Trồng người
Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu cùng đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Ngày 20-11 hằng năm là ngày tôn vinh các nhà giáo, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta ngày xưa đã tổng kết: Không thầy đố mày làm nên để khẳng định vai trò quan trọng của người thầy. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Ai trồng người nếu không phải là các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước?

Đảng ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu bởi vai trò quan trọng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nhân lực có chất lượng cao - những con người có kiến thức văn hoá, khoa học, kỹ năng nghề nghiệp, lao động tự giác, tự chủ, sáng tạo, giàu lòng nhân ái, tự trọng, yêu nước, thương dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến to lớn của các thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Cán bộ, đảng viên đã và đang giữ trọng trách trong tất cả các lĩnh vực của đời sống đất nước được ươm trồng, chăm sóc, đào luyện cơ bản bởi các nhà giáo dưới mái trường XHCN.

Trong kỷ nguyên mới, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài có được phát huy cao độ bồi đắp bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, văn hoá và con người Việt Nam - nhân tố quyết định tốc độ phát triển của đất nước, vươn lên của dân tộc? Với phương châm học sinh, sinh viên làm trung tâm - thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - gia đình là điểm tựa - xã hội là nền tảng, các nhà giáo tiên phong gieo mầm tri thức, khơi dậy đam mê, nuôi dưỡng ước mơ, khơi nguồn sáng tạo, xây nền tương lai cho lớp lớp thế hệ học trò ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời. Đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên.

Trong kỷ nguyên mới, Ngành Giáo dục và Đào tạo có triệt để đổi mới tư duy, trước hết là các nhà giáo tuỳ từng vị trí công việc của mình tiên phong cập nhật, nghiên cứu, thực hành ứng dụng vào công việc hằng ngày những tri thức mới của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo? Nhà giáo có đủ năng lực làm việc hiệu quả, truyền cảm hứng cho người học trong môi trường số? Đó là những vấn đề cuộc sống đặt ra đòi hỏi sự chuyển mình, vươn lên bắt đầu từ mỗi nhà giáo để theo kịp thời đại. Luật Nhà giáo lần đầu tiên đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua sẽ tạo đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển Ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Kỷ nguyên tiếp nối kỷ nguyên, nấc thang lịch sử từng bước đi lên, Ngành Giáo dục và Đào tạo, trước hết là những nhà giáo, tiếp tục đổi mới toàn diện, quyết liệt nhằm phát triển con người bảo đảm hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu, đích đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất