Chiều 29-3, kỳ họp thứ 9, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII đã bế mạc sau tám ngày làm việc khẩn trương với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao. Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XII đã hoàn tất chương trình nghị sự.
Quốc hội đã thảo luận, đánh giá bổ sung việc thực hiện nhiệm vụ phát triển - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011; tiến hành công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ (2007-2011) của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội đã thảo luận, phân tích toàn diện về kinh tế-xã hội, về ngân sách nhà nước, đã thống nhất nhận định năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự quản lý điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước tăng khá; xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản tăng mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm…
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét và thông qua 3 dự án luật, đó là: Luật Kiểm toán độc lập; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; và Luật Phòng, chống mua bán người. Các đạo luật này góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện tiếp quy trình, thủ tục tố tụng dân sự, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự; tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm toán độc lập và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tội phạm liên quan đến mua, bán người.
Về các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, thắng thắn, phân tích sâu sắc những việc đã làm được, những việc chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị những định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Quốc hội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch nước với tư cách là một định chế trong tổ chức quyền lực nhà nước, đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động đối nội, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, điều hành quản lý đất nước, quản lý xã hội một cách năng động, quyết liệt, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống. Các cơ quan tư pháp đã từng bước đổi mới theo lộ trình cải cách tư pháp và có nhiều tiến bộ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp. Những kết quả đó đã đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị các cơ quan trong bộ máy nhà nước nghiên cứu tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới. Các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới.
Buổi chiều, trước phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Kiểm toán độc lập với đa số đại biểu tán thành. Riêng Luật Thủ đô, chưa được các đại biểu thông qua.
Thu Huyền