|
Quang cảnh phiên bế mạc.
|
Làm rõ những vướng mắc trong các nghị quyết
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 27-11-2023, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Tính đến 17 giờ cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến của 468 đại biểu Quốc hội, trong đó có 391 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 77 đại biểu cơ bản đồng ý và có ý kiến góp ý một số nội dung cụ thể…
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 22,5 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, đổi mới, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định, hoàn thành 40 nội dung của Kỳ họp thuộc các lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Về các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết, gồm: Việc đẩy nhanh thực hiện hóa đơn điện tử trong việc thu thuế, phí, lệ phí; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; về thời hạn giải quyết dứt điểm việc chậm chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng; việc kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để cập nhật thường xuyên các công ty nợ, chậm đóng bảo hiểm…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý trong dự thảo Nghị quyết...
Về ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo thực hiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung “Bố trí nguồn vốn và thực hiện nhiệm vụ chi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài” đã bao gồm nội dung ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu, do đó, xin được giữ nguyên như trong dự thảo Nghị quyết.
Đối với ý kiến cho rằng không cần thiết quy định nội dung “Khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)” trong lĩnh vực xây dựng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết là giải pháp quan trọng nhằm đưa các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu sớm đi vào cuộc sống, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo.
Về ý kiến đề nghị khẩn trương xây dựng bộ sách giáo khoa dùng chung trong năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13...
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,95 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 26-11-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV và đã nhận được 443 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Có 388 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 55 đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và góp ý thêm đối với một số nội dung cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung tại dự thảo Nghị quyết các nội dung: “Dự án tái định cư sân bay Long Thành nếu không sử dụng hết vốn có thể phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác”; “Cho phép dự án tái định cư sân bay Long Thành nếu không sử dụng hết thì được bố trí tái định cư cho các dự án quan trọng quốc gia khác, đảm bảo đúng các quy định hiện hành”…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các ý kiến nêu trên là nội dung mới, Chính phủ không đề nghị trong các Tờ trình chính thức báo cáo Quốc hội và Quốc hội cũng không thảo luận về nội dung này, vì vậy chưa có cơ sở đưa vào dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, nội dung kiến nghị của đại biểu là việc điều chỉnh phạm vi dự án, thuộc thẩm quyền của người quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cho phép bổ sung cả dự toán năm 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương để triển khai các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện (được bổ sung vào điểm a, mục 1.2, khoản 1, Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15). Vì nếu quy định chỉ bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 sẽ không đủ thời gian để giải ngân kế hoạch vốn, ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu quả sử dụng nguồn vốn, phát sinh thêm thủ tục do phải báo cáo lại Quốc hội để cho phép bố trí tiếp trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung dự toán năm 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương để triển khai dự án là cần thiết. Tuy nhiên, đây là một trong những chính sách của Chương trình thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Thông báo số 2878/TB-TTKQH ngày 16-10-2023, trong đó thống nhất về chủ trương cho phép trình Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024. Do đó, chưa có đủ cơ sở để cho phép bố trí dự toán năm 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương như đề xuất nêu trên.
Có ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung giao Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.
Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung này đã được tiếp thu, thể hiện tại dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp này. Bên cạnh các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề về nội dung mà đại biểu Quốc hội gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, rà soát về kỹ thuật văn bản trong dự thảo Nghị quyết, đảm bảo ngắn gọn, chặt chẽ để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thông qua 7 luật và 9 nghị quyết tại Kỳ họp thứ sáu
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Dự thảo nghị quyết nêu rõ: Quốc hội thông qua 7 luật: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quốc hội cũng thông qua 9 nghị quyết: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết nêu trên. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân và công tác thi hành án; trong đó, tăng cường biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xâm hại, bạo hành trẻ em, quan tâm đúng mức việc giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân về việc xem xét, quyết định các bản án mà nhân dân quan tâm.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ, trong đó tập trung xử lý những vụ đã hết hoặc gần hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp còn tồn đọng do lỗi chủ quan, không để xảy ra việc tạm đình chỉ không đúng pháp luật; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự bảo đảm thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục có giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính; tăng cường công tác hòa giải các vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai các giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không để xảy ra trường hợp bị oan sai trong tố tụng hình sự; nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án hành chính; tăng cường kiểm sát và kiến nghị xử lý các trường hợp chậm thi hành án hành chính; đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền. Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14, số 131/2020/QH14 và số 160/2021/QH14 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Đồng ý cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31-12-2024; bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho Dự án. Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin, số liệu báo cáo Quốc hội; chỉ đạo bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp, thực hiện và hoàn thành Dự án theo đúng tiến độ và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Bổ sung nội dung đầu tư các dự án xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị các bệnh viện tại Báo cáo số 581/BC-CP ngày 20-10-2023 của Chính phủ vào điểm a, mục 1.2, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và cho phép chuyển nguồn 2.920,7 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại điểm a, mục 1.3, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn dư sang năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương để triển khai thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư nêu trên.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc phân bổ vốn cho các bộ, cơ quan Trung ương để thực hiện các dự án thuộc nội dung đầu tư nêu trên khi đủ điều kiện, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31-12-2024. Đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán.
Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất, tính chính xác của thông tin, số liệu, căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện, chỉ thanh toán những nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của Nhà nước, bảo đảm không phát sinh khiếu kiện. Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 30-6-2024. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XV.
Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,56 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Nguồn: TTXVN