Ngày 19-4-2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương do có tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết trong năm 2022, TP. Hồ Chí Minh có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, các vấn đề được hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền của Thành phố. Đây là một ví dụ cho thấy tình trạng co cụm, cầu an của không ít cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Tình trạng này dẫn đến hậu quả quá trình xử lý công việc bị kéo dài, trì trệ, cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Một nguyên nhân khách quan cơ bản là cơ chế. Chính sách, pháp luật của ta còn nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật, nhất là những luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, đất đai… đây cũng là những lĩnh vực mà cán bộ thường hay mắc sai phạm trong thực tế. Tại Tờ trình số 423/TTr-CP ngày 18-10-2021 của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2026. Qua rà soát kiến nghị tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, các quy định pháp luật hiện hành chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư sản xuất - kinh doanh có liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 135 thông tư của bộ, ngành. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan của chính cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Khi nhận nhiệm vụ ai cũng đủ tiêu chuẩn vị trí chức danh, hứa sẽ tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trước khi được đề bạt làm công tác lãnh đạo, quản lý đều đã được học và tốt nghiệp khóa quản lý hành chính, có Luật Cán bộ, công chức, các luật chuyên ngành quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, công chức. Nếu không dám dấn thân, sợ sai không dám hành động, không dám quyết chẳng phải thiếu bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, thiếu đạo đức cách mạng hay sao?
Để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền tổ chức, cơ quan mình sang cơ quan khác, đồng thời không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền cơ quan khác. Khi giải quyết công việc, thủ trưởng cơ quan chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng, không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để cán bộ, công chức, người có trách nhiệm có điểm tựa pháp lý yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Đảng đã nhận thức rất rõ và trước Đại hội XIII, khi xây dựng văn kiện liên quan công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, một trong các khâu đột phá của nhiệm kỳ này là phải bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân, vì sự nghiệp chung. Phải sớm thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung vào trong các luật liên quan, khi cán bộ vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá không vụ lợi mà có sai sót thì được xem xét giảm, miễn trừ trách nhiệm.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
Chú ý biểu dương, khen thưởng kịp thời và thích đáng đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đặng Khánh Chi