Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2023), sáng 10-6 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Phong trào sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao – nguồn cung cấp cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.
Học tập suốt đời từ lâu đã trở thành nhu cầu của không ít cán bộ, đảng viên. Trong họ luôn thấm đẫm tinh thần “học, học nữa, học mãi” với mục đích “học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”. Nhưng học làm cán bộ có lẽ không phải ai cũng sẵn sàng ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi khi đã trở thành cán bộ, có quyền hành trong tay, họ thường nhớ là lãnh đạo mà quên là đầy tớ của nhân dân. Học để làm cán bộ đã khó, học làm cán bộ còn khó hơn. Học để làm cán bộ có trường, có lớp dạy, được cấp bằng, chứng chỉ đủ tiêu chuẩn một chức danh nhất định. Học làm cán bộ là phải học mọi lúc, mọi nơi, bất kỳ thời gian nào, thường phải học giải quyết những tình huống nảy sinh trong thực tiễn mà không có trường, lớp nào dạy. Học làm cán bộ là phải học không chỉ làm người lãnh đạo, mà còn học làm người đày tớ trung thành của nhân dân.
Làm người lãnh đạo là phải luôn học tập, thấm nhuần và tổ chức thực hiện thành công đường lối, quan điểm của Đảng, không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phải rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải công tâm, kỷ luật, tự giác, thẳng thắn, triệt để trong thực thi quyền lực, trong tự phê bình và phê bình theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong tình hình hiện nay, không ít cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, dẫn đến trì trệ, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu, không năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Những cán bộ đó liệu còn xứng đáng là người lãnh đạo của nhân dân?
Làm đày tớ trung thành của nhân dân thể hiện ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hiểu dân và học hỏi kinh nghiệm từ nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tất cả vì nhân dân phục vụ, với tinh thần hiểu thấu và sẻ chia, chủ động và linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể; thể hiện ở quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, kiên quyết, kiên trì nói đi đôi với làm, chăm lo ấm no, hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người dân. Phải nắm vững dân là chủ và phải mở rộng dân chủ thật sự với nhân dân theo đúng chỉ dạy của Hồ Chí Minh: Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là đày tớ trung thành của nhân dân. Đồng thời, mỗi cán bộ ở bất cứ địa vị nào cũng phải làm gương thực hành dân chủ trong công tác để tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả công việc. Thực tế cho thấy, ở đâu, cán bộ thực sự là đầy tớ của nhân dân, thương yêu nhân dân, gần gũi và giúp đỡ nhân dân, bảo vệ và sẵn sàng đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ nhân dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ thì ở đó cán bộ luôn được kính trọng, giúp đỡ, đùm bọc, luôn quy tụ và thu hút quần chúng làm theo.
Mỗi cán bộ, bên cạnh địa vị, trí tuệ của một “nhà lãnh đạo” đều phải có tinh thần làm việc của một “người đầy tớ” nhân dân. Học để làm cán bộ suốt đời, đồng thời cũng phải học làm cán bộ suốt đời. Hai điều này có quan hệ biện chứng, quan trọng như nhau thể hiện tâm thế “người lãnh đạo” và “người đầy tớ” của nhân dân.
Đặng Khánh Chi