Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Các đại biểu thảo luận tại tổ (ảnh: TL)

Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) khẳng định 5 năm qua dù gặp nhiều biến động, tác động khó lường nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã phát triển và có vị thế ngày càng cao trên thế giới. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Tân vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là công tác xây dựng đảng. Hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên quá quan liêu, xa rời quần chúng, nhân dân; tăng cường kỷ luật kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định thành bại của Đảng ta lúc này. Nếu không chỉnh đốn, xây dựng Đảng thì lòng tin của nhân dân sẽ bị giảm sút. Các đại biểu Ngô Minh Hồng, Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) và nhiều đại biểu khác đều mong muốn và đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, Đảng phải không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết, cả đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế. Còn đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) cho rằng chấp hành Hiến pháp, pháp luật là chấp hành đường lối của Đảng. Lâu nay về mặt nhận thức chúng ta đang tách giữa Đảng và Hiến pháp, pháp luật. Không phải vậy! Linh hồn của pháp luật là đường lối của Đảng, chấp hành pháp luật chính là chấp hành đường lối của Đảng. Theo đại biểu Thuận, mọi vấn đề phải có sự lãnh đạo của Đảng, nhưng Đảng phải lãnh đạo thế nào. Đảng lãnh đạo thông qua Nhà nước, thông qua các đảng viên, tổ chức của mình. Nghị quyết của Đảng muốn đưa ra xã hội thực hiện trước hết phải được luật hoá và bằng pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề cập đến vấn đề cán bộ. Đại biểu Phùng Thanh Kiểm (Bí thư Tỉnh Lạng Sơn) cho rằng để có năng lực lãnh đạo và trí tuệ tốt ở các đồng chí cấp ủy địa phương, cần phải có kế hoạch đào tạo. Đồng chí chia sẻ, tôi làm Bí thư Tỉnh ủy, có ai dạy tôi làm thế nào cho tốt, làm tốt từng việc cụ thể như thế nào. Chúng tôi tự làm rồi rút kinh nghiệm cho việc làm sau. Cán bộ ở bộ phận khác cũng chưa được đào tạo đủ. Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa): Nêu chỉ tiêu về đào tạo nghề không quan trọng bằng vấn đề đào tạo nghề; xã hội, kinh tế cần thì không có và ra trường không làm đúng ngành, đúng nghề được đào tạo để phát huy năng lực, trình độ. Giáo dục, đào tạo phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Nếu chỉ coi giáo dục, đào tạo là quốc sách là không đủ, phải có khoa học - công nghệ song hành, là hai vấn đề không thể tách rời.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) trao đổi, hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Sự thật này Đảng ta cần nhìn rõ! Theo đại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) thì những tiêu cực tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành đã làm giảm lòng tin của nhân dân, song suy giảm ở mức độ nào, chúng ta phải mổ xẻ, xem cái gì làm được, chưa được. Đây chính là điều nhân dân yêu cầu.

Đại biểu Dương Anh Điền (Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng): Tôi quan tâm đến 3 khâu đột phá chiến lược, cần thêm đột phá về nguồn nhân lực và lãnh đạo quản lý. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo tốt thì nơi đó có nhân tài tụ về. Phải có kế hoạch phát triển vùng, có định hướng ưu tiên nơi nào phát triển trước, phát triển sau.

Xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội phù hợp.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng: Cần làm rõ mục tiêu, đặc điểm, nội dung, phương hướng của thời kỳ quá độ cụ thể như thế nào? Chúng ta đã đi đến đoạn nào của thời kỳ này, năm 2020 cơ bản là nước công nghiệp thì đến mức độ nào?. Đồng thời cần làm rõ những lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên, tạo ra sự đột phá, đón đầu như phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ...

Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu cũng đề nghị trong Dự thảo văn kiện cần làm rõ một số khái niệm cơ bản để bám sát thực tiễn khi triển khai thực hiện như “nền kinh tế thị trường có mâu thuẫn với nền kinh tế nhà nước là chủ đạo?”, “đảng viên làm chủ doanh nghiệp, sử dụng lao động có bị coi là bóc lột không"; “cụm từ “bóc lột” hiện nay được hiểu như thế nào”… Trăn trở trước các vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị, trong Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH cần nêu được các giải pháp mang tính chiến lược về xóa đói giảm nghèo bền vững cụ thể hơn nữa, không nêu chung chung, khi mà nền kinh tế nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

 Vấn đề thể chế kinh tế cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Với sự chuyên sâu của một chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cần đánh giá sâu sắc việc hoàn thiện thể chế kinh tế và mô hình chính quyền. Theo đại biểu Trần Du Lịch: Đảng phải làm rõ các chính sách kinh tế trong 10 năm tới và nhấn mạnh, tại Đại hội XI của Đảng cần kiểm điểm lại việc thực hiện những chính sách, giải pháp đã đề ra tại Đại hội X. Theo đại biểu Trần Du Lịch, về đột phá chiến lược thì quan trọng nhất vẫn là chính sách tam nông vì Việt Nam không dựa vào tam nông thì Việt Nam không thể công nghiệp hoá được. Đại biểu Lê Văn Cuông (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) lại đề cập đến việc xây dựng nền kinh tế hài hòa, chất lượng cao. Qua đó, phát huy được thế mạnh của các thành phần kinh tế, trong đó lấy thước đo chất lượng phát triển kinh tế làm nền tảng.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ vai trò kinh tế nhà nước và trách nhiệm quản lý kinh tế của Nhà nước, không thể để xảy ra các vụ tương tự như Vinashin. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, Dự thảo cần bổ sung luận điểm về xây dựng thiết chế, mô hình doanh nghiệp nhà nước, không để buông lỏng quản lý như thời gian qua. Một số đại biểu Vũ Hồng Anh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) kiến nghị: Dự thảo văn kiện cần có đánh giá về vai trò của kinh tế tư nhân, bởi đây là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta hiện nay. Cần phải tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. 

Bên cạnh vấn đề kinh tế, các đại biểu quan tâm đến công tác cải cách tư pháp tuy đạt nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Vì vậy cần phải cải cách cơ quan điều tra theo hướng độc lập và thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng cơ quan và cán bộ điều tra. Về an ninh, quốc phòng, các đại biểu đề nghị phải tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa. Theo các đại biểu, an ninh, quốc phòng, đặc biệt vấn đề bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ cần được đầu tư thích đáng.

Vấn đề phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả được các đại biểu trao đổi thẳng thắn. Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Trừng (TP Hồ Chí Minh), nếu chúng ta không phòng, chống được tham nhũng thì không thể nâng cao sức cạnh tranh, tức là không thể phát triển được. Nếu không chống được tham nhũng thì người trẻ không còn muốn vào Đảng. Do vậy, cần dũng cảm nhìn nhận những tiêu cực, khuyết điểm và đưa rõ vào văn kiện để không làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh (Quảng Nam) đề nghị, cán bộ nào dính đến tham nhũng dù nhiều hay ít thì Đại hội XI không tiến cử vào Trung ương…


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất