Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn
Sáng ngày 14-6, Quốc hội dành thời gian chất vấn và trả lời chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình với các chủ đề liên quan đến công tác tư pháp và công tác của chính ngành kiểm sát, để ngành kiểm sát có thể làm được hai chức năng quan trọng nhất mà Đảng và Nhà nước giao, đó là công tố và kiểm sát tư pháp, hai chức năng hệ trọng.

Giải pháp mang tính đột phá để thực hiện lộ trình cải cách tư pháp về tổ chức bộ máy, đào tạo lại đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng chất vấn để chuẩn bị nguồn nhân lực thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả hơn, đảm bảo không làm oan người ngay, không bỏ lọt kẻ gian, tạo điều kiện cho nhân dân dễ tiếp cận công lý. Đòi hỏi cán bộ ngành Kiểm sát phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức và lối sống, tức là đội ngũ cán bộ đó phải có trái tim nóng bỏng đầy nhiệt huyết nhưng cái đầu phải lạnh và bàn tay sạch.

Viện trưởng trả lời: Về mặt biên chế Viện đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội mặc dù trong điều kiện rất khó khăn nhưng cũng đã cho phép ngành chúng tôi tăng biên chế bước đầu và tăng có địa chỉ.

Muốn làm được như vậy Viện tập trung thực hiện nghị quyết của Quốc hội để tuyển và yêu cầu là phải tuyển có chất lượng cho nên chúng tôi cũng đã hoàn tất việc phân bổ đến các địa phương về việc tuyển dụng biên chế theo đúng quy định mới, tiêu chuẩn mới và quá trình rất công khai, minh bạch, đảm bảo đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên truyền hình địa phương và trên hệ thống internet trang thông tin điện tử của ngành. Thậm chí đối với những địa phương khó khăn như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ chúng tôi yêu cầu lãnh đạo huyện liên hệ với các cơ sở đào tạo pháp luật tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ để tập hợp những em đang tốt nghiệp có quê hoặc có nguyện vọng sinh sống để về công tác.

Về mặt đào tạo Viện tăng cường đào tạo, một mặt là đào tạo trong nước thì nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi hệ thống giáo trình, nâng cao chất lượng giáo viên của các cơ sở đào tạo trong ngành. Cần phải khắc phục tồn tại nhiều năm của ngành là thiếu hụt về cán bộ, đặc biệt là trong vùng sâu, vùng xa. Cho nên Viện đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho phép thành lập trường đại học Kiểm sát trong kỳ họp Quốc hội Viện đã ra mắt trường đại học này.

Viện cũng phối hợp rất chặt với các cơ sở đào tạo ngoài nước thông qua sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục, của Chương trình 165 để đào tạo ở Nga, đào tạo ở Niu Di-lân có ký kết với các cơ sở đào tạo cử nhân luật chất lượng cao. Đặc biệt tăng cường các giải pháp đào tạo tại chỗ, đào tạo thông qua thực tế, thông qua các vụ án cụ thể, kể cả hình sự, dân sự và hành chính để anh em rút kinh nghiệm. Một trong những tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của ngành là phải đào tạo tại chỗ, phối hợp với toà tổ chức được bao nhiêu phiên toà rút kinh nghiệm để đánh giá chất lượng tranh tụng, đánh giá chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên toà.

Các nhiệm vụ về tổ chức, Viện cũng đã có những thay đổi đổi mới về mặt tổ chức, chuyển cơ cấu tổ chức từ chuyên khâu trở thành thông khâu, từ khu vực sang lĩnh vực. Trước đây trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đơn vị nào cũng có đơn vị kiểm sát giải quyết án miền Bắc, miền Nam, miền Trung. Cách tổ chức như vậy cũng có thuận lợi là giải quyết được án theo khu vực, nhưng cũng có bất cập là không tạo ra được đội ngũ chuyên gia. Viện đang nghiên cứu và thay đổi là tổ chức lại theo từng lĩnh vực, ví dụ có phòng theo dõi về án xâm phạm nhân thân, án giết người, không kể là Bắc, Trung, Nam. Cho nên khi cấp dưới xét đến các vụ án giết người sẽ giải quyết thấu đáo hơn. Với cách làm như thế này sẽ góp phần đào tạo chuyên gia chứ không chỉ là những kiểm sát viên mà việc gì cũng có thể làm được, khả năng đáp ứng sẽ tốt hơn.

Trước đây Viện kiểm sát được tổ chức theo chuyên khâu, tức là khi kiểm sát hoạt động tư pháp thì do một kiểm sát viên đảm nhiệm, kết thúc giai đoạn điều tra, chuyển sang tòa thì do một kiểm sát viên khác, có sự bàn giao. Nhưng do yêu cầu tranh tụng trước tòa ngày càng cao, một trong những điều kiện của tranh tụng chính là phải nắm chắc tình hình vụ án, cho nên yêu cầu phải đổi lại, anh kiểm sát điều tra đồng thời phải là anh tranh tụng trước tòa, lúc đó sẽ nâng cao được chất lượng.

Về Nghị quyết 37, có thể nói lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết về công tác tư pháp, bằng nghị quyết này Quốc hội cũng khẳng định những đóng góp quan trọng và hiệu quả của các cơ quan tư pháp, bao gồm công an, viện, tòa, thi hành án trong việc bảo vệ pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ nhân dân, duy trì kỷ cương, kỷ luật của phép nước.

Tuy nhiên, trong nghị quyết này chỉ ra rất nhiều tồn tại, đặc biệt là đưa ra những giải pháp và các yêu cầu rất cao đối với các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành kiểm sát. Viện cũng ý thức và xem việc triển khai, tổ chức thực hiện 37 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm của 2013 và những năm tiếp theo. Theo tinh thần đó, Viện đã quán triệt đến toàn ngành, đến tận kiểm sát viên cấp huyện về nghị quyết quan trọng này. Viện cũng đã có các chỉ thị chuyên ngành trên từng lĩnh vực, chỉ thị công tác năm và chỉ thị chuyên ngành về thực hiện 37. Viện đã thay đổi hệ thống chỉ tiêu, các hệ thống chỉ tiêu pháp luật trong đó có quán triệt các chỉ tiêu của 37. Nhiều địa phương tham mưu cho cấp ủy, Hội đồng nhân dân ban hành các nghị quyết về thực hiện 37 và các địa phương đều đã có tổ chức họp bàn với ba ngành: Công an, Viện, Tòa, để bàn triển khai 37 như thế nào cho tốt và tinh thần của chúng tôi tập trung theo ba yêu cầu:
Một là phải khắc phục được những tồn tại do 37 nêu lên. Vì 37 nêu một số các tồn tại thì không phải một sớm, một chiều có thể khắc phục được nhưng những tồn tại có thể khắc phục được thì từng bước sẽ khắc phục.
Hai là phải thực hiện bằng được các chỉ tiêu, coi đây là chỉ tiêu pháp lệnh trong ngành và cùng với các ngành liên quan thực hiện các chỉ tiêu của hệ thống tư pháp.
Ba là phải tập hợp báo cáo được cho Quốc hội những nội dung báo cáo mới theo yêu cầu của 37.

Vấn đề tình hình án kinh tế và tham nhũng hiện nay rất phức tạp, nhưng tại sao xử có mức độ và đặc biệt án treo nhiều

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng - Quảng Ninh chất vấn trong thời gian qua, nhiều ý kiến trong quần chúng nhân dân và dư luận cho rằng, việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt. Kể từ khâu điều tra, kiểm sát, xét xử. Tỷ lệ các bị cáo được tòa án tuyên cho hưởng án treo nhiều, dẫn đến sự hoài nghi của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật.

Viện trưởng bày tỏ sự đồng tình với đánh giá của đại biểu. Quả thực án kinh tế cũng nhiều, xử treo cũng nhiều, như vậy nó tạo ra suy nghĩ là chúng ta khi đấu tranh đã không quyết tâm chống tham nhũng, chống tội phạm kinh tế.

Giải pháp của Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình đó là:
Một là phải kiểm sát chặt chẽ quá trình xây dựng các cáo trạng có đề xuất án treo. Viện yêu cầu đối với vụ án tham nhũng mà cấp dưới đề xuất án treo thì phải trình lên cấp trên để kiểm tra, trong trường hợp Tòa tuyên có xử án treo không phải là đề nghị của ngành thì phải báo cáo cấp trên để xem xét kháng nghị và trên thực tế Viện cũng đã có kháng nghị một số trường hợp thành công và trong quy định của luật đối với án tham nhũng thì có rất nhiều các tình tiết có thể được vận dụng để xử dưới khung, để xử nhẹ hơn, trong đó Viện có chỉ đạo là trong ngành 2 tình tiết không được vận dụng đó là tình tiết có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu.

Đối với án tham nhũng do chủ thể chủ yếu là những người có chức, có quyền, cho nên trước thời điểm phạm tội thì hầu hết đều có nhân thân tốt. Nhưng đây không được xem như là tình tiết giảm nhẹ và phạm tội một lần cũng vậy không có trường hợp tham nhũng rồi phạm tội lại tiếp tục làm lãnh đạo để lại tham nhũng tiếp thì điều này cũng không xảy ra. Cho nên, yêu cầu chỉ đạo là 2 tình tiết này không được phép áp dụng trong đề xuất của Viện kiểm sát đối với tội phạm tham nhũng.

Giải pháp liên quan đến các ngành thì Viện cũng đang tập hợp tình hình, có đánh giá và sẽ tổ chức một hội nghị bàn với cơ quan điều tra, bàn với Tòa về những biện pháp để giảm án treo trong án tham nhũng. Mặc dù ta vận dụng luật là đúng, nhưng nếu quá nhiều thì cũng tạo ra phản cảm.

Về tranh tụng trước Tòa, bắt đầu phải bằng giải pháp cán bộ đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nâng cao trình độ cán bộ, đào tạo lại, trao đổi kinh nghiệm, có bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và đặc biệt cùng với toà tổ chức ngày càng nhiều các phiên toà điểm rút kinh nghiệm để cho kiểm sát viên tham gia…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất