Ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XII: Thảo luận về dự án Luật Thuế tài nguyên và Dự thảo Luật Người Cao tuổi

Sáng 21-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế tài nguyên. Dự án Luật Thuế tài nguyên trình Quốc hội gồm 4 chương, 12 điều, quy định về đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên. Theo kế hoạch, dự án Luật này sẽ được xem xét, thông qua tại một kỳ họp. Nhiều ý kiến tán thành, tại thời điểm hiện nay, khi việc tổng kết, đánh giá quá trình áp dụng thuế suất thuế tài nguyên đối với mỗi loại tài nguyên còn chưa đầy đủ, trước mắt Quốc hội quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn, đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên.

Chiều 21-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tập trung cho ý kiến về dự thảo Luật Người cao tuổi. Dự thảo Luật Người cao tuổi trình xin ý kiến Quốc hội gồm 6 chương, 31 điều (giảm 1 chương, tăng 1 điều so với dự luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5). Dự luật quy định về quyền và nghĩa vụ; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đã có 21 đại biểu đăng ký và trực tiếp nêu ý kiến tại Hội trường. Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người cao tuổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tập trung cho ý kiến vào các điều khoản trong luật quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng, độ tuổi xác định là người cao tuổi và độ tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; các quy định liên quan đến tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Mặc dù vẫn còn một số ý kiến cho rằng độ tuổi xác định người cao tuổi nên phân biệt giữa nam và nữ (ở mức 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ) để phù hợp với độ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động, nhưng đại đa số các đại biểu đều nhất trí quy định độ tuổi xác định người cao tuổi là 60 tuổi, không phân biệt nam, nữ.

Các đại biểu cũng nhất trí về sự cần thiết giảm độ tuổi của người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội từ 85 tuổi theo quy định hiện hành xuống còn 80 tuổi như quy định trong dự thảo Luật, nhằm phù hợp với nguyện vọng của đại đa số cử tri và thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, sự quan tâm của Nhà nước đối với người cao tuổi.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất