Thảo luận về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)
Trong buổi thảo luận đã có 21 đại biểu Quốc hội của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Cơ chế phát hiện, phản ánh, tố giác hành vi lãng phí; Về chế tài xử lý các hành vi vi phạm…

Các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, khắc phục có hiệu quả tình trạng lãng phí, nâng cao ý thức và thực hành tiết kiệm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này rất có ý nghĩa trong lúc tình hình đất nước ta đang cần rất nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển, nhất là đời sống của nhân dân ta còn nhiều khó khăn.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đủ mạnh với những quy định chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ với những chế tài rõ ràng, cụ thể gắn với xác định trách nhiệm và các cơ chế giám sát, thanh tra xử lý vi phạm trong việc thực thi luật.

Về tên gọi của luật, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm tên gọi là Luật Phòng, chống lãng phí hay Bộ luật phòng, chống lãng phí.

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự luật, các đại biểu cho rằng quá rộng cả khu vực công, khu vực tư, cả Nhà nước và nhân dân, cả sản xuất và tiêu dùng trong đời sống gia đình và tiêu dùng xã hội. Các đại biểu đề nghị là cần thu hẹp phạm vi và đối tượng điều chỉnh, không đưa vào luật các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất tiêu dùng của nhân dân, vì không có chế tài xử lý, chỉ mang tính định hướng, vận động, cần tập trung quy định các hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng quản lý ngân sách Nhà nước, tài sản, tài nguyên của đất nước, trong sử dụng lao động, thời gian lao động cho các hoạt động của Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu từ khâu quy hoạch, kế hoạch cho tới việc ban hành các quyết định về chủ trương, về chính sách, chế độ, định mức, tiêu chí cho đến khâu tổ chức thực hiện.

Bộ luật cần có quy định cụ thể hơn đối với các lĩnh vực thường xảy ra lãng phí đã được đánh giá, tổng kết trong các Báo cáo của Chính phủ, các Báo cáo giám sát của Quốc hội và phản ánh của báo chí, của nhân dân. Cần làm rõ thêm các quy định về cơ chế cung cấp thông tin, công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng tài sản, vốn, tài nguyên và cơ chế phát hiện, phản ánh, tố giác các hành vi lãng phí, các quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa lãng phí, các quy định về trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức về việc xử lý trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần bổ sung làm rõ các quy định về cơ chế để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia có quyền giám sát, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đặc biệt nhấn mạnh thêm vai trò của báo chí trong phát hiện lãng phí.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất