Sáng 29-10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Quang Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dân quân tự vệ. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dân quân tự vệ.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.
Về cơ bản, các đại biểu tán thành chương trình giám sát, cho rằng đã chọn trúng và đúng vấn đề để giám sát. Tuy nhiên, đánh giá giám sát còn sơ sài. Một trong những mục tiêu của giám sát là làm rõ trách nhiệm của các đối tượng bị giám sát nhưng nhược điểm chung là các chủ thể này không được nêu rõ trong báo cáo. Đương nhiên đây là việc khó, nhưng có vậy hiệu quả, hiệu lực của giám sát mới tác động đến hoạt động của bộ máy nhà nước.
Khâu yếu của ta là việc giám sát ban hành văn bản. Hàng năm, các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng nghìn văn bản, trong đó có rất nhiều văn bản không hợp pháp. Hiệu lực của các đạo luật không cao vì quy định không cụ thể, tuy có giao các bộ, ngành, Chính phủ ban hành nhưng không giám sát xem các văn bản đó có đúng với luật không.
Nếu dừng lại ở hoạt động chất vấn như bây giờ thì chưa đạt yêu cầu, vì qua chất vấn cũng chưa xác định rõ được trách nhiệm của người đứng đầu, của các bộ, ngành. Có những điểm cần rút kinh nghiệm: Việc thực hiện các kết luận giám sát chưa được nghiêm túc, nhiều việc giám sát mới dừng ở kiểm tra, kết luận, làm hạn chế kết quả giám sát. Quốc hội cũng phải giám sát cả kết luận của kiểm toán có được các đơn vị thực hiện không. Chất vấn tại hội trường cần theo nhóm nhưng trong điều hành chất vấn, việc chọn vấn đề trong nhóm cần công khai, khách quan, không chọn theo sở trường của người đứng đầu mà cần đi thẳng vào những vấn đề bức xúc nhất. Việc khuôn nhóm vấn đề đôi khi cũng khiến đại biểu bức xúc, vì vấn đề họ quan tâm không nằm trong nội dung chất vấn, đôi khi chất vấn ngoài khung.
Cần cải tiến cách thức chất vấn theo nhóm vấn đề nhưng cần đưa thông báo sớm cho đại biểu biết trước để có sự chuẩn bị và nêu vấn đề ở tầm vĩ mô, tránh quá cụ thể, gây khó cho người trả lời mà lại không mang tính đại diện. Cũng tránh cách nêu câu hỏi theo hướng giải thích, giải trình, mất thời gian.
Tìm trách nhiệm đã là khó, xử lý càng khó hơn. Giám sát xong không thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm, chất vấn gay gắt nhưng cuối cùng không mang lại tác dụng...
Ngày mai, 30-10, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Thu Huyền