Chiều ngày 14-6, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn trực tiếp của 19 lượt đại biểu Quốc hội của 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập trung vào các nội dung sau: Các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn (vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi Nhà nước thu hồi đất,…); Khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư cho dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội; xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế; Các biện pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, việc xử lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trái phép và hướng giải quyết vấn đề người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài; đưa lao động ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài; Trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc xét duyệt hồ sơ người có công với cách mạng (thương binh, thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc da cam,…) để hạn chế tiêu cực; biện pháp giải quyết các trường hợp bị thất lạc, không còn hồ sơ để xin xét duyệt chế độ; Trách nhiệm của Bộ trong đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ đối với người có công với cách mạng…
Pháp lệnh ưu đãi người có công
Trả lời chất vấn của đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) về Pháp lệnh ưu đãi người có công ra đời và đã có Nghị định 31 mà đến nay chưa có hướng dẫn của Bộ thì chậm và trách nhiệm của Bộ đến đâu?
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời: Lẽ ra khi pháp lệnh có hiệu lực, một số chính sách được thực hiện từ mùng 1 tháng 9 năm 2012, còn tuyệt đại bộ phận các chính sách còn lại có hiệu lực từ mùng 1 tháng 1 năm 2013. Các văn bản hướng dẫn pháp lệnh này đã phải xong nhưng chúng tôi đến tận mùng 9 tháng 4 năm 2013 thì Nghị định 31 của Chính phủ về hướng dẫn Pháp lệnh có công mới hoàn thành. Bộ ý thức được trách nhiệm phải làm càng sớm, càng tốt, đây là trách nhiệm của mình cũng là nguyện vọng rất chính đáng của những người có công. Ngay ngày 15 tháng 5, ngay cùng với việc chuẩn bị nghị định thì Bộ đã chuẩn bị thông tư. Ngày 15 tháng 5 Bộ đã có Thông tư 05 hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh người có công và đến nay Bộ đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ, các địa phương về pháp lệnh này và hướng dẫn về làm các thủ tục giải quyết những tồn đọng và những chính sách mới.
Đây là một chính sách pháp lệnh này thì bổ sung chính sách mới, đối tượng mới nên lượng công việc cũng nhiều và pháp lệnh rất dày, nay mai vì Bộ rất muốn hướng dẫn cụ thể và để ra được pháp lệnh bởi vì các đối tượng tăng, kinh phí tăng, chính sách tăng, nên khi để tham mưu cho Chính phủ ra được nghị định thì Bộ cũng mất một thời gian là hội thảo, xin ý kiến. Chính vì vậy cũng có phần chậm một chút so với quy định, Bộ thấy có trách nhiệm của mình trong phần triển khai các văn bản pháp luật này.
Tiêu chí hộ nghèo chưa phù hợp và trách nhiệm của Bộ
Tại phiên họp Quốc hội kỳ này, Bộ trưởng cũng đã trình bày tiêu chí hộ nghèo quyết định được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 và tiêu chí này quy định đối với hộ ở nông thôn 400.000 đồng/người/ tháng, hộ ở thành thị thì 500.000 đồng/người/tháng, bản thân mức quy định đó phải nói cũng đã thấp và nếu tính cả yếu tố trượt giá thì tiêu chí này cần phải được xem xét và Bộ cũng tự thấy trách nhiệm của mình là phải xem xét tiêu chí xác định chuẩn nghèo thực chất mới thực hiện từ 2011, 2012 năm nay mới sang năm thứ ba thì Bộ sẽ xem xét và trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ sẽ lắng nghe để làm thế nào tiêu chí đó sát với thực tế hơn.
Có ý kiến đề xuất là hiện nay Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo là 70% mệnh giá của bảo hiểm y tế, có nhiều ý kiến đề nghị là nên 100%. Bộ trưởng đồng tình việc hỗ trợ cho hộ cận nghèo 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cũng là cần.
Vấn đề tiền lương, giảm lộ trình điều chỉnh tiền lương có tính đến quy luật cung cầu không?
Bộ trưởng trả lời trong quy định của Chính phủ về lộ trình tiền lương, lương đối với công nhân viên hành chính sự nghiệp do Bộ Nội vụ trực tiếp xây dựng, triển khai, còn lương đối với doanh nghiệp giao cho Bộ Lao động. Để thực hiện trách nhiệm của mình Bộ đã xây dựng hàng năm theo nghị quyết của Trung ương sẽ có lộ trình quy định tăng lương tối thiểu, làm cơ sở cho các doanh nghiệp trả lương cho người lao động, năm 2012 Bộ đã thực hiện chương trình đó.
Khi ban hành mức lương tối thiểu theo 4 vùng, mức cao nhất trên 2 triệu thì cũng có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, nói như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Loại ý kiến thứ hai là không biết chia sẻ với doanh nghiệp, trong lúc doanh nghiệp khó khăn lại đưa nâng lương tối thiểu làm cho doanh nghiệp khó khăn. Nhưng về cơ quan làm chính sách Bộ thấy rất cần lộ trình quy định 4 vùng để nâng lương tối thiểu, cái đó là cần và phù hợp. Người lao động trên cơ sở đó cũng chia sẻ cho doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ, nếu doanh nghiệp không có người lao động sẽ không phát triển được. Bộ trưởng thấy các đồng chí có khó khăn nhưng các đồng chí có thể vượt được, nhưng người lao động không có đồng lương tối thiểu, lương tối thiểu quá thấp thì người ta không có sức làm cho doanh nghiệp. Chính vì vậy Bộ trưởng đã tham mưu thực hiện lộ trình như vậy.
Tuy nhiên, mức Bộ đề xuất cao hơn, nhưng do điều kiện của doanh nghiệp cũng như tình hình kinh tế chung, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, phải sắp xếp lại, như vậy có nên đặt ra không. Cuối cùng, Chính phủ vẫn phải quyết định lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu của các doanh nghiệp như ý kiến tôi đã trình trên. Tất nhiên làm điều chỉnh này Bộ tính cả hai yếu tố, cả quyền lợi của người lao động và trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này.
T.H