Quốc hội thảo luận về dự toán ngân sách Nhà nước

Bàn về tình hình thực hiện chi tiêu ngân sách nhà nước năm 2013, nhiều đại biểu cho rằng nền kinh tế nước ta tuy còn rất khó khăn nhưng cũng đã ấm lên, có bước phục hồi, tuy nhiên xã hội tăng tốc phát triển cũng đã dẫn đến hậu quả là khoảng cách giàu nghèo giãn rộng hơn. Do đó, đại biểu đề nghị trong bố trí ngân sách các loại vốn cần ưu tiên cho hộ nghèo, các nơi có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, Chính phủ dành ngân sách nhiều hơn cho chương trình bố trí dân cư tại các vùng thiên tai đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do theo Quyết định số 193/2006 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đảm bảo bố trí ngân sách thực hiện các chính sách mà Chính phủ đã đề ra.

Các đại biểu cũng nhất trí với Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ tiêu bội chi ngân sách lên 5,3%. Song đại biểu băn khoăn hụt thu theo Chính phủ đều do nguyên nhân khách quan, không thấy tồn tại, yếu kém thuộc về chủ quan. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính với tinh thần và hình thức cầu thị cần thẳng thắn, mạnh dạn nhận trách nhiệm về những yếu kém, tồn tại, về chủ quan của mình trong việc tổ chức điều hành năm 2013 để làm giảm thu ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó làm bài học trong điều hành 2014 và các năm tiếp theo. Đưa ra giải pháp tăng thu ngân sách, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) nhấn mạnh đến vấn đề điều hành ngân sách cần thận trọng, chặt chẽ, chú ý nhiều hơn đến mảng thu nội địa trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngăn chặn hụt thu thì cần kết hợp hài hòa giữa nuôi dưỡng nguồn thu và chống thất thu, không chỉ quá nghiêng về chống thất thu, kinh nghiệm cho thấy khi chính sách khó khăn thì nhiệm vụ cơ cấu lại thu, chi ngân sách được đặt lên hàng đầu, đối với chi ngân sách thì hướng chung là sắp xếp lại, bảo đảm chi cho phúc lợi, an sinh xã hội và con người.

Về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng việc phát hành 470 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển là cần thiết nhưng cần làm rõ phương án trả nợ nước ngoài và nợ trong nước như trái phiếu hiện nay.

Đánh giá về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu đồng tình với hiệu quả của các chương trình giai đoạn vừa qua trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng còn nhiều nội dung mục tiêu quốc gia hiện nay trùng lắp, chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Do đó, cần tập trung thu gọn lại còn một số chương trình trọng tâm như nông nghiệp, an sinh, dân số, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho thật hiệu quả, tránh dàn trải trong đầu tư…

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất