Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, sáng nay 21-11-2013, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn những vấn đề được quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu QH. Có 8 đại biểu tiếp tục chất vấn đối với Bộ trưởng về quản lý trò chơi trực tuyến, quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ở cấp huyện bị buông lỏng, phát sinh tụ điểm kinh doanh mạng trái phép; quản lý nội dung quảng cáo sai sự thật…Quản lý sim rác và xu hướng báo “lá cải” là hai vấn đề được Bộ trưởng tiếp tục trả lời các đại biểu từ chiều 20-11.
Hiện tượng mà đại biểu nêu về sim rác, tin nhắn rác, quảng cáo rác và tin độc hại là hoàn toàn đúng. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà bộ thấy cần phải xử lý. Bộ đã ra Thông tư số 22 năm 2009 và Thông tư đã đi vào cuộc sống nhưng kém hiệu quả. Do đó, năm 2012, Bộ tiếp tục ra Thông tư 04 chấn chỉnh sim rác. Sau 9 tháng thông tư có hiệu lực, số liệu thống kê cho thấy từ tháng 12-2012, cả nước có 131 triệu thuê bao. Sau một năm, số thuê bao còn lại là 117 triệu thuê bao, giảm 14 triệu thuê bao. Tuy nhiên, tình trạng sim rác vẫn còn trên thị trường do một số nhà mạng, các đại lý không nghiêm chỉnh thực hiện theo thông tư 04 - Bộ trưởng nhấn mạnh.Giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra để quản lý sim rác là tiếp tục thanh tra, kiểm tra, đánh giá lại kết quả thưc hiện các thông tư, bổ sung các chế tài cần thiết để quản lý sim rác tốt nhất. Bộ cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc quản lý đại lý đang bán sim, nhà mạng đang hoạt động trên địa phương mình.
Về xu hướng báo “lá cải”, Bộ trưởng thừa nhận thực tế một số tờ báo có lúc có nơi, có thời kỳ không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, dẫn đến hiện tượng vi phạm. Đây là biểu hiện của khuynh hướng báo lá cải, chứ không phải có báo lá cải.
Liên quan đến quản lý game online, Bộ trưởng nêu các tác hại của game dẫn đến nhiều bi kịch trong xã hội. Theo Bộ trưởng, để quản lý game online, Bộ sẽ tiếp tục tuyên truyền thực hiện tốt Nghị định 72, trong đó có những chế tài quản lý game; tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích các nhà sản xuất game trong nước để game nội “át” game ngoại, phục vụ cho nhu cầu chính đáng của người dân; tăng cường phối hợp của các bộ ngành siết chặt quản lý; nâng cao vai trò quản lý của các địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được tác hại của game.
Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác đã làm tương đối tốt, từng bước đẩy lùi những hiện tượng này. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan gây thách thức lớn. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng bổ sung, phủ kín hành lang pháp lý bảo vệ tốt an toàn, an ninh thông tin mạng; tiếp tục tuyên truyền cho người dân tự đề kháng trước khi va chạm với thông tin sai trái, độc hại trên mạng; quản lý, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức, tư tưởng của lực lượng báo chí chính thống nước nhà với hơn 17.000 nhà báo để không đưa tin sai sự thật và đấu tranh với thông tin độc hại, sai trái.
Tiếp tục phiên chất vấn với Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về vấn đề xét xử, nâng cao chất lượng ngành tòa án, nâng cao chất lượng xét xử, tránh để oan sai, bỏ lọt tội phạm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật..
|
Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn.
|
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nêu chất vấn đầu tiên đối với Chánh án về giải pháp cụ thể, khả thi nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xét xử. Bộ trưởng nêu tóm tắt các giải pháp như tổ chức tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn và sát hạch; thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo rút kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xét xử; thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng về công tác quy hoạch, luân chuyển, đánh giá cán bộ; tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ, bảo đảm đội ngũ công chức ngành tòa án được rèn luyện thử thách qua việc thực hiện quy định về ứng xử, đồng thời phát động phong trào thi đua yêu nước, qua đó nhân lên các tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc; nghiên cứu để xuất chính sách trọng dụng nhân tài…
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về tiến độ thụ lý vụ việc tồn đọng chậm, gây mất lòng tin của người dân, Chánh án cho biết, ngành tòa án đã giải quyết 63,3% đơn đề ngị tái thẩm, giám đốc thẩm, là con số cao nhất so với những năm trước đây. Với số lượng đơn mà ngành nhận được, cộng với số đơn cũ tồn lại chuyển sang, năm nay ngành thụ lý thêm gần 11.000 đơn, hiện xử lý còn chưa đầy 4.000 đơn. Số lượng đơn còn lại còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Về chất lượng giải quyết, ngành đang cố gắng tiếp tục nâng cao số lượng đơn được giải quyết và chất lượng đơn được giải quyết.
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn nhận được mối quan tâm của nhiều đại biểu. Các đại biểu nhấn mạnh, đây là vụ việc được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm và cần có câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan có thẩm quyền, lấy lại niềm tin của nhân dân vào cán cân công lý. Trả lời chất vấn, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn thuộc thẩm quyền của cả 3 ngành: công an, viện kiểm sát và tòa án. Theo đó, ngay sau khi ông Chấn bị tuyên ánchung thân, gia đình và bản thân ông Chấn đã có đơn kêu oan. Ngày 6-11, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã xem xét lại vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người theo trình tự tái thẩm.
Theo đó, Hội đồng Thẩm phán đã chấp nhận quyết định kháng nghị số 01 ngày 4-11-2013 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Chánh án Toà án nhân dân tối cao cũng chia sẻ, dư luận cả nước quan tâm cho rằng vụ án này có thực sự oan sai không? Có ép cung, nhục hình không? Và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như thế nào? Theo ông Trương Hòa Bình, do những nguyên nhân khác nhau, án oan sai là điều không thể tránh khỏi, kể cả những nước phát triển. Tuy nhiên, việc để xảy ra án oan ở mức tuyên cao nhất như 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được.
Việc xác định ông Chấn có bị kết án oan, có bị nhục hình, ép cung hay không cần phải được tiến hành điều tra chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Những người có trách nhiệm sẽ phải nghiên cứu, xem xét dựa trên cả dư luận, bởi án oan là sự thống khổ của người dân, họ bị thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, quyền tự do công dân… Điều này cần phải được giải quyết kịp thời, khẩn trương, thấu đáo, song phải dựa theo pháp luật. Do đó, để xác định sai phạm trong vụ án này ở giai đoạn nào, oan như thế nào thì các cơ quan có trách và trực tiếp là người đứng đầu những cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, pháp luật, nhân dân.
Theo Chánh án Toà án nhân dân tối cao, việc ép cung, nhục hình là điều không thể chấp nhận được, song phải chứng minh được việc này. “Tôi được biết, Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo kiểm điểm. Nếu có ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp và có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, kể cả luật sư. Dù không phát hiện được việc ép cung, nhưng nếu phát hiện oan sai vẫn phải chịu trách nhiệm”.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao khẳng định, đến nay chưa thể khẳng định được ngay là có ép cung, nhục hình hay không. Điều này phải được chứng minh theo quy trình chặt chẽ, xem xét trên cả hai mặt. Nếu phát hiện cán bộ nào vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ, kể cả hình sự. Trong trường hợp phát hiện sai phạm ở giai đoạn nào thì người đứng đầu cơ quan đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục chất vấn và được nghe trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Thu Thuỷ