Ngày 10-11,
UBTWMTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính
quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học “Mặt trận dân tộc
thống nhất Việt Nam - Những chặng đường vẻ vang”. Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên
Tổng Bí thư có bài tham luận khẳng định vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất
Việt Nam trước đây (nay là MTTQ Việt Nam) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức
mạnh vô địch đưa đất nước ta, nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi
khác. Tạp chí Xây dựng Đảng xin trân trọng giới thiệu bài tham luận này.
Nhân kỷ niệm 80
năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(18/11/1930 - 18/11/2010), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc có sáng kiến tổ
chức hội thảo “Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - những chặng đường vẻ vang”.
Diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sôi nổi tham gia gúp ý kiến
vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI,
cuộc hội thảo này là một việc làm có ý nghĩa lớn trong đợt sinh hoạt chính trị toàn
dân bàn việc Đảng, toàn Đảng bàn việc nước, cả nước cùng nắm tay nhau đại đoàn
kết tiếp tục tiến bước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa. Chặng đường này được thực hiện trong những thập kỷ đầu của thế kỷ
XXI, thời cơ lớn nhưng thách thức khó khăn không nhỏ.
Với lòng yêu
nước thương dân nồng nàn, các vị sẽ có nhiều ý kiến sâu sắc trong cuộc hội thảo
này. Riêng tôi, tôi xin phát biểu đôi điều suy nghĩ, mong được góp một phần nhỏ
vào sự nghiệp chung của Mặt trận đối với dân tộc 80 năm qua.
Nhờ phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà chỉ với 5000 đảng viên, Đảng Cộng sản Việt
Nam đã lãnh đạo nhân dân ta giành được chính quyền về tay nhân dân trong cuộc
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành được thắng lợi lịch sử trong chiến dịch
Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, giải phóng một nửa nước, đưa
miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nhờ phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà trong hoàn cảnh khó khăn và ác liệt, phải
đánh bại hơn nửa triệu quân xâm lược Mỹ và hơn nửa triệu quân tay sai, Đảng đã
lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn
miền Nam và thống nhất Tổ quốc, thực hiện người cày có ruộng, hoàn thành cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã
hội.
Trong một tình
hình cực kỳ phức tạp đầy éo le, một lần nữa, Đảng ta lại phát huy sức mạnh đại
đoàn kết dân tộc, từng bước giải quyết hậu quả nặng nề do chiến tranh xâm lược
gây ra, đánh bại âm mưu xâm lấn của Pôn Pốt, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi
họa diệt chủng, hồi sinh dân tộc, giải quyết thắng lợi vấn đề Campuchia bằng
giải pháp chính trị và lập lại quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc, thực hiện mong
ước của Bác Hồ: Các Đảng anh em sẽ phải đoàn kết lại. Được sự đồng
lòng góp sức của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo công cuộc đổi mới
để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới mô hình kinh tế mà vẫn giữ vững
chế độ xã hội chủ nghĩa, đến năm 1996, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã
hội kéo dài gần 20 năm, hoàn thành chặng đường đầu của thời kỳ quá độ.
Tiếp tục đi tới
trên con đường đã lựa chọn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra mục tiêu của
chặng đường thứ hai, từ 1996 đến 2020, xây dựng nước ta cơ bản trở thành một
nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đúng với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiến bước trên chặng thứ hai đó. Dựa vào
lòng yêu nước và các nhân tố xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã cơ bản vượt qua cuộc
khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ và trên
những tổng quát đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Chúng ta tự hào
về 54 dân tộc anh em trong cả nước, về nhân dân ta, về Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, dựa trên nền tảng liên minh công nông trí thức, nhân tố cực kỳ quan trọng
đã góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc, suốt 80 năm nay. Chúng
ta tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam
với đường lối đúng đắn: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã
dẫn dắt dân tộc ta vững bước đi trên con đường của thời đại.
Hiến pháp nước
ta đã quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị,
liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội
và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc,
các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. “Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước
chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện
quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động
của các cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước.”
Với sứ mệnh nặng nề ấy, Mặt trận Tổ quốc đã góp phần quan trọng làm nên những
chiến thắng lịch sử và đặc biệt còn góp phần xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam và
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Mặt trận Tổ quốc
đã thường xuyên tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân để kiến nghị với Quốc
hội với nhiều chủ trương và biện pháp thực tiễn đúng đắn. Mặt trận đã tích cực
thực hiện nhiệm vụ hiệp thương để đề cử ứng cử viên vào các cơ quan dân cử.
Đoàn kết dân tộc được củng cố. Tự do tín ngưỡng được đảm bảo. Các tôn giáo với
tâm niệm “tốt đời, đẹp đạo” đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sự đoàn kết rộng rãi của toàn dân, Mặt trận đã
củng cố sự đoàn kết gắn bó giữa Mặt trận với Nhà nước và chính quyền các cấp,
làm cho uy tín Mặt trận càng được nâng cao. Đời sống các tầng lớp nhân dân, các
vùng dân tộc ít người, vùng đồng bào tôn giáo được cải thiện.
Nhờ đường lối
đúng đắn và sự hy sinh chiến đấu không tiếc xương máu trong những thập kỷ vừa
qua, Đảng đã được nhân dân ủy thác trách nhiệm cầm quyền. Hiến pháp năm 1992 đã
ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt
Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động
và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Với trách nhiệm
cao cả ấy, Đảng đã tự nguyện và chân thành xác định rằng: Đảng vừa là người
lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Cách mạng nước
ta, kể từ sau chiến thắng vĩ đại năm 1975, đã bước vào một giai đoạn mới: giai
đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Chỉ có xây dựng
chủ nghĩa xã hội thì mới củng cố vững chắc sự nghiệp độc lập dân tộc, mới đưa
Tổ quốc ta thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu mà không đi vào con đường chủ nghĩa tư
bản, mới tiếp tục giải phóng cho công nông và nhân dân lao động từng bước thoát
khỏi áp bức bóc lột, mới bồi dưỡng và phát huy được tài năng đội ngũ trí thức,
để nước ta sánh vai cùng nhân loại tiến bước với thời đại mới. Sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp
dân tộc cao quý, phải nhiệt tình phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua nhiều
thử thách. Sự nghiệp mới đó đòi hỏi “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”
cao hơn và vững chắc hơn.
Nhưng muốn có
đoàn kết thì phải bảo đảm sự đồng thuận cả trong nội bộ Đảng và cả trong các
tầng lớp nhân dân. Muốn đồng thuận thì phải thực hành dân chủ. Chúng ta có “quy
chế dân chủ” nhưng điều kiện cụ thể để thực hiện quy chế đó chưa rõ ràng, có
nơi, có lúc còn hình thức (điều này không chỉ trong dân mà cả trong Đảng). Quy
chế dân chủ ở cơ sở quy định “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là rất
hay. Nhưng Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp đó có cơ chế nào để công
khai cho dân biết, dân bàn? Khi đã không có điều kiện để biết, để bàn thì làm
sao có thể kiểm tra và kiểm tra cái gì? Bởi vậy mà nhiều nơi, hỏi về quy chế
dân chủ, dân nói: Trong 4 quy chế đó chúng tôi chỉ được thực hiện một điều là
“dân làm”. Chúng ta nói chính quyền của ta là “của dân, do dân và vì dân”. Rõ
ràng chính quyền của ta là do dân bầu trong các cuộc phổ thông đầu phiếu. Nhưng
có người vừa được dân bầu ra đó vì lợi ích riêng, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm
mà làm những việc đi ngược lại quyền lợi của dân. Họ được dân bầu lên nhưng khi
đã có quyền lực rồi thì lại xa dân, thậm chí đứng ngoài dân, đứng trên dân,
hách dịch, ức hiếp nhân dân.
Những năm gần
đây có tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp… đó là một sự báo
động về tình hình mất dân chủ, nhất là ở cấp cơ sở. Chúng ta có hệ thống kiểm
tra, thanh tra nhũng nhiễu, tham nhũng, ức hiếp dân nhưng tình trạng này không
giảm vì quan liêu. Một ví dụ: Đoàn kiểm tra đi kiểm tra ở một xã, một cơ sở có
dấu hiệu tiêu cực thì chỉ làm việc và nghe cán bộ báo cáo. Nhiều lắm thì cũng
chỉ nghe một số đại biểu nhân dân. Có nơi những đại biểu đó đã được lựa chọn
trước. Kết quả là đoàn kiểm tra chỉ nghe được ý kiến một chiều và kết luận
“Không có vấn đề gì, tố cáo sai”.
Hay những cuộc
tiếp xúc cử tri trước các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo kiểu
cách mà dân nói đùa là “dân chủ đại diện”. Thực chất những người được đến dự
các cuộc tiếp xúc đó đã được lựa chọn trước, thậm chí “duyệt” trước những ý
kiến phát biểu. Hình thức này thậm chí cũng được áp dụng khi địa phương đón
những đoàn cấp cao xuống nắm tình hình cơ sở. Kết quả là tỉnh, huyện và cả
Trung ương luôn được nghe ý kiến một chiều, tâm tư, nguyện vọng thật của người
dân chân chính khó đến được với cấp trên. Bởi vậy, không ít địa phương mỗi lần
tổ chức tiếp xúc cử tri, dân rất thờ ơ, hỏi ra thì họ nói: “Đã có mấy cử tri
“chuyên nghiệp” rồi, chúng tôi không được nói”. Hậu quả của tình trạng quan
liêu là nguyện vọng dân một đường, chính quyền làm một nẻo. Chính quyền của
dân, cán bộ là người đầy tớ của dân nhưng trở thành những ông chủ hách dịch,
cửa quyền.
Nói chăm lo đời
sống cho dân tức là trước hết chăm lo đời sống của nông dân, công nhân, của
đồng bào vùng dân tộc ít người. Nhưng lại chưa thấu hiểu cuộc sống thật của
người dân. Thu nhập của người nông dân sau hai vụ sản xuất (chưa kể thiên tai)
đó đủ sống chưa? Trong khi giá vật tư, phân bón ngày một lên cao. Vì sao ở vựa
lúa đồng bằng sông Cửu Long dân vẫn còn bán lúa non, còn bán đất để trở thành
người làm thuê. Công nhân ở các khu công nghiệp có nơi lương chỉ có hơn một
triệu đồng một tháng, với đồng lương đó nuôi bản thân mình cũng chưa đủ thì lấy
gì cho con cái, gia đình.
Thành quả sự
nghiệp đổi mới của đất nước không ai phủ nhận. Nhưng phải nói, người lao động,
kể cả nông dân, công nhân và đồng bào dân tộc ít người được hưởng thành quả đó
là chưa nhiều. Xây dựng nông thôn mới là xây dựng nông thôn quá độ lên chủ
nghĩa xã hội. Vì sao việc đầu tư xây dựng nông thôn quá độ lên chủ nghĩa xã hội
về lực lượng sản xuất và về quan hệ sản xuất không được chỉ đạo sít sao, nói
nhiều mà làm ít? Đó là mấy câu hỏi về dân chủ, công bằng mà các cấp ủy Đảng,
Chính phủ và Mặt trận phải trả lời.
Chúng ta đã hoàn
thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mấy chục năm, dân ta đã đổ nhiều xương
máu cho thắng lợi huy hoàng của đất nước. Vậy hiện nay chúng ta đối xử với
những người có công trong thắng lợi huy hoàng đó như thế nào? Vì sao còn để
những bà mẹ có công với nước bị mất đất, chiếm nhà một cách vô lý? Vì sao một
việc làm sai chính sách ưu đãi với người có công ở một huyện trong khi tỉnh
không đồng ý, Tòa án tối cao không đồng ý mà huyện vẫn “phán”. Mọi cấp chính
quyền phải tôn trọng luật pháp. Ở đây còn là sự vô cảm của một số cán bộ lãnh
đạo Đảng và chính quyền các cấp đối với nhân dân, những người tạo nên sức mạnh
làm nên thắng lợi của cách mạng.
Bệnh quan liêu,
xa dân, hách dịch, cửa quyền đó là tồi tệ thì bệnh vô cảm trước những đau khổ,
oan ức của nhân dân càng tồi tệ hơn bởi đó là tình cảm, là đạo đức của người
cộng sản, những người yêu nước thương nòi. Ngay chức năng phản biện xã hội của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cũng vậy. Chủ trương thì rất đúng, rất cần. Nhưng quy chế phản biện như thế
nào? Làm thế nào để những ý kiến phản biện đúng đắn, được tổng hợp chính xác
đến được với Đảng bộ, chính quyền các cấp, đến được với Trung ương Đảng và
Chính phủ.
Chúng ta đang
xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”. Dân giàu, trước hết là đời sống công nhân và nông dân phải
được nâng cao, nhân dân vùng dân tộc ít người phải thực sự từng bước tiến kịp
miền xuôi, là phải có kế hoạch chiến lược để bảo vệ các vùng thường xuyên bị lũ
lụt và biến đổi khí hậu tàn phá. Dân giàu, trước hết là công nông và trí thức
phải từng bước giàu có thì nước mới mạnh.
Đất nước ta đang
phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong quá
trình phát triển, một bộ phận nhân dân, nhất là vùng cao, vùng các tộc thiểu
số, vùng đồng bào có đạo còn nghèo. Trách nhiệm của Đảng và Chính phủ là phải
có những chính sách cụ thể để giảm dần độ chênh mức sống giữa các vùng, miền
trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa vẫn dặn lại trong di chúc:
Sau ngày toàn thắng thực hiện miễn thuế nông nghiệp cho nông dân. Đó là tinh
thần vì dân, bồi dưỡng sức dân. Trong lúc chúng ta huy động sức dân cũng cần có
những chính sách cụ thể để bồi dưỡng sức dân.
Theo tôi, bồi
dưỡng sức dân không chỉ các đợt cứu trợ sau thiên tai. Điều đó là tốt và rất
cần thiết và vừa qua chúng ta đó làm tốt. Nhưng để giải quyết cơ bản và lâu dài
thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần khảo sát, điều tra, lắng nghe ý kiến của dân
để kiến nghị với Nhà nước có những bước đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý giúp dân
cùng nhau hợp tác làm ăn để kinh tế các vùng (nhất là các vùng thường bị thiên
tai, vùng sâu, vùng dân tộc, tôn giáo) có bước phát triển đồng đều, có điều
kiện “sống chung với thiên tai”.
Mặt trận là
người đứng ra hiệp thương, giới thiệu danh sách các ứng cử viên vào các cơ quan
dân cử. Vì vậy, Mặt trận cũng có trách nhiệm và quyền hạn đặt vấn đề về việc
bàn bạc, hiệp thương, về việc bãi nhiệm những người được dân bầu ra nhưng không
hoàn thành nhiệm vụ hoặc đi ngược lại quyền lợi của nhân dân để các cơ quan lập
pháp và tư pháp xem xét.
Vai trò của Mặt
trận, tổ chức được dân coi là “cầu nối giữa Đảng với dân” không chỉ có ở các
cuộc hiệp thương, bầu cử HĐND và Quốc hội. Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách
là một thành viên của Mặt trận đồng thời là người lãnh đạo Mặt trận phải tôn
trọng Mặt trận, cùng với hệ thống Đảng và thông qua Mặt trận để nắm được lòng
dân. Nhưng khi xem xét, lắng nghe những ý kiến này từ Mặt trận có nơi vẫn còn
hình thức, nghe chiếu lệ, tiếp thu chiếu lệ và quan trọng, là không được tiếp
thu, sửa chữa một cách nghiêm túc với tinh thần “thực sự cầu thị”. Về phía Mặt
trận thì cũng thiếu bám sát những ý kiến của dân mà mình đã tập hợp để xem
Đảng, chính quyền đã tiếp thu như thế nào để kiến nghị tiếp những giải pháp bổ
sung vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong tình hình
mới, đất nước càng phát triển, càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới thì những
vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển càng phức tạp. Đất nước cần những
người có đức, có tài, có tâm để đáp ứng với tình hình mới. Với một Đảng cầm
quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam
thì đó là những người đó được tiến cử vào cương vị lãnh đạo chủ chốt các cấp từ
Trung ương đến cơ sở. Vai trò của Mặt trận lúc này càng nặng nề. Phải dám nói
thẳng, nói thật, nói hết ý của dân, là một kênh giúp Trung ương đánh giá, lựa
chọn cán bộ. Mặt trận cũng cần có tiếng nói thực sự, tiếng nói độc lập trong
công tác nhân sự của Đảng và chính quyền các cấp. Khi dân có ý kiến đối với
những cán bộ tham ô, tham nhũng, cửa quyền, không kiên định về chính trị… thì
Mặt trận cũng sớm xác minh theo kênh của mình để phản ánh sớm với Trung ương.
Đó chính là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, người đại diện cho nguyện vọng của
các tầng lớp nhân dân trong tình hình mới.
Kỷ niệm 80 năm
ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là lúc chúng ta ôn lại những
chặng đường vẻ vang, sự cống hiến to lớn của tổ chức Mặt trận qua các thời kỳ
đó làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc. Chúng ta đinh ninh lời dạy và
quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện bằng được mong muốn của Bác Hồ
kính yêu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành
công”.
Lê Khả Phiêu
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam