Sáng 20-6, tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Qua gần 7 năm việc thực hiện, Luật Điện lực đã bộc lộ không ít những bất cập, khó khăn, vướng mắc, một số quy định không còn phù hợp với phương thức quản lý, điều hành của ngành điện. Thảo luận tại hội trường, đại biểu tập trung ý kiến về quy hoạch phát triển điện lực, về chính sách giá điện và các loại phí, về giấy phép hoạt động điện lực, về chức năng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực của các cơ quan điều tiết điện lực.
Các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động điện lực, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hạ tầng điện lực và đảm bảo an ninh năng lượng. Đa số các ý kiến đồng tình giữ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bỏ quy hoạch điện cấp huyện. Một số ý kiến nhấn mạnh ngành điện hiện nay vẫn còn độc quyền. Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, là những nơi chưa có điện lưới quốc gia, việc quy định ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định giá điện trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực là rất khó khăn cho các tỉnh. Điều này cần phải sửa đổi theo hướng Chính phủ và Trung ương hỗ trợ các vùng chưa có điện lưới quốc gia. Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, điện là loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy, giá bán điện cần quy định theo quy luật của cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Quy định như vậy vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường, mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân cả nước; đồng thời khuyến khích, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành điện cũng như tạo động lực để thúc đẩy việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Dự thảo luật cần bổ sung rõ quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và có chế tài xử phạt rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên. Trong lộ trình đề xuất của Chính phủ, đến năm 2022 mới tính đến khả năng cạnh tranh giá bán lẻ điện là quá chậm. Còn nếu chỉ có một đơn vị duy nhất bán lẻ, không có cạnh tranh sẽ dẫn đến nhiều sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch. Đại biểu đề nghị cần rút ngắn thời gian cạnh tranh giá bán lẻ điện càng sớm càng tốt nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của đông đảo người tiêu dùng.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công đoàn (sửa đổi).
Thứ năm, ngày 21-6-2012, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường: buổi sáng, biểu quyết thông qua một số dự án luật; buổi chiều, họp phiên bế mạc kỳ họp.
T.H