Cần chặt chẽ, hiệu quả hơn

Tại Kỳ họp thứ 29 (12 đến 15-6-2023), Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét và kết luận: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc chấp thuận chủ trương quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, giao đất, cấp giấy chứng nhận và tính tiền sử dụng đất, trong phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho một số dự án, trong đó có các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) thực hiện”. Đồng thời khẳng định: “Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, “Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Cán sự đảng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021” và các cá nhân là lãnh đạo tỉnh hai nhiệm kỳ nói trên.

Vì sao những vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương diễn ra suốt hai nhiệm kỳ, kéo dài hơn 10 năm (2010-2021), khi phát hiện, kết luận và bị xử lý kỷ luật hầu hết đã nghỉ hưu? Phải chăng trong thời gian ấy cán bộ lãnh đạo tỉnh đã trở thành các “ông vua con” ở địa phương, khó ai đụng đến được? Có những cán bộ, nhiệm kỳ trước sai phạm vẫn được bầu vào nhiệm kỳ tiếp theo? Chẳng hạn, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND, mặc dù có sai phạm trong nhiệm kỳ 2011-2016 lại tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021? Chẳng phải đây thêm một minh chứng đánh giá vẫn là một khâu yếu trong công tác cán bộ?

Không khó để trả lời những câu hỏi trên nhưng thực hiện hiệu quả những giải pháp để khắc phục những hạn chế trên không dễ. Bởi những giải pháp đã được nêu nhiều lần, chẳng hạn, phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm soát quyền lực “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bỏ phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ… đã được thực hiện bài bản nhưng kết quả trong thực tế vẫn là những sai phạm được lặp lại. Trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, không chỉ Thanh Hoá vi phạm. Có một số tỉnh, thành phố vi phạm tương tự Thanh Hóa. Có tỉnh nghiêm trọng đến mức cả bí thư, chủ tịch đều vướng vào vòng lao lý.

Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá XIII, BCH Trung ương Đảng yêu cầu chỉ đạo tập trung, ưu tiên triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối nhiệm kỳ khoá XIII, trong đó tập trung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Theo đó công tác chuẩn bị nhân sự là nhiệm vụ then chốt của then chốt. Làm thế nào khắc phục tình trạng khi được bầu phải 
được đánh giá là những cán bộ đủ tiêu chuẩn, có chất lượng cao, tiêu biểu cho đức, tài của mỗi đảng bộ nhưng chẳng bao lâu sau đại hội đã bị phát hiện và xử lý kỷ luật vì những sai phạm nghiêm trọng trong nhiệm kỳ trước đó? Để khắc phục tình trạng này, giải pháp quan trọng nhất là chuẩn bị thật tốt nhân sự đại hội. Không thể có nhân sự sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp uỷ các cấp.


Khi  chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, nhân sự cấp dưới được cấp uỷ chịu trách nhiệm giới thiệu lên cấp uỷ cấp trên phê duyệt. Quy trình chuẩn bị nhân sự được quy định chặt chẽ. Tuy vậy, nên chăng cần chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn bằng quy định cụ thể và rõ trách nhiệm trong việc giới thiệu và bảo đảm chất lượng cán bộ. Chính chịu trách nhiệm là một yếu tố quan trọng quyết định hàng đầu. Người, tổ chức giới thiệu cán bộ không chỉ giới thiệu mà còn phải chịu trách nhiệm quá trình công tác, 
phát triển của người đó. Nếu nhân sự được giới thiệu sau khi được bầu phát hiện có những sai phạm từ khoá trước, không chỉ người, tổ chức giới thiệu phải chịu trách nhiệm mà các cơ quan hữu quan (kiểm tra, giám sát…) cũng phải đồng chịu trách nhiệm. Ai, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm đến đâu? Chế tài ra sao cần được quy định cụ thể, rõ ràng, là cơ sở để xử lý khi có sai phạm xảy ra.


Đổi mới công tác nhân sự đại hội luôn là đòi hỏi thực tiễn bảo đảm chất lượng cấp uỷ mới đáp ứng yêu cầu hoàn thành chỉ tiêu, nghị quyết đại hội nhiệm kỳ mới đề ra.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất