Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ tư, ngày 5-11-2012, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô. Các ý kiến của các đại biểu tại Quốc hội tập trung vào một số nội dung sau:
Cần thiết ban hành Luật Thủ đô. Nhiều đại biểu nhận xét dự Luật đã được chuẩn bị công phu, việc ban hành là cần thiết. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Huỳnh Thành Lập (TP. Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác... cho rằng, việc ban hành Luật Thủ đô là cần thiết và nên được thông qua ngay tại kỳ họp này. Tán thành với sự cần thiết ban hành dự luật, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá, Ban soạn thảo đã tâm huyết, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật và đề nghị dự Luật nên được cụ thể hóa nhiều hơn nữa. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng ủng hộ việc cần thiết ban hành Luật Thủ đô và có quy định cụ thể. Theo đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), từ khi thành lập nước đến nay, Thủ đô luôn là đầu não chính trị của cả nước, là trung tâm lớn về văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật… của cả nước. Pháp lệnh Thủ đô đến nay đã không còn phù hợp và một số điều không còn đủ tính pháp lý so với các bộ luật khác mới được ban hành, do đó, việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật là cần thiết cho phù hợp với tình hình mới. Là một đại biểu của Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Đức Chung đã gửi tới Quốc hội tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri Thủ đô là mong muốn Luật Thủ đô được thông qua…
Cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô. Nhiều đại biểu tán thành với việc Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô, song các đại biểu mong muốn dự Luật nên làm rõ, nổi bật hơn các vấn đề gây bức xúc không chỉ với riêng Hà Nội, mà với cả nước. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng một số quy định vẫn còn mang bóng dáng “nghị quyết”, nên được cụ thể hóa nhiều hơn nữa, làm rõ tính đặc thù của Thủ đô. Đặc biệt, về việc di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, cần quy định rõ số lượng đơn vị phải di dời, thời gian, thời hạn di dời. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) tán thành với việc cho phép HĐND TP. Hà Nội được ban hành các biện pháp để quản lý đất đai, nhưng luật cần cụ thể hóa luôn các biện pháp của HĐND. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, do Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia nên Luật cần quy định trung tâm này phải được quản lý, xây dựng như thế nào cho rõ ràng, riêng biệt, cụ thể. Đại biểu Nam hoàn toàn đồng tình với việc cho Thủ đô những cơ chế đặc thù bởi những yêu cầu riêng này là rất cần thiết cho Thủ đô. Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho biết, những quy định trong dự luật là rất cần thiết để đảm bảo cho Thủ đô Hà Nội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với vị trí là trung tâm hành chính chính trị của cả nước. Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, không nên tập trung dân quá đông ở nội thành. Theo đại biểu, Hà Nội cần di dời các trường học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành; giữ nguyên các công viên, hồ nước hiện có, đồng thời xây dựng thêm để tạo hành lang cây xanh cho Hà Nội. Theo đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) với những đặc thù riêng, Thủ đô cần có luật riêng vì Thủ đô là của cả nước…
|
Đại biểu đề nghị cần cụ thể hoá cơ chế đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô |
Cụ thể hoá các biện pháp để giải quyết những vấn đề bức xúc. Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng vấn đề quản lý dân cư, qua 5 năm thực hiện Luật cư trú, dân số nội thành đã tăng lên rất nhanh, gây sức ép lớn về quản lý đô thị, vì vậy, cần có chế tài hạn chế di cư tự do, ồ ạt, từ đó nâng cao chất lượng người dân Thủ đô. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng vì Thủ đô là “đầu não” của cả nước, nên cần được ưu tiên, nhưng Thủ đô đồng thời cũng là “đầu tàu”, nên cũng phải có trách nhiệm tạo động lực phát triển cho cả nước. Chung mối quan tâm về các quy định quản lý nhập khẩu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc quy định điều kiện nhập cư vào nội đô theo huyết thống sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn so với những người có nhu cầu nhập cư thực sự, tiêu cực có thể tăng lên. Đại biểu đề xuất: “Tôi đồng ý có rào cản kỹ thuật trong điều tiết, nhưng không nên dựa nhiều vào huyết thống, có thể bằng quy định về chỗ ở cố định, đồng thời đẩy mạnh việc phân khu chức năng để hạn chế nhập cư nội đô và theo đó, những ai muốn ở nội đô thì không được ưu đãi so với ở các khu vệ tinh, từ đó bớt sức ép với nhập cư nội đô”. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh việc các cơ quan của Chính phủ phải sớm xây dựng luật đô thị, trong đó chú trọng tới nội dung về chính quyền đô thị, để đảm bảo nền tảng vững chắc cho Luật Thủ đô. Đại biểu Dương Trung Quốc quan tâm về quản lý dân cư, nhất trí bên cạnh các chế tài để đảm bảo phát triển lõi nội đô, cần có những giải pháp, chính sách kích thích sự cư trú ra những không gian rộng lớn còn lại của Hà Nội.
Bên cạnh ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng ủng hộ việc lựa chọn biểu tượng của Thủ đô là Khuê Văn Các. Các ý kiến đều cho rằng, Khuê Văn Các được xây dựng trong một quần thể kiến trúc lâu đời, thể hiện tầng văn hóa rất cao của người Hà Nội và Việt Nam nên xứng đáng là biểu tượng của Thủ đô. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng Thủ đô chú trọng tới bảo tồn nền văn hóa Xứ Đoài ngoài văn hóa Thăng Long xưa... Có đại biểu lưu ý đến những giá trị văn hóa phi vật thể của Thủ đô, đặc biệt là sau khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây và đề nghị bổ sung những quy định nhằm bảo vệ và phát triển bản sắc làng nghề ở Hà Nội, khai thác, phát huy triệt để những giá trị của sông Hồng - dòng sông Mẹ…
Thu Thuỷ