Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 105-QÐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định gồm ba phần: Phân cấp quản lý cán bộ; Bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Ðiều khoản thi hành và hai phụ lục kèm theo.
1. Trong phần Phân cấp quản lý cán bộ, Quy định nêu rõ nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ. Những vấn đề về công tác cán bộ và cán bộ phải do tập thể cấp ủy và tổ chức đảng có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Cá nhân, tập thể đề xuất; cơ quan tham mưu; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề xuất, tham mưu, thẩm định, quyết định của mình…Quy định chỉ rõ, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ đang công tác, sinh hoạt trong tổ chức mình (kể cả các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng) theo các nội dung quản lý cán bộ trong phạm vi được phân cấp và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, thủ trưởng cấp trên về cán bộ thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trực tiếp quyết định một số khâu trong nội dung quản lý cán bộ đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lực lượng vũ trang; đồng thời phân công, phân cấp cho cấp ủy, tổ chức đảng quản lý, trực tiếp quyết định một số khâu khác và các chức danh cán bộ khác. Trong trường hợp một người đồng thời được giao đảm nhiệm nhiều chức vụ thuộc thẩm quyền quản lý của các cấp khác nhau thì giao cho cấp quản lý chức vụ cao nhất của người đó xem xét, quyết định. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát, lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp ủy các cấp; kịp thời đề xuất khen thưởng, xử lý đối với tập thể và cá nhân vi phạm,...
2. Tại phần bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, Quy định nêu rõ nguyên tắc, trách nhiệm và thẩm quyền, quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phải căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của cán bộ và tiêu chuẩn chức danh. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu, các thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự và nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất. Nếu người được giới thiệu là cán bộ công tác trong cơ quan, đơn vị thì phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm. Ðối với nhân sự từ nơi khác đến thì phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định,... Cá nhân, tập thể đề xuất bổ nhiệm; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền chịu trách nhiệm về đề nghị, thẩm định, quyết định của mình,...
Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể lãnh đạo có ý kiến khác nhau thì báo cáo đầy đủ lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu hai người có số phiếu ngang nhau thì chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu để quyết định bổ nhiệm, hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.
Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó ở cơ quan, đơn vị trong bộ máy tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước. Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng. Cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ; có đủ sức khỏe. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Ðảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức danh tương đương và cao hơn. Cán bộ đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm, hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn.
Khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm theo quy định, phải xem xét có hay không bổ nhiệm lại hoặc giới thiệu tái cử. Những cán bộ sau khi được bổ nhiệm vì những lý do cụ thể như sức khỏe không bảo đảm, uy tín giảm sút, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật,... thì các cơ quan tham mưu đề xuất và cấp lãnh đạo có thẩm quyền cần xem xét, thay thế kịp thời. Việc bổ nhiệm lại hoặc giới thiệu tái cử được tiến hành từng bước, phù hợp quy định và yêu cầu của từng lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, bảo đảm ổn định và hiệu quả thiết thực,...
Việc điều động và biệt phái cán bộ phải căn cứ yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị, quy hoạch cán bộ nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo sự đồng bộ trong đội ngũ cán bộ; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, địa phương, tổ chức.
Về quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thuộc diện Trung ương quản lý, căn cứ nhu cầu công tác, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo các ban, cơ quan trực thuộc Trung ương,... trình cơ quan cấp trên có thẩm quyền bằng văn bản về chủ trương, số lượng và dự kiến phân công công tác đối với cán bộ đề nghị bổ nhiệm; đề xuất nhân sự cụ thể sau khi được cấp trên đồng ý về chủ trương. Ðối với nguồn nhân sự tại chỗ phải thực hiện theo năm bước. Bước 1, trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ, nguồn cán bộ trong quy hoạch, người đứng đầu, các thành viên lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự,... Bước 2, tập thể lãnh đạo thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Bước 3, tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng của cán bộ; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự bước hai, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Bước 4, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự (tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt). Bước 5, tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự, nếu có vấn đề mới nảy sinh phải xác minh kết luận... Tại mỗi bước, mỗi thành viên giới thiệu một người cho một chức danh; trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu thì chọn hai người có số phiếu giới thiệu cao nhất để giới thiệu ở các bước tiếp theo. Kết quả kiểm phiếu ở các bước không công bố tại hội nghị.
Quy định cũng nêu rõ các bước đối với những đơn vị đặc thù hoặc nguồn từ nơi khác đến; thẩm định, xét duyệt đối với nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quyết định.
Quy định này có hiệu lực từ ngày ký; thay thế Quyết định số 67-QÐ/TW và Quyết định số 68-QÐ/TW, ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị khóa X và các quy định trước đây trái với Quy định này.
PV