Chiều ngày 14-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của 14 lượt đại biểu Quốc hội của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập trung vào các nội dung sau: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Tiến độ, hiệu quả việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Quy hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Việc bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành…
Giải pháp đảm bảo tăng trưởng năm 2013
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch, Cao Sĩ Kiêm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Muốn có sự đột phá trong phát triển nhưng chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta phát triển, chỉ đạo không chặt chẽ thì quay lại tái lạm phát, một điều rất nguy hiểm đối với nền kinh tế nước ta. Chính vì vậy, chúng ta không được phát triển nóng, thiếu bền vững.
Phó Thủ tướng đưa ra một số giải pháp đảm bảo tăng trưởng năm 2013 như sau:
Trước hết, Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2013 mà Chính phủ đã nêu.
Thứ hai, thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 02, tháo gỡ khó khăn cho tổ chức kinh doanh, tạo điều kiện cho tổ chức kinh doanh phát triển.
Thứ ba, đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, điều chỉnh vốn dự án công trình chậm sang công trình có điều kiện hoàn thành. Báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới phát hành trái phiếu Chính phủ để làm một số công trình như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14B qua Tây Nguyên.
Một số biện pháp khác như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu không có hỗ trợ sản xuất phục vụ xuất khẩu, cải thiện thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư FDI, PPP v.v. Tiếp tục cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tạo môi trường, giảm phiền hà, giảm chi phí doanh nghiệp. Tìm phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trong những mặt hàng mà lợi thế ta đang gặp khó khăn. Tất cả những giải pháp về tài khóa đó có thể góp phần cho mục tiêu tăng trưởng 2013 mà Quốc hội đề ra...
Vấn đề an sinh xã hội
Trả lời chất vấn đại biểu Tất Thắng, Phó Thủ tướng khẳng định: Nguyên tắc của chúng ta đưa ra là không để dân đói, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai và chỉ đạo việc giảm nghèo bền vững, một số chỉ đạo bền vững, đặc biệt là cấp huyện trong Chương trình mục tiêu 30a và thực hiện tốt Pháp lệnh người có công có hiệu lực và phấn đấu dành cho gia đình người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ có cuộc sống tốt hơn người dân ở địa phương. Chúng ta đang tìm một lối đi, một cách làm để làm sao con đường phát triển phù hợp với điều kiện nước ta, tôi nghĩ trên tinh thần đó với trách nhiệm và trí tuệ của Quốc hội, Chính phủ và toàn dân cũng như các nhà khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tìm ra được tri thức phát triển cho Việt Nam thời gian đến có tốc độ cao hơn, phát triển bền vững hơn trên một tam giác phát triển là kinh tế - xã hội và đảm bảo môi trường.
Vấn đề sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm
Hiện nay chúng ta có trên 2.1 triệu sinh viên và một năm chúng ta ra trường khoảng trên 510.000 sinh viên cùng với khoảng 20 nghìn sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài về ở nước ta. Cho nên Cục khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa rồi có câu chuyện là gần 1 triệu người thất nghiệp thì có 5,6% là cao đẳng và trên 11% là sinh viên không có việc làm và phải làm trái ngành nghề, có nhiều trường sinh viên tốt nghiệp ra trường chỉ có 50%, có trường 60% có việc làm, chỉ trừ trường hợp một vài trường là 100% có việc làm. Điều đó dẫn đến lãng phí.
Theo Phó Thủ tướng vấn đề trên do những nguyên nhân:
Trước hết là công tác đào tạo của chúng ta chưa gắn với nhu cầu sử dụng. Uy tín, chất lượng đào tạo không đáp ứng được nhà tuyển dụng và đặc biệt nguyên nhân thứ ba là nhiều doanh nghiệp phá sản, khó khăn, đình trệ sản xuất kinh doanh cho nên không tuyển dụng.
Để giải quyết vấn đề trên, theo Phó Thủ tướng cần phải triển khai chiến lược và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, phải quy hoạch lại mạng lưới đào tạo và xem xét lại quy mô cơ cấu ngành nghề được đào tạo. Tức là tôi nói ý là ngay trong bản thân từng trường đại học cũng phải tái cơ cấu lại ngành nghề của mình, quy mô của mình. Thậm chí trong một số khoa, trong một số chuyên ngành dư thừa quá nhiều phải xem xét lại việc có nên tuyển sinh nữa hay không. Thực hiện chủ trương đào tạo nhu cầu xã hội trong từng dự báo nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay và biện pháp lớn rất quan trọng đó là chúng ta chỉ đạo làm sao phát triển mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh để giải quyết được nhiều việc làm.
Tái cấu trúc chậm, có lợi ích nhóm không, trách nhiệm thuộc về ai, khắc phục như thế nào?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng có thể chậm, theo Phó Thủ tướng là do: Một là tái cấu trúc là một vấn đề rất lớn, nó đụng chạm đến nhiều cấp, nhiều ngành, cả người dân và doanh nghiệp cho nên phải có đầu tiên là thể chế, cơ chế. Một vấn đề lớn mà không có thể chế, cơ chế thì làm sao chúng ta có thể giải quyết được mọi việc.
Nguyên nhân thứ hai chậm là thị trường, nhất là thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường xung quanh các nước chúng ta nói riêng.
Thứ ba, nguồn nhân lực, cả nhân lực lãnh đạo của tập đoàn doanh nghiệp, cả nhân lực lao động bình thường cũng không có nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu của tái cơ cấu.
Thứ tư, sự chỉ đạo điều hành của chúng ta cần quyết liệt hơn, cụ thể hơn, nhất là khi đề án tái cấu trúc chung đã được Thủ tướng phê duyệt.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp.
Trước hết là giải pháp về tái đầu tư công, Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành thể chế để thực hiện việc này tốt hơn, đó là ban hành nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, không bị động như trước đây.
Thứ hai là tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công, những biện pháp giám sát chống lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản của trái phiếu Chính phủ, của vốn nhà nước v.v... tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công như trình Quốc hội sửa lại Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật đầu tư (sửa đổi) v.v... hay phân cấp quản lý đầu tư, kiểm tra, giám sát, hoàn thiện Luật đấu thầu v.v... Tất cả những chủ trương, giải pháp đó góp phần cho đầu tư công trong thời gian tới tốt hơn.
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện lộ trình tái cơ cấu tín dụng theo đề án, các phương án đã được duyệt, trong đó tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tiết kiệm chi phí, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra trong hệ thống tín dụng. Đối với doanh nghiệp nhà nước thì đẩy mạnh cổ phần hóa, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác kiểm tra giám sát doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty làm sao để làm rõ chủ sở hữu và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phần chủ quan, các ngành, các địa phương, những người thực thi chủ trương về mặt luật pháp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, để chống sự chậm trễ, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế nước ta mà trước hết là tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp Nhà nước.
Công tác phòng, chống tham nhũng
Phó Thủ tướng cũng đồng tình một số hạn chế như một số đại biểu đã nêu, đó là chưa đạt yêu cầu mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tham nhũng vẫn xảy ra nghiêm trọng, có biểu hiện tinh vi, phức tạp, nhất là một số cấp, một số ngành liên quan, gây bức xúc cho nhân dân. Công tác tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn, công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, chúng ta vẫn chưa làm tốt, hay thể chế đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn sơ hở, và có những vụ tham nhũng lớn từng bị phát hiện rồi một số lĩnh vực phức tạp xảy ra tham nhũng chưa được ngăn chặn như là lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản, v.v.
Mặc dù có rất nhiều cố gắng trong lĩnh vực cải cách hành chính, nhưng mà chúng ta cũng nhận thức rất rõ còn nhiều bất cập, tồn tại khuyết điểm, kết quả chưa được như mong muốn của người dân và doanh nghiệp, của các cơ quan chức năng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 2 giải pháp lớn. Giải pháp thứ nhất là chương trình thực hiện nghiêm túc chương trình tổng thể cải cách hành chính 2011-2020, trong đó có một số đề án rất quan trọng. Đề án công vụ, công chức, một cửa liên thông, công bố bộ chỉ số cải cách hành chính và quy trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính.
Việc thứ hai, Thủ tướng mới ký ban hành và các phương tiện thông tin đại chúng đang nêu ra đó, chúng ta phải làm được cái này đó là triển khai đề án tổng thể đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân bằng việc áp dụng số định danh cá nhân. Nếu thực hiện đề án này thành công, Phó Thủ tướng hứa với Quốc hội là cố gắng làm thành công, như thế là chúng ta có 20 loại giấy tờ công dân hiện nay thì chúng ta chỉ cần mở một cái thẻ thôi, có mã số bằng lấy cái số chứng minh nhân dân mà công an cấp cho công dân. Từ đó chúng ta không phải sao chép, không phải này khác, mà cứ các thẻ đó là ra tất cả các thông tin cá nhân mà không phải kê khai. Kỹ thuật rất là nhanh.
Như vậy, có thể nói cải cách thủ tục hành chính đã thể chế kể cả cán bộ và những việc trọng tâm cải cách hành chính.
Về thói cửa quyền, vô cảm của cán bộ công chức, Phó Thủ tướng cũng đồng tình là một bộ phận cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu, biểu hiện vô cảm, đùn đẩy, né tránh công việc dẫn đến năng lực thực thi công việc yếu kém, làm suy giảm hệ thống quản lý Nhà nước và điều đó gây bức xúc trong nhân dân.
Để khắc phục tình trạng trên Phó Thủ tướng đưa ra một số giải pháp:
Việc thứ nhất là chúng ta đã ban hành Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, bây giờ ở các cấp, các ngành, các cơ quan phải triển khai tích cực nghiêm túc Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức vào cuộc sống. Nội dung luật này rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải triển khai tốt thì sẽ giảm được việc cửa quyền, vô cảm này. Triển khai chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, chú ý đặc biệt về công khai các thủ tục hành chính.
Thứ ba là đề án cải cách chế độ công vụ, công chức với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ, công chức... Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các bộ, ngành, các địa phương phải quan tâm đặc biệt vấn để xử lý cán bộ nhũng nhiễu tiêu cực, đưa ra khỏi bộ máy của chúng ta những cán bộ có phẩm chất đạo đức yếu kém, gây phiền hà với nhân dân.
Từng cấp, từng ngành phải tiếp tục chủ động ban hành các văn bản như: Cụ thể hóa Luật cán bộ công chức, quy định rõ trách nhiệm của người công chức quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, có chế tài xử lý vi phạm nơi phát hiện, đặc biệt là lấy tiêu chí hài lòng của người dân, của doanh nghiệp để chấm dứt sự vô cảm của công chức với dân và doanh nghiệp...
Trong quá trình chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
T.H