Hội nghị góp ý Đề án về công tác cán bộ trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) khu vực phía Nam

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy Viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính nêu bật những thành tựu quan trọng trong 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược trong tình hình mới. Đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ: “Còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải có những giải pháp mới, có quan điểm mới, chủ trương mới để đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới hiện nay”.

Gợi ý thảo luận, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu khi thảo luận về đánh giá thực trạng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, cần làm rõ những gì đã làm được, những gì chưa làm được và nguyên nhân vì sao, trên cơ sở đó bàn sâu về Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Cụ thể, các đại biểu cần tập trung thảo luận góp ý cả về bố cục Đề án và theo từng nội dung. Về đối tượng nghiên cứu là đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, nhưng một số ý kiến cho rằng chỉ nên tập trung vào đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược để có trọng tâm, trọng điểm, ý kiến của đồng chí như thế nào? Mục tiêu Đề án đến năm 2020 và đến năm 2030 đã hợp lý chưa? Trọng tâm của dự thảo Đề án là hướng vào công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Do đó, cần thảo luận xem công tác cán bộ bao gồm các khâu như hiện nay đã hợp lý chưa? Có cần thay đổi không? Nếu thay đổi thì thay đổi như thế nào? Trong công tác cán bộ thì vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là công tác đánh giá cán bộ, vậy đột phá thế nào? Làm gì để đánh giá chính xác cán bộ? Việc bảo đảm tính đa chiều (từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra, từ ngoài vào), liên tục (tháng, quý, năm) và lượng hóa (bằng sản phẩm) trong đánh giá cán bộ cần tiến hành ra sao? Có ý kiến đề nghị xác định 2 nội dung đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là tăng cường phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài và tăng cường kiểm soát quyền lực, ý kiến của đồng chí thế nào? Cần phải có giải pháp như thế nào để kiểm soát quyền lực, đặc biệt là quyền lực trong công tác cán bộ? Việc thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ, việc mở rộng không gian để phát huy tính sáng tạo của cán bộ thế nào? cơ cấu cấp ủy và tính ổn định của cấp ủy các cấp; về mở rộng dân chủ trực tiếp; luân chuyển cán bộ, bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương.

Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận về biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ; các biện pháp phòng chống tham nhũng, quan liêu; có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, kiểm soát quyền lực của cán bộ.

Tại Hội nghị, ý kiến phát biểu thảo luận của 21 đồng chí bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam thống nhất cao nội dung, bố cục Đề án; thống nhất với quan điểm, mục tiêu, các giải pháp đột phá như trong dự thảo Đề án. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tăng cường thu hút nhân tài, kiểm soát quyền lực; tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy các cấp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất