Cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống tham nhũng
Đại biểu phát biểu tại Hội trường.

Cần phân tích, chỉ rõ nguyên nhân tham nhũng. Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng tham nhũng là một lực cản lớn hay nói là kẻ thù đối với quá trình phát triển của đất nước. Theo đại biểu chúng ta đã cố gắng trong việc thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng và bước đầu đã đạt được kết quả, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Theo đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) qua nghiên cứu báo cáo và từ thực tiễn nhận thấy chúng ta vẫn chưa phát hiện hết vụ tham nhũng. Báo cáo chưa phân tích là tham nhũng ở lĩnh vực nào? Do vậy, cần phải chỉ ra tham nhũng ở lĩnh vực nào? Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị trong báo cáo của Chính phủ và các ngành, các khối nội chính cần phân tích kỹ nguyên nhân. Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế) tham nhũng cũng đã thách thức Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nguy hiểm hơn tham nhũng còn thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân. Để đấu tranh trực diện với tội phạm về tham nhũng đề nghị Quốc hội nhân đây bàn kỹ hơn về cuộc chiến này và phương án tác chiến hiệu quả hơn, vỏ quýt dày thì móng tay phải nhọn. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện còn chưa tương xứng việc phát hiện và kiến nghị xử lý hình sự về tham nhũng qua thanh tra kiểm toán còn ít. Đại biểu đề nghị Chính phủ các cơ quan tư pháp cần làm rõ nguyên nhân yếu kém, trách nhiệm yếu kém, sai sót nêu trên có tiêu cực không, có lợi ích nhóm không, có độc lập trong điều tra khởi tố, xét xử không?

 

Phát biểu về vấn đề    phòng, chống tham nhũng


Cần có cơ chế kiểm soát tham nhũng. Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị cần phải có cơ chế kiểm soát việc ra quyết định hành chính của các cơ quan. Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị phải mở rộng kê khai tài sản những đối tượng có chức, có quyền, có vị thế trong xã hội, nhưng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đảm bảo tính minh bạch, công khai và bản thân mỗi người phải nói không với tham nhũng. Đồng thời phải biết vận dụng sức mạnh toàn dân vào cuộc cùng giám sát, phòng ngừa, phát hiện đẩy lùi tham nhũng “dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó ngàn lần dân liệu cũng xong”. Nếu thấy cần thiết cho mỗi vụ việc cụ thể, Quốc hội có thể thành lập Ủy ban đặc biệt lâm thời đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là khi cần điều tra và củng cố chứng cứ phục vụ cho việc bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) công tác chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn trở ngại… Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật ở các cấp, các ngành, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ; xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật của các cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; sớm triển khai quản lý thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn thông qua hình thức thanh toán qua thẻ, qua đó góp phần tích cực trong phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kê khai thu nhập, tài sản của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương theo quy định, cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nội dung này để tránh việc thực hiện mang tính hình thức làm qua loa chiếu lệ như đã nêu ở trên. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) đề nghị phải phát huy vai trò của Quốc hội, Quốc hội phải có cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế) khẳng định muốn thắng được tham nhũng đã đến lúc phải thay đổi cách đánh và cả người đánh. Về cách đánh, đánh tham nhũng phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống, cấp trung ương sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, cấp tỉnh đánh xuống cấp huyện, huyện thì đánh xuống xã. Để thực hiện cách đánh này phải tổ chức lại lực lượng chủ công. Đại biểu ủng hộ ý kiến cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng. Đây sẽ là một loại cơ quan độc lập do Quốc hội lập ra giống như cơ quan kiểm toán nhà nước, báo cáo công tác trước Quốc hội. Cơ quan chống tham nhũng do Quốc hội lập ra có quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước, người có chức vụ quyền hạn phối hợp giải trình cung cấp thông tin và yêu cầu của họ buộc phải được thi hành, cơ quan này có thể lập văn phòng đặt tại các địa phương, thậm chí ở những cơ quan, tổ chức có nguy cơ tham nhũng cao và kinh phí hoạt động của cơ quan này là một khoản độc lập từ nguồn ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định. Khi Quốc hội đã nhất trí thành lập cơ quan đặc trách chống tham nhũng như trên thì vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức này sẽ được quy định rõ ràng, thích hợp trong Luật phòng, chống tham nhũng…

Nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, đời sống cho đội ngũ cán bộ trong phòng, chống tham nhũng. Nhiều đại biểu thống nhất quan điểm, vai trò của cán bộ trong phòng, chống tham nhũng rất quan trọng. Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cần phải bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng, chống tham nhũng chuyên sâu hơn, chuyên trách hơn. Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng trong quá trình đấu tranh của lực lượng công an, khi phát hiện có vụ tham nhũng thường bị tác động từ các cấp lãnh đạo cũng như chỉ huy, làm cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác này khó xử lý trong quá trình điều tra. Đại biểu đề nghị cần lưu ý, làm rõ vấn đề này trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan cần làm tốt hơn nữa công tác lấy xây để chống, nêu gương, khen thưởng kịp thời những người có tấm lòng nhân ái, hành động dũng cảm, cống hiến, hy sinh vì cộng đồng, vì bình yên của xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cơ quan, các đơn vị, đặc biệt nêu cao vai trò của lãnh đạo theo tinh thần Quyết định số 101 ngày 07-06-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) phản ảnh đến Quốc hội một nhận định của đông đảo cử tri, một mong mỏi của cán bộ đảng viên muốn chống giặc tham nhũng phải có đội quân nòng cốt lãnh đạo chỉ đạo của Đảng. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về việc bố trí phân công, bổ nhiệm cán bộ cũng phải được thực sự minh bạch, phải công tâm và có trách nhiệm phải rõ ràng, bố trí đúng người, đúng việc để tránh tình trạng giảm việc trong thực hiện chạy chức. Chú trọng cải cách thực chất về tiền lương, bảo đảm để người có chức vụ, quyền hạn có mức thu nhập khá hơn trong xã hội thực hiện chính sách tiền lương. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đào tạo cán bộ, trang thiết bị phải ngang tầm với nhiệm vụ được giao.

 

Đại biểu tham gia về những giải pháp phòng, chống tham nhũng

 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt hơn các giải pháp phòng, chống tham nhũng mà Chính phủ đã đề ra trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm, động viên nhân dân tích cực phát hiện tố giác hành vi tham nhũng, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác minh xử lý đối với các vụ việc tham nhũng xảy ra, cần chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, không để kéo dài mất lòng tin trong nhân dân. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị phải có một lực lượng điều tra chuyên trách về chống tham nhũng độc lập cả với công an. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện còn chưa tương xứng việc phát hiện và kiến nghị xử lý hình sự về tham nhũng qua thanh tra kiểm toán còn ít. Đại biểu đề xuất, bổ sung cung cấp giải pháp như xây dựng pháp luật phải kịp thời, sát thực tế, không chờ nghị định, thông tư, giảm thủ tục hành chính, tạo kẽ hở hành dân. Có pháp luật phải được triển khai rộng rãi, kịp thời, đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực, vùng miền, công khai, minh bạch. Xử lý pháp luật phải nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có vùng cấm, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tạo điều kiện bảo vệ, giảm tội người tự nguyện khai báo, tố giác tội tham nhũng trong việc đưa và nhận hối lộ. Cuối cùng là bốn việc phải chống: chống bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, bao biện, trù dập. Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị cần xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật rõ ràng, rành mạch, đầy đủ các cơ chế để kiểm soát việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, tổ chức và các chế tài xử lý thật mạnh, thật nghiêm minh thì cơ hội để thực hiện các hành vi tham nhũng sẽ bị giảm thiểu. Theo đại biểu Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh) ngoài việc sửa đổi luật cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để thực hiện công tác này có hiệu quả, từng bước đảm bảo cuộc sống cho công chức, xây dựng niềm tin để huy động người dân tham gia chống tham nhũng. Ngay kỳ họp này nên chăng có thông điệp với cử tri và nhân dân cả nước về việc Quốc hội và thành viên Chính phủ sẽ tuyên hứa trước đồng bào quyết liệt đẩy lùi, chống tham nhũng hiệu quả.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất