Hai lần xuất ngoại du học
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trường trung học Chasseloup Laubat tại Sài Gòn, Trần Văn Giàu sang Pháp du học tại Đại học Toulouse với quyết tâm sẽ đậu hai bằng tiến sĩ rồi về nước viết báo và mở văn phòng luật sư. Tại Toulouse, dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và bắt đầu bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Cũng tại đây đồng chí được đọc cuốn sách "Bản án chế độ thực dân Pháp" của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu "làm chính trị" khi tròn 18 tuổi.
Khi khởi nghĩa Yên Bái (1930) thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp trong biền máu, người đảng viên cộng sản Trần Văn Giàu được cử thay mặt học sinh, thanh niên và những người lao động ở Toulouse lên Paris tham gia biểu tình phản đối và bị Pháp bắt giam. Sau đó, đồng chí cùng 18 người bạn của mình bị trục xuất về nước (tháng 6-1930). Cuối năm đó, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Giữa năm 1931, đồng chí được cử sang Mátxcơva học Trường Đại học Đông Phương. Tại đây đồng chí được học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin... Cùng học với đồng chí có những người sau này trở thành các lãnh tụ của Đảng như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập...
Nhà cách mạng, ba lần làm thầy giáo
Năm 1933, đồng chí bí mật trở về nước và hoạt động cách mạng với nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo cán bộ cho Đảng. Đồng chí bị địch bắt giam 7 năm tù ở Khám Lớn Côn Đảo, Tà Lài. Tại các trại giam này đồng chí bị giam cùng với những lãnh tụ và cán bộ của Đảng như Tôn Đức Thắng, Hà Huy Tập, Tô Ký, Dương Quang Đông,.. Trong tù, cùng với các đồng chí của mình, đồng chí giảng bài và biên soạn tài liệu để phổ biến, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, về Đảng cộng sản... đồng chí trở thành "Thầy giáo đỏ" như cách gọi hồi đó và đây là một nét đặc sắc trong nghề dạy học của đồng chí
Tên tuổi Trần Văn Giàu đã gắn chặt với cuộc Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam. Năm 1943, đồng chí được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và sau đó làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Năm 1949, đồng chí ra chiến khu Việt Bắc giữ chức vụ Tổng Giám đốc Nha thông tin. Hai năm sau, năm 1951, đồng chí được cử vào vùng tự do Thanh Hoá xây dựng trường Dự bị Đại học. Đồng chí đã cùng với các trí thức lớn như Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy... đào tạo được một thế hệ học sinh dự bị Đại học mà giờ đây hầu hết đều đã trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo dục... Năm 1954, đồng chí là Bí thư Đảng uỷ trường Đại học Sư phạm, kiêm giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, đồng chí là bí thư đảng uỷ của trường kiêm chủ nhiệm sáng lập khoa Lịch sử. Cùng với các Giáo sư Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, đồng chí đã góp phần lớn công sức và trí tuệ của mình để đào tạo những thế hệ các nhà sử học mác-xít đầu tiên cho đất nước. Trong số đó có những người giờ đây đã trở thành những tên tuổi lớn của sử học Việt Nam như các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng...
Nhà khoa học lớn của đất nước
Là một trí thức lớn có nhiều hiểu biết uyên thâm trên các lĩnh vực của khoa học và đời sống, Giáo sư Trần Văn Giàu đã kết hợp hoạt động khoa học và cách mạng, trước hết là kết hợp giữa lý luận Mác - Lênin với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở Việt Nam và trên thế giới. Những công trình đồ sộ của Giáo sư Trần Văn Giàu chứa đựng một nội dung phong phú về trí tuệ của dân tộc và thời đại. Có thể kể tới một số công trình lớn (trong đó có một số công trình đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh) như:
Bộ sách về triết học gồm 3 quyển: "Biện chứng pháp”, "Vũ trụ quan”, “Duy vật lịch sử”.
"Chống xâm lăng" (3 tập).
"Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam" (4 tập).
"Lịch sử Việt Nam" (chủ biên, 8 tập).
"Miền Nam giữ vững thành đồng" (5 tập).
“Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám" (3 tập).
“Địa chỉ văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh" (chủ biên, 4 tập).
Khi đã bước vào tuổi 90, Giáo sư Trần Văn Giàu quyết định bán căn nhà của mình và hiến tặng số tiền trị giá 1.000 cây vàng (thời giá năm 2001) cho Hội khoa học Lịch sử Việt Nam dùng làm quỹ giải thưởng cho những công trình sử học nghiên cứu về Nam Bộ: Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có một giải thưởng mang tên một người khi người đó còn sống.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, giáo sư Trần Văn Giàu đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Giáo sư đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác…
Nguồn: TTXVN và Tạp chí Nghiên cứu con người