Thảo luận về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Một góc nhà máy lọc dầu Dung Quất

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 13 năm triển khai thực hiện, dự án đã cơ bản hoàn tất các gói thầu, hạng mục, bàn giao và đưa vào vận hành thương mại ổn định 100% công suất thiết kế, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn quốc tế. Năng lực sản xuất hiện nay của nhà máy đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước. Theo báo cáo, đến tháng 9-2010, công tác quyết toán dự án cơ bản hoàn thành, hiện còn khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng đang quyết toán (tương đương 2,9% tổng mức đầu tư). Công tác quyết toán sẽ hoàn thành vào tháng 12-2010 và Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội.

Theo báo cáo mới đây, doanh thu từ ngày bàn giao nhà máy đến nay đạt trên 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng. Dự án đã tạo việc làm cho khoảng 1.400 lao động trực tiếp và hàng vạn lao động trong các ngành sử dụng sản phẩm của nhà máy và các ngành phụ trợ khác. Các vấn đề khác như an ninh, quốc phòng, môi trường... đều được bảo đảm.

Về tiến độ, dự án chậm khoảng 9 năm so với nghị quyết của Quốc hội. Về tổng mức đầu tư dự án, đã tăng từ 1.500 triệu USD lên 2.501 triệu USD giai đoạn 1997-2005, sau đó tăng lên 3.053,5 triệu USD vào 2009. Nguyên nhân tăng, Chính phủ giải trình là do phát sinh khối lượng lớn công việc, như bổ sung các phân xưởng công nghệ và phụ trợ để đáp ứng yêu cầu mới về chất lượng và chủng loại sản phẩm; phát sinh chi phí xử lý túi bùn gói thầu số 5A; biến động tỷ giá ngoại tệ, tăng giá máy móc, thiết bị, vật tư, nhân công...

Trên cơ sở đánh giá tổng thể dự án Nhà máy lọc dầu  Dung Quất, Chính phủ  kiến nghị Quốc hội xem xét ra nghị quyết công nhận kết thúc việc xây dựng dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, qua thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Quốc hội, bên cạnh những thành công như trên, dự án vẫn còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm. Như dự án đã chậm tiến độ đến... 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997/QH10 của Quốc hội khóa X. Trong báo cáo cũng khẳng định, dù nhà máy đã đưa vào hoạt động với 100% công suất, nhưng vẫn còn một số tồn tại về kỹ thuật. Công tác di dân, tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn cần được quan tâm và tiếp tục xử lý... Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Đặng Vũ Minh trình bày cũng nêu rõ: So với các công trình quốc gia quan trọng khác thì đây là dự án có tốc độ quyết toán vào loại nhanh. Nhưng hiện nay chủ đầu tư và nhà thầu vẫn còn một số hạng mục cần thanh quyết toán, kiểm tra theo quy định. Việc huy động nguồn nhân lực và thu xếp tài chính cho dự án chưa đáp ứng được với yêu cầu trong từng giai đoạn triển khai cụ thể.

Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu đều cho rằng, đây là một công trình lớn, được nghiên cứu từ năm 1977, và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 1997, triển khai năm 2005. Sau 4 năm xây dựng, tháng 2-1009, nhà máy đi vào sản xuất mẻ đầu tiên và đến nay, sau 1 năm vận hành đã ổn định 100% công suất. Tuy nhiên, hiện chưa thể đủ thời gian để đánh giá hiệu quả của dự án. Báo cáo của Chính phủ cũng mới chỉ thiên về đánh giá mục tiêu kích hoạt vùng kinh tế miền Trung của dự án này.

                            
                                                           Thảo luận tại tổ Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Bắc Ninh) nói, điều quan trọng nhất là phải đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, vì khi đưa ra chủ trương xây dựng, không ít ý kiến băn khoăn, trong quá trình xây dựng cũng không ít tác động khiến chúng ta phải xây dựng thêm đê chắn biển. Cần làm rõ hiệu quả kinh tế của dự án vì thực tế không ít tập đoàn nước ngoài đã rút lui khi đấu thầu xây dựng dự án.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện tượng xăng dầu ở Dung Quất thời gian qua bị tồn trong khi các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu xăng dầu cũng cần làm rõ. Đó là do chất lượng, hay do giá cả kém cạnh tranh, hay do vấn đề tổ chức phân phối sản phẩm. Có xăng dầu Dung Quất rồi nhưng giá thành so với xăng dầu nhập khẩu ra sao? Tính an toàn của nhà máy lọc dầu thế nào? Đó là hàng lọat vấn đề mà đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo để Quốc hội có cái nhìn tổng thể hơn trước khi thông qua nghị quyết công nhận kết thúc việc xây dựng dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và giao Chính phủ  tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh)  cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đủ cơ sở để Quốc hội thông qua, vì “phải so sánh được kết quả hiện nay với các mục tiêu đã đặt ra khi xây dựng dự án này, nhất là khả năng chuyển giao, làm chủ công nghệ lọc hóa dầu ra sao”. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho rằng, để đánh giá được hiệu quả kinh tế của dự án, còn phải bổ sung rất nhiều thông tin, nhất là việc so sánh giá thành của xăng dầu Dung Quất với xăng dầu nhập khẩu. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị: Đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên hơn 3 tỷ USD, vậy trong vòng bao lâu sẽ thu hồi được khoản vốn này. Chính phủ giải bài toán phân phối sản phẩm thế nào, sản xuất ra xăng dầu mà để tồn kho trong khi phải đi nhập khẩu xăng dầu, phải làm rõ.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) trao đổi, dự án có 2 mục tiêu: Về chính trị (tạo cú hích để phát triển kinh tế miền Trung), về kinh tế (phát triển ngành công nghiệp hóa dầu). Nhưng hiện nay cũng khó để luận chứng về hiệu quả kinh tế, vì vậy nên làm tốt hơn mục tiêu chính trị. Vậy phải xem lại, phải đầu tư nhiều hơn cho mục tiêu tạo cú hích cho kinh tế miền Trung. Theo đại biểu Trần Du Lịch, về phương diện lan tỏa miền Trung của dự án là còn ít và đề xuất, để phát triển một khu vực nào đó, quan trọng nhất là khâu hậu cần (dịch vụ, nhân lực). Sở dĩ Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu phát triển nhanh là vì đã có TPHCM là hậu cần về mọi thứ. Muốn Dung Quất phát triển, thì Đà Nẵng phải là hậu cần tốt. Muốn thế phải đầu tư nhiều cho Đà Nẵng, trước hết là đường cao tốc.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cùng các đại biểu Hà Nội nhất trí việc đề nghị Quốc hội ra nghị quyết kết thúc dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; việc cần yêu cầu Chính phủ làm rõ những vấn đề đặt ra mang tính dự báo và cảnh báo sau khi nhà máy đi vào vận hành như: chất lượng sản phẩm ban đầu và sản phẩm lâu dài có tương đương nhau; việc bảo hành công trình và chuyển giao kỹ thuật; việc quản lý công trình, trách nhiệm của Trung ương và địa phương; các vấn đề về tiêu thụ sản phẩm; phương án đối phó với môi trường, biển, khí hậu; phương án nhập khẩu cho vận hành nhà máy khi nguồn mỏ trong nước không còn…; trong khi khẳng định chủ trương đầu tư nhà máy là hoàn toàn đúng đắn và nhất trí với các bài học rút ra từ quá trình thực hiện dự án nhưng cho rằng, đây không chỉ là những bài học từ riêng dự án Dung Quất, mà của nhiều dự án khác. Đó vẫn là những yếu điểm trùng lặp như năng lực chủ đầu tư yếu,  giải phóng mặt bằng, lập dự toán chưa tốt, thủ tục rườm rà…

Khẳng định dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất là sự thắng lợi của Việt Nam về khoa học công nghệ, lần đầu chứng minh sự phát triển của ngành hóa dầu Việt Nam, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội)cũng thẳng thắn đánh giá: Dung Quất là dự án thuận tình về mặt chủ trương nhưng nghịch lý về đầu tư kinh tế. Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng nhất trí đề nghị Quốc hội có nghị quyết về kết thúc dự án. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần nghiêm túc đánh giá, có giải trình cụ thể, rõ ràng, mạch lạc lý do tại sao tổng đầu tư dự án tăng gấp đôi và đề nghị cần quan tâm tới hiệu quả sau dự án và đời sống người dân khu dự án, có sự đầu tư thích đáng cho hạ tầng xã hội.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, cần phải đánh giá cao vai trò rất quan trọng của tập đoàn kinh tế nhà nước trong việc thực hiện dự án này và nhất trí với việc ban hành nghị quyết Quốc hội về kết thúc dự án và giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện việc quyết toán dự án, vận hành nhà máy hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất