|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023.
|
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng dự có: lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ; đại diện Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị và các cơ quan hữu quan.
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, quán triệt một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và định hướng công tác đối ngoại của Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà khẳng định, công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đã được triển khai toàn diện, thể hiện được hình ảnh một Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động; đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chương trình hoạt động đối ngoại hằng năm của Quốc hội đã được xây dựng với tinh thần chủ động, kế thừa kết quả hoạt động đối ngoại song phương cũng như phát huy hiệu quả sự tham gia của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương.
Trong hai năm đầu nhiệm kỳ, bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta vẫn diễn ra sôi động theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “ngoại giao Việt Nam hiện đại, thời đại Hồ Chí Minh, hun đúc từ truyền thống, bản sắc và văn hóa dân tộc”, “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.
"Công tác đối ngoại của Quốc hội đã phát huy hiệu quả lợi thế và đặc thù vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân, ngày càng khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của đất nước". Khẳng định điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, những thành tựu đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo dấu ấn đậm nét và bước đà quan trọng cho công tác đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ.
Với sự chỉ đạo sâu sát và trực tiếp tham gia của Lãnh đạo Quốc hội, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, công tác ngoại giao vắc-xin, ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đã được triển khai tích cực, lồng ghép trong các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương, đặc biệt là trong các chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội, nhất là tới Áo, Bỉ, Liên minh châu Âu, Phần Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ... đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp đáng kể cho công cuộc phòng, chống dịch trong nước, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023.
|
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở trong nước và trên thế giới, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã được triển khai tích cực, toàn diện góp phần thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước Đông Nam Á và các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, góp phần đắc lực vào mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, trọng tâm nổi bật trong hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội là các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới các nước đối tác đặc biệt, đối tác quan trọng của ta như Lào, Căm-pu-chia, Phi-li-pin, Hung-ga-ry, Anh, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân; các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước Lào, Căm-pu-chia, Ấn Độ, Mô-dăm-bích, Xin-ga-po, Pháp. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì nhiều cuộc hội đàm trực tuyến và các hoạt động đối ngoại quan trọng với Lãnh đạo Nghị viện các nước Trung Quốc, Cu-ba, Mê-xi-cô...
Đặc biệt, năm 2022, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nước ta đã chủ trì một loạt các hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và Năm Hữu nghị Việt Nam - Căm-pu-chia nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào; kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Căm-pu-chia. Các hoạt động được tổ chức góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước, đối với việc gìn giữ, vun đắp và không ngừng củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Căm-pu-chia.
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần phục vụ công tác lập pháp và thể chế hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam; đồng thời được triển khai đa dạng qua nhiều hình thức như Nhóm nghị sĩ hữu nghị, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, với nội dung trao đổi bao quát trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học - công nghệ, văn hóa - giáo dục, giao lưu nhân dân...
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng góp phần tích cực đẩy mạnh triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước; thúc đẩy và giám sát triển khai công tác biên giới lãnh thổ; thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); góp phần quan trọng vào nhiệm vụ gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, hoạt động ngoại giao nghị viện song phương đã góp phần mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, đồng thời đóng góp tích cực vào thúc đẩy vai trò của cơ quan lập pháp trong việc xây dựng, đề cao luật pháp quốc tế, củng cố hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương được triển khai hiệu quả, góp phần giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, khẳng định Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và khu vực qua việc tham gia chủ động, tích cực vào các diễn đàn liên nghị viện mà Quốc hội Việt Nam là thành viên.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội cũng tập trung thảo luận, đánh giá hiệu quả của công tác ngoại giao nghị viện và các đề xuất các nội dung cụ thể để hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Nguồn: daibieunhandan.vn