Thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 17-6-2013, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tăng 14 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Dự thảo đã luật hóa các quy định áp dụng ổn định trong thực tiễn, bao gồm các quy định quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai… Dự thảo đã cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển KT-XH, hội nhập quốc tế của đất nước.

Đất đai luôn là một trong những vấn đề “nóng” được đông đảo người dân quan tâm. Thống kê cho thấy, đã có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân nhằm hoàn thiện dự thảo luật đất đai sửa đổi. Chính vì vậy, phiên thảo luận tại hội trường đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắng của các ĐBQH về vấn đề này. 45 đại biểu Quốc hội của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Quản lý của Nhà nước về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Việc phân loại đất, chế độ sử dụng các loại đất, phát triển quỹ đất nông nghiệp; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi quan trọng là phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhân dân. Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung những quy định nhằm khắc phục những hạn chế bất cập trong Luật Đất đai hiện hành về các vấn đề quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư… Dự thảo luật sửa đổi theo hướng lợi ích của nhà nước và người dân có đất bị thu hồi được đảm bảo tương xứng, nguồn lực về đất đai được phát huy để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều đại biểu tán thành với quy định trong dự thảo lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên cũng còn không ít ý kiến muốn giữ nguyên 4 cấp lập quy hoạch sử dụng đất là cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã như trong luật hiện hành.

Sau phiên thảo luận này, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội biểu quyết, thông qua vào ngày 21-6 tới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất