Ngày 8-6, tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung, Quốc hội thảo luận về Đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Trước đó, chiều ngày 24-5-2012 Quốc hội đã thảo luận tại tổ về đề án này và Đoàn thư ký kỳ họp đã tổng hợp ý kiến thảo luận tổ gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao về chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế. Việc tái cơ cấu nền kinh tế là việc làm không mới đối với các nền kinh tế chuyển mình. Các đại biểu xác định đây là cơ hội để chúng ta rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch cho phù hợp với tổng thể của nền kinh tế được tái cấu trúc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho chúng ta sắp xếp, sàng lọc, sáp nhập các đơn vị thuộc các lĩnh vực ngành kinh tế, tạo nên sức mạnh mới lớn hơn, có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
5 nội dung chính trong đề án đã được Chính phủ giới thiệu và đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận là:
Thứ nhất, sự cần thiết phải có đề án này, phải tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thứ hai, những mục tiêu, quan điểm trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế.
Thứ ba, những nội dung định hướng tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định 3 ưu tiên tái cơ cấu trong 3 năm tới: Ưu tiên thứ nhất, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Ưu tiên thứ hai, tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính. Ưu tiên thứ ba, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
Thứ tư, những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu.
Thứ năm, việc tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu.
Đề án cần cụ thể hơn
Đại biểu Doãn Thế Cường - Hưng Yên bày tỏ: Đề án cần cụ thể hóa, lượng hóa nhiều hơn, rõ hơn về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2020 mà Đại hội XI của Đảng đã xác định. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý là bao nhiêu? giai đoạn 2011-2020 có giữ mức tăng trưởng GDP bình quân 7 đến 8% một năm không? Nếu phải giảm tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng thì bao nhiêu hợp lý? và lạm phát thấp là bao nhiêu? chỉ số lạm phát có được vượt quá chỉ số tăng trưởng kinh tế không?
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa - TP. Hồ Chí Minh đề cập: liên quan đến mô hình tăng trưởng, trong đề án chỉ mới dừng lại nêu những nét chung chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, tuy nhiên mô hình tăng trưởng cụ thể của là gì, dựa trên những nguyên tắc nào đề án cần phải làm rõ.
Đại biểu Hoàng Đăng Quang - Quảng Bình khẳng định lựa chọn đúng những điểm đột phá trong đề án, chúng ta biết tái cơ cấu kinh tế là một quá trình chuyển đổi có tính đột phá, phân bổ lại các nguồn lực cho tăng trưởng, tạo ra quy mô lớn với mục tiêu là nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Đề án tái cơ cấu kinh tế phải cụ thể hóa được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020 đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Vì vậy, đề án phải làm rõ 3 khâu đột phá nói trên.
Cần đặt vấn đề đúng mức cho nông nghiệp
Đại biểu Tô Văn Tám - Kon Tum nhấn mạnh: hiện nay có hơn 80% dân số của chúng ta đang ở nông thôn, nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, ổn định kinh tế đất nước, nhất là những khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Thời gian qua nước ta đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể nhưng người nông dân vẫn chưa được hưởng tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế mặc dù họ đã đóng góp rất quan trọng cho sự tăng trưởng.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính - Tiền Giang đề nghị cần có giải pháp, chính sách mạnh mẽ, có tính đột phá đối với đổi mới đầu tư công; quan tâm đầu tư giống; nghiên cứu chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; ưu tiên phát triển những lĩnh vực còn tiềm năng như thủy sản, công nghiệp chế biến; xây dựng hệ thống sản xuất, hệ thống cung ứng các sản phẩm nông sản; xúc tiến thương mại; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đại biểu Lê Văn Lai - Quảng Nam khẳng định khi nói đến tái cấu trúc kinh tế trong tình hình hiện nay, điều đầu tiên là phải đặt vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào vị trí trung tâm của tái cấu trúc. Bởi vì nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vị trí xứng đáng để được chú ý, để được coi trọng trong tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp.
Đại biểu Đặng Xuân Huy - Đồng Tháp yêu cầu cần có chính sách đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, trước hết là chính sách về đất đai, tín dụng đầu tư công và phương thức tổ chức sản xuất phù hợp, cần mở rộng quyền của người sử dụng đất, cần giao đất nông nghiệp với thời hạn ổn định. Ở những vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp lâu dài, ban hành chính sách khuyến khích về tích tụ đất nông nghiệp, bỏ việc quy định hạn điền. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông sản.
Tái cơ cấu Tập đoàn kinh tế Nhà nước
Đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên ghi nhận những đóng góp của các tập đoàn kinh tế thời gian qua, tuy nhiên từ thực tế đổ vỡ và sai phạm của một số tập đoàn đã cho thấy rõ ràng thể chế pháp lý cho tập đoàn kinh tế nhà nước đang có nhiều bất cập, dẫn đến nhiều sai phạm, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Đề nghị Chính phủ tạm dừng ngay việc thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước, kiểm kê lại vốn, tài sản nhà nước tại tất cả các tập đoàn, phương án xử lý, làm rõ trách nhiệm cá nhân và báo cáo Quốc hội theo Khoản 3, Điều 168 Luật Doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - TP. Hà Nội thì cho rằng đây là một thời điểm rất tốt để thực hiện minh bạch, công khai, lấy lại niềm tin và huy động được sức mạnh của toàn xã hội, một lần nữa phải xác định được vai trò rất quan trọng của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Để tiến hành việc này phải đa dạng hóa các sở hữu doanh nghiệp nhà nước, buộc các doanh nghiệp phải hoạt động đúng theo cơ chế thị trường và tạo ra được sự cạnh tranh bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp khác.
Vấn đề con người trong tái cơ cấu kinh tế
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Bình Dương khẳng định muốn đề án khả thi, điều quan trọng hàng đầu phải cơ cấu lại hệ thống các thể chế chính sách, đặc biệt cần phải có giải pháp về công tác cán bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu của mô hình và phương thức tăng trưởng kinh tế trước mắt cũng như dài hạn.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Đắk Nông: Việc coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng công nghệ cao trong sản suất là rất đúng đắn. Như vậy, để tái cơ cấu kinh tế thành công thì việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo hết sức quan trọng , do đó cần có những giải pháp đột phá để đảm bảo nguồn lao động chất lượng cao.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh: tái cơ cấu nền kinh tế có thành công hay không, phụ thuộc vào ba yếu tố: con người, cơ chế và lòng tin. Trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất quyết định sự thành công.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - TP. Hà Nội: Việc đầu tiên phải đánh giá lại một cách tổng thể các nguồn lực trước khi tái cơ cấu nền kinh tế. Nguồn lực ở đây gồm nguồn lực về tài nguyên, thiên nhiên, khoáng sản và cả trình độ về khoa học công nghệ. Phải chọn được những con người có đủ các phẩm chất, năng lực, trí tuệ để đảm nhiệm được trọng trách của người đứng đầu. Đây là vấn đề quan trọng nhất của vấn đề tái cơ cấu.
T.H