào đã tiếp nhận 395 sinh viên Việt Nam sang học tập, trong đó có 44 thạc sỹ, 289 đại học và 62 thực tập sinh tiếng Lào.
Việt Nam đang giúp Lào xây dựng 2 bệnh viện hữu nghị mới tại 2 tỉnh (Hủa Phăn trị giá khoảng 20 triệu USD và tại tỉnh Xiêng Khoảng trị giá 17,6 triệu USD). Việt Nam luôn tích cực hỗ trợ Lào kinh nghiệm, trang thiết bị y tế... trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tiếp tục cùng bảo vệ, giữ gìn, vun đắp
Thứ nhất, quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam - Lào đã được tôi luyện, thử thách và không ngừng đơm hoa kết trái, trở thành mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc. Đây được coi là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn, có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng CNXH ở mỗi nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai nước sẽ cố gắng hết sức, cùng nhau bảo vệ, giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững và truyền tiếp cho thế hệ mai sau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít chứng kiến Lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Đoàn lãnh đạo cấp cao Lào. (Ảnh: TTXVN)
Thứ hai, Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ toàn diện công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, đồng thời dành ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau, phù hợp với tính chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đặc biệt, lãnh đạo hai nước đều thống nhất trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hơn lúc nào hết hai nước cần phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Thứ ba, các cơ chế tiếp xúc cấp cao cùng với những hình thức hợp tác phong phú, hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước được duy trì, đổi mới thường xuyên, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ngày càng tiến triển theo hướng thực chất hơn, phát huy thế mạnh và tiềm năng của mỗi nước, bình đẳng, cùng có lợi.
Thời gian tới, trong bối cảnh mới, hợp tác Việt Nam - Lào nên tập trung vào các ưu tiên sau: Tiếp tục tăng cường hợp tác chính trị, đối ngoại, giữ gìn và nâng cao hiệu quả ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhân dân; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Tăng cường và nâng cao nhận thức chung của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước về tầm quan trọng chiến lược của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Giữ gìn, tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị tư tưởng thông qua gặp gỡ, trao đổi văn hóa, đối ngoại nhân dân để làm cho toàn Đảng, toàn Dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước hiểu ý nghĩa và sự cần thiết về việc tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.
TS. Nguyễn Văn Du (Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
TS. Nguyễn Thị Thúy (Khoa Chính trị - Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị khu vực I)