Khác với Đề án 332 của Bộ Giáo dục, đặc thù của Đề án 165, đối tượng chọn đi học là cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc trong quy hoạch. Đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đồng chí có trách nhiệm quan tâm đến đặc thù này và khẳng định: Với đặc thù như thế, Đề án 165 có rất nhiều ưu ái nhưng không hề ưu ái về chất lượng nên chất lượng của những học viên sau khi tốt nghiệp được đặt lên hàng đầu. Chương trình học theo diện Đề án 165, học viên tiếp thu những tinh hoa của nước bạn nhưng phải “Việt hóa” vì đây là đào tạo cán bộ cho Việt Nam.
Về tuyển đầu vào, cần có số dự tuyển lớn hơn số tuyển sinh để đảm bảo chọn lựa được những cán bộ ưu tú của Nhà nước đi học theo ngân sách. Đề nghị các cơ sở đào tạo, trong quá trình đào tạo chuyên môn, cần quan tâm, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cho những cán bộ quản lý tương lai của đất nước. Phải xác định cho các học viên tư tưởng được tuyển đi học theo diện Đề án 165 là vinh dự, tự hào, cần cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để là xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.
Sáng 28-12, tại Hà Nội, Văn phòng Đề án 165 - Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội thảo các cơ sở đào tạo cao học liên kết trong nước.
Tới dự và điều hành Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Quynh - UVTW Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Ban điều hành Đề án 165; Nguyễn Xuân Sơn, Chánh Văn phòng Đề án 165; đại diện lãnh đạo của các cơ sở đào tạo thạc sĩ liên kết trong nước là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia; các trường Đại học Giáo dục, Đại học Kinh tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học Huế; Học viện Cảnh sát nhân dân; cùng đại diện của học viên 7 lớp đào tạo trong cả nước đã về dự.
Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Ban điều hành Đề án 165 về việc tổ chức các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ trong nước, Văn phòng Đề án 165 đã tích cực phối hợp với các học viện, trường đại học trong và ngoài nước tổ chức triển khai các lớp cao học liên kết. Bước đầu đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Trong khoảng thời gian 2 năm (2008-2010), mặc dù có nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, chủ động của Văn phòng Đề án 165, một số trường đại học, học viện trong và ngoài nước, 7 lớp học đã được tổ chức. Mỗi lớp với số lượng từ 38-40 học viên, thời gian đào tạo từ 16 đến 24 tháng (tùy theo chương trình học, chưa kể thời gian 3 tháng học ngoại ngữ). Các lớp cao học liên kết giữa các trường đại học, học viện trong nước với các trường đại học, học viện ở nước ngoài, toàn bộ chương trình, nội dung đào tạo, giảng viên chủ yếu của nước ngoài. Cuối khóa học, học viên được sang các cơ sở đào tạo của nước ngoài một tháng để học tập, nghiên cứu và viết báo cáo tốt nghiệp. Hết khóa học, học viên nào đạt yêu cầu về chuyên môn, ngoại ngữ sẽ được cấp bằng thạc sĩ quốc tế. Đây là cơ hội để học viên tiếp cận những chân trời tri thức mới, tư duy mới, kỹ năng mới trong lĩnh vực quản lý, chuyên môn; là điều kiện thuận lợi để học viên tiếp tục nghiên cứu học tập nâng cao trình độ sau này.
Nhìn chung, việc mở các lớp cao học liên kết đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ còn hạn chế về ngoại ngữ có cơ hội tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trình độ ngoại ngữ. Phần lớn số cán bộ hiện nay của nước ta, đặc biệt là các địa phương thuộc trung du, miền núi, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, không đủ điều kiện đi học tập trung ở nước ngoài. Mặt khác, cán bộ nữ, ngoài công việc chuyên môn còn phải đảm đương thiên chức của mình, do đó ít người có thể tham gia đào tạo tập trung dài hạn ngoài nước.
Qua các lớp đào tạo cao học liên kết giúp cho các trường đại học, học viện mở rộng quan hệ, giao lưu, hợp tác quốc tế, trao đổi, học hỏi, nâng cao khả năng nghiên cứu, phương pháp giảng dạy, góp phần đổi mới công tác đào tạo, giáo dục của Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội giới thiệu cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Các lớp cao học liên kết này, chủ yếu thời gian học tập tại Việt Nam. Vì vậy, cũng tiết kiệm chi phí cho ngân sách Nhà nước và chi tiêu cá nhân.
Thế nhưng, qua thực tế của 7 lớp học cũng rút ra được những hạn chế cần khắc phục:
Thứ nhất, các lớp cao học liên kết, phần lớn thời gian học tại Việt Nam nên môi trường và điều kiện học tập có nhiều hạn chế đối với các học viên trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tiếp cận thông tin, tài liệu tham khảo, tham quan thực tiễn…
Thứ hai, Thời gian học tập không tập trung hoàn toàn, học viên bị chi phối bởi công việc cơ quan và gia đình nên ảnh hưởng tới chất lượng học tập.
Thứ ba, thời gian tiếp xúc với giảng viên nước ngoài không được nhiều (thường chỉ 7-10 ngày/môn học; có môn học qua mạng, trả bài qua mạng), do đó hạn chế việc trao đổi và thảo luận bài học giữa giảng viên và học viên.
|
Đại diện Học viên phát biểu tham luận tại Hội thảo |
Đã có 13 tham luận xoay quanh giải pháp khắc phục những tồn tại sau 2 năm thực hiện Đề án. Nhìn chung, các ý kiến tham gia thảo luận của đại diện lãnh đạo các trường đại học, học viện trong nước tham gia đào tạo liên kết cũng như ý kiến của các học viên tham gia 7 lớp học qua đều khẳng định vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của học viên sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là ý kiến kết luận Hội thảo của đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Chánh Văn phòng Đề án 165.
Các học viên đều rất phấn khởi, tự hào khi được tham gia học tập theo diện Đề án 165, đều nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn để đạt kết quả học tập tốt nhất. Tuy nhiên, họ đều băn khoăn, lo lắng, sau khi tốt nghiệp sẽ được bố trí công việc như thế nào cho phù hợp để phát huy hết khả năng mà họ tiếp thu được trong quá trình học, không lãng phí ngân sách của Nhà nước.
Hội thảo cũng đã đưa ra một số đề nghị với Ban điều hành Đề án như:
1. Tiếp tục cho mở các lớp đào tạo cao học liên kết đối với một số chuyên ngành cần thiết: Quản lý và phát triển đô thị, Quản lý và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Quy hoạch và quản lý Nông nghiệp-Nông thôn, Quản lý và phát triển Công nghệ thông tin, Quản lý công, Quản lý Khoa học và công nghệ, Quản lý Báo chí và xuất bản...
2. Bởi ngoại ngữ là “rào cản” đối với khâu tuyển chọn cán bộ đi học nên cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh cơ sở đối với cán bộ dự nguồn các lớp cao học; hoặc có thời gian 3 tháng học ngoại ngữ tập trung trước khi vào học chuyên ngành.
3. Tăng cường trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc tuyển chọn cán bộ đi học, tạo điều kiện, bố trí, sắp xếp công việc, hỗ trợ kinh phí để cho cán bộ có thời gian và yên tâm học.
4. Các trường đại học, học viện liên kết đào tạo cần bố trí đội ngũ giảng viên có chất lượng thật sự làm trợ giảng, nhất là trong những môn học đầu, những môn khó do học viên có trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ khác nhau. Tăng cường cơ sở vật chất, bố trí những cán bộ có năng lực, có trách nhiệm trong điều phối thực hiện chương trình.
5. Sau từng môn học do giảng viên nước ngoài hướng dẫn cần có thời gian để giáo viên trợ giảng của Việt Nam hệ thống lại những nội dung trọng tâm và cùng trao đổi, thảo luận thêm với lớp.
6. Đối với các học viên cần nỗ lực, tích cực chủ động tranh thủ thời gian vừa học chuyên môn, vừa học nâng cao trình độ ngoại ngữ, tăng cường phối kết hợp giữa hoạt động của ban cán sự các lớp với ban điều phối chương trình, kịp thời điều chỉnh những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức lớp học.
7. Văn phòng Đề án 165 xem xét thanh toán kịp thời kinh phí, cần có hướng dẫn, quy định cụ thể về các chế độ, bảo đảm thống nhất khi thực hiện.
Lan Phương