Ngày 13-6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn trực tiếp của 17 lượt đại biểu Quốc hội của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung vào các nội dung sau: Chính sách đặc thù để đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật; Giải pháp xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở để đáp ứng, nâng cao nhu cầu sinh hoạt văn hóa của vùng nông thôn miền núi; Giải pháp để chấn chỉnh tình trạng sản xuất, lưu hành phim ảnh, trò chơi bạo lực, văn hóa phẩm độc hại có tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, hành vi của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ; Trách nhiệm của Bộ trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa; công tác quản lý và xây dựng chiến lược quốc gia về lễ hội; Giải pháp khắc phục những tiêu cực, hạn chế của ngành, xây dựng du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; Công tác chuẩn bị của Việt Nam trong việc đăng cai ASIAD vào năm 2019; Việc quản lý, sử dụng các công trình thể thao đã được xây dựng để phục vụ Seagame 23 tổ chức tại Việt Nam ở các địa phương; Trách nhiệm của Bộ trong xử lý tình hình tiêu cực trong bóng đá…
Tình trạng "chặt chém"...
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, tình trạng chặt chém khách du lịch nguyên nhân là do sự phối hợp liên ngành của chúng ta chưa tốt; kiểm tra, giám sát những điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, chặt chém du khách; các văn bản liên quan để xử lý vi phạm, các mức độ xử phạt còn nhẹ, kể cả văn hóa, kể cả thể thao, du lịch, kể cả quảng cáo, sắp tới đây chúng tôi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, với Chính phủ, sẽ có nghị định tăng mức xử phạt hơn. Cuối cùng là bài học kinh nghiệm quản lý điểm đến ở thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Bộ trưởng nhấn mạnh tình trạng đó cấp bách cần phải xử lý, nhưng tình trạng đó không phải phổ biến, du lịch Việt Nam vẫn có một hình ảnh tốt trong con mắt của du khách.
Thiếu những tác phẩm đỉnh cao
Bộ trưởng nhấn mạnh quay trở lại Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, năm 1998 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Trong nghị quyết này có 3 điểm liên quan đến nghệ thuật nói chung:
Thứ nhất là tiềm lực của đội ngũ sáng tác, nghiên cứu, lý luận và phê bình của chúng ta còn yếu
Thứ hai, chính sách của chúng ta cho lực lượng này chưa thật tốt.
Thứ ba là trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là điện ảnh hay sân khấu, nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Sắp tới Bộ sẽ triển khai 5 đề án liên quan đến Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị và triển khai Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Quyết định 88 về quy hoạch, xây dựng và cải tạo các nhà hát, rạp chiếu bóng và các trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật để có cơ sở vật chất nhất định để chúng ta có hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Vấn đề đạo đức xã hội
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa là lĩnh vực hết sức rộng, kể cả vấn đề tư tưởng, vấn đề đạo đức, vấn đề lối sống, vấn đề di sản, văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông có xuống cấp không. Nói không có là không phải nhưng xuống cấp đến mức độ nào đây là tiếng chuông báo động. Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 Đảng ta đã đề ra Nghị quyết về xây dựng Đảng, một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Trong đó đặt ra vấn đề tư tưởng, vấn đề đạo đức lối sống. Chúng tôi đề nghị chúng ta phải triển khai mạnh mẽ như Chủ tịch Quốc hội nói về kết luận của Ban Chấp hành Trung ương vừa rồi về một năm thực hiện nghị quyết này.
Bộ trưởng khẳng định: Trên lĩnh vực chúng tôi có trách nhiệm xử lý, lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thế nào? lĩnh vực điện ảnh ra làm sao? lĩnh vực bảo tồn phát huy di sản văn hóa thế nào? Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm ra sao. Tất cả cái đó đều phải quản lý chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại.
Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
T.H