Trong ngày 1, 2-11-2012, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm… Các ý kiến phát biểu của đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong thời gian tới.
Tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện sớm các loại tội phạm. Hầu hết các ý kiến phát biểu đánh giá cao nỗ lực của các ngành chức năng trong việc phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm thời gian qua, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nêu những bất cập, yếu kém hiện nay trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý các loại tội phạm. Đại biểu Ðặng Công Lý (Bình Ðịnh), Phạm Trường Dân (Quảng Nam), Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, mặc dù các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều loại tội phạm mới, những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng không có dấu hiệu giảm. Việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế và lúng túng, phần lớn những vụ việc chỉ bị phát hiện, xử lý khi đã gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều đại biểu đề nghị, các ngành chức năng cần tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện sớm các loại tội phạm; mở các chiến dịch cao điểm tiến công, trấn áp tất cả các loại tội phạm, góp phần tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân.
|
Đại biểu nhấn mạnh: Cần tăng cường giáo dục pháp luật trong các nhà trường, các cấp... |
Phát huy vai trò của cấp uỷ đảng, chính quyền và cơ quan, ban, ngành trong đấu tranh chống tội phạm. Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) khẳng định Đảng và Chính phủ có nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo một cách quyết liệt và rất cụ thể, nhưng chúng ta chỉ dừng lại ở khâu quán triệt còn việc tổ chức triển khai thực hiện cụ thể ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương là không đồng bộ. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cần cương quyết hơn trong việc chỉ đạo các ngành và địa phương khẩn trương rà soát, tập trung lực lượng truy bắt những đối tượng tội phạm. Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) quan tâm triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân vào công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, xây dựng các cụm liên kết an toàn về an ninh trật tự. Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền, nhằm hạn chế nguyên nhân phát sinh tội phạm. Theo đại biểu Nguyễn Minh Kha (TP. Cần Thơ) phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống tội phạm có sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết các vụ khiếu kiện, chủ yếu là khiếu kiện đất đai như bồi hoàn giải tỏa, tái định cư v.v... Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị cần tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp của Trung ương để làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương tháo gỡ những vướng mắc khó khăn khi vận dụng giải quyết các vụ án. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) đề nghị trong thời gian tới Quốc hội, Chính phủ cần tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật ở các cấp, các ngành, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị bổ sung hoàn chỉnh cơ chế phối hợp giữa các lực lượng biên phòng, công an, các lực lượng khác trong phòng, chống vi phạm và chấp hành pháp luật trong khu vực biên giới; quyết tâm chỉ đạo quyết liệt của tất cả các cấp ngành vào cuộc; cần phải có cơ chế kiểm soát việc ra quyết định hành chính của các cơ quan.
Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của chúng ta hiện nay. Tình hình tội phạm gia tăng có liên quan trực tiếp đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật, công tác này hiện nay còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần phải được phân tích, đánh giá. Theo đại biểu, hiện nay nhiều nhà trường chú trọng quá mức đến việc dạy chữ mà ít quan tâm đến việc dạy người. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng giảng dạy các môn khoa học, xã hội trong đó có môn giáo dục công dân ở bậc phổ thông. Nên môn pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh. Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đề nghị tạo mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và các cơ quan chức năng khác trong việc quản lý, giáo dục các em và phòng, chống vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cần có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn, bài trừ văn hóa phẩm độc hại, quản lý chặt chẽ trò chơi bạo lực trên mạng internet để góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh trong việc giáo dục người chưa thành niên. Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư, chỉ đạo thường xuyên hơn nữa để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm. Cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phát động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, cần chú trọng các địa bàn trọng điểm. Đại biểu Đặng Minh Châu (Thích Bảo Nghiêm) - TP. Hà Nội cần tăng cường giáo dục pháp luật trong các nhà trường, các cấp mà không chỉ là cấp giáo dục đại học. Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong thế hệ trẻ, nâng cao năng lực chuyên môn, trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên chức các cấp, đề cao vai trò giáo dục con cái trong nhà trường.
|
Đại biểu đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp phòng chống tội phạm |
Quan tâm thoả đáng đến đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra. Theo Báo cáo của Chính phủ, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều có chung một nhận định là hiện nay các cơ quan tư pháp đều thiếu cán bộ, thiếu cán bộ điều tra viên của ngành công an, thiếu cán bộ kiểm soát viên của ngành kiểm soát, thiếu cán bộ thẩm phán của ngành Tòa án. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị cần quan tâm đến lực lượng trực tiếp làm công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo đại biểu cần có sự quan tâm thỏa đáng đến công tác cán bộ, bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Phải chăng chúng ta cần có sự định hướng, điều chỉnh ngành nghề đào tạo, phương thức đào tạo và có chế độ chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học Luật vào làm việc tại các cơ quan tư pháp, nếu không các cơ quan tư pháp sẽ không khắc phục được thực trạng thiếu cán bộ như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh: Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính phủ phải có chế tài xem xét trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, nếu để tội phạm gia tăng như công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đề nghị ngoài việc thường xuyên đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan tư pháp, cần phải chú trọng đào tạo nâng cao chuyên sâu từ đó mới có cán bộ giỏi, có các chuyên gia trong các lĩnh vực của các cơ quan tư pháp. Muốn làm tốt công tác này, Quốc hội cần quan tâm hơn đến kinh phí đào tạo, cơ chế thu hút tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ sức, đủ tài vào làm việc trong các cơ quan tư pháp. Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) cần quan tâm hơn nữa trong việc kiện toàn tổ chức biên chế nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm vi phạm, cơ quan thứ nhất phải quan tâm đó là cơ quan thanh tra các cấp. Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị cần khẩn trương tổ chức tuyển dụng đủ biên chế cán bộ được Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phê duyệt cho ngành tòa án để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án các loại và chấm dứt khắc phục triệt để các tình trạng để quá hạn, các vụ án xét xử theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu cần tiếp tục duy trì và tập trung làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ công chức của ngành tòa án. Đồng thời chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức bản lĩnh nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thẩm phán và công chức, cần xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về hình sự trong ngành…
Thuỷ Anh