Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng,
Thưa các vị khách quý và các đồng chí đại biểu,
Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị khách quý, đại biểu đại diện cho các tập thể, các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến trong cả nước về dự Đại hội. Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, thành đạt. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí và các vị đại biểu!
Từ năm 1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước được phát động mạnh mẽ, sôi nổi trong cả nước. Hơn 62 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng của Người, phong trào đã không ngừng phát triển, trở thành một động lực quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại có tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, kế thừa và vận dụng tư tưởng chỉ đạo thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với điều kiện mới.
Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động có sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị trung tâm và tình hình thực tế của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị, khơi dậy được tiềm năng, tính tích cực, sáng tạo của mọi người, mọi tổ chức, thu được nhiều kết quả thiết thực. Nhiều phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng hơn như : phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân và người lao động", phong trào "Nông dân thi đua sản xuất giỏi", "Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà", phong trào "Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", phong trào "Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc", phong trào "Thi đua quyết thắng trong Lực lượng vũ trang nhân dân", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" và cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" v.v... Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực và sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn và rất quan trọng của 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và những thành tựu quan trọng của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Nhân dịp này, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước mà tiêu biểu là các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến vinh dự về dự Đại hội hôm nay đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước và đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc yêu quý của chúng ta trong giai đoạn mới.
Thưa các đồng chí và các vị đại biểu,
Bên cạnh những thành tích xuất sắc đã đạt được, chúng ta cần thấy rõ những hạn chế, yếu kém như đã nêu trong Báo cáo tổng kết, nhất là những hạn chế về nhận thức, về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan. Việc tổ chức phong trào thi đua có nơi, có lúc còn mang tính hình thức; chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc; sự phối hợp, liên kết của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, đồng bộ; việc phát hiện, biểu dương, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến có mặt còn hạn chế. Phấn đấu khắc phục được những hạn chế, yếu kém đó, nhất định phong trào thi đua yêu nước của chúng ta sẽ có bước phát triển mới.
Thưa các đồng chí và các vị đại biểu,
Trong những năm tới, chúng ta sẽ triển khai thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm (2011 - 2015), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Đây là đường lối, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trên cơ sở định hướng đó, công tác thi đua - khen thưởng trong 5 năm tới phải phấn đấu theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Báo cáo trước Đại hội. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau đây :
Một là, phải tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn về nhận thức để mọi người thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua. "Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua". "Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua". "Cần kiệm, liêm chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua". "Thi đua để đoàn kết, đoàn kết để thi đua". Đây là những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua để đạt tới sự giải phóng và phát triển con người, giải phóng, phát triển xã hội. Bác cũng dạy : "Thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người". "Phải có sự lãnh đạo đúng", "Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi vào từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân, bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải sao cho mỗi người, mọi nhóm, mọi người tự giác, tự động tham gia", "thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, cũng ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc". Thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo những quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước, nhằm tập hợp vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện, biến đường lối của Đảng thành hiện thực sinh động trong thực tiễn, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện lịch sử mới.
Cần chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, động viên mọi người, mọi tổ chức các cấp, các ngành tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể nhân dân, của cả hệ thống chính trị để tạo thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng, làm cho chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua không ngừng phát triển lên tầm cao mới.
Hai là, năm năm tới đây, phong trào thi đua yêu nước cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, nhân rộng những mô hình, giải pháp hay đã được đúc kết tại Đại hội này; bên cạnh đó, từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua với những nội dung, mục tiêu thi đua cụ thể, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia tạo thành phong trào hành động cách mạng mang tính quần chúng rộng rãi, thu được hiệu quả thiết thực. Gắn các phong trào thi đua với việc xây dựng, bồi dưỡng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phát triển toàn diện về ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khoẻ và lao động giỏi, sống có văn hoá và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính; xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thử thách góp sức tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Ba là, để phong trào thi đua mang lại hiệu quả cao, chúng ta cần quan tâm việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Mỗi một phong trào thi đua đã phát động cần phải tiến hành sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu. Việc biểu dương, khen thưởng kịp thời có ý nghĩa rất to lớn. Thi đua trước hết không phải vì khen thưởng, nhưng làm tốt việc khen thưởng thì sẽ kích thích phong trào thi đua tốt hơn. Có thi đua tốt, hiệu quả thiết thực thì mới được khen thưởng. Có lựa chọn đúng những lá cờ đầu, những điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời, chính xác thì khen thưởng mới có tác dụng. Các cấp uỷ đảng và cơ quan nhà nước ở mỗi địa phương, mỗi ngành, các vùng, miền, cần đánh giá và lựa chọn chính xác những điển hình tốt, khen thưởng kịp thời để nêu gương, học tập, đồng thời nhân rộng điển hình cho cả nước.
Bốn là, để công tác thi đua - khen thưởng không ngừng được nâng cao hiệu quả, các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua - khen thưởng. Chuẩn bị tích cực cho việc trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng, đồng thời tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua - khen thưởng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; kiện toàn tổ chức đi đôi với củng cố, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng, vừa làm tham mưu tốt, vừa tổ chức thực hiện tốt, đáp ứng được yêu cầu công cuộc đổi mới hiện nay.
Năm là, để thi đua yêu nước không ngừng phát triển, điều quan trọng là phải tập trung sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ và toàn diện của các cấp uỷ đảng. Tiếp tục quán triệt và triển khai tới các chi bộ Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị (khoá IX) về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước.
Thưa các đồng chí và các vị đại biểu,
Đất nước ta, nhân dân ta đã rất anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ngày nay càng phải nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh chống nghèo nàn và lạc hậu, cùng nhau đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm giành thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nỗ lực phấn đấu tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhân dịp năm mới 2011, chuẩn bị đón tết vui xuân Tân Mão và chào mừng Đại hội XI của Đảng, một lần nữa, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài mạnh khoẻ, hạnh phúc, năm mới giành nhiều thắng lợi mới.
Chúc phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn.
============
* Đầu đề của Tạp chí.