Sáng 27-12-2010, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đã khai mạc tại Hà Nội. Dự Đại hội có các đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đại biểu người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và 1.500 đại biểu trên mọi miền Tổ quốc đã đến dự.
Với tinh thần phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII có nhiệm vụ tổng kết phong trào thi đua yêu nước và kết quả thực hiện chính sách khen thưởng của Đảng và Nhà nước 5 năm qua.
Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 39-CT/TW về “tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã nghiêm túc tổ chức, quán triệt và triển khai thực hiện. Qua đó, đã tạo dựng được không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong phạm vi cả nước và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có phong trào “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”. Kết quả phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có phong trào tiêu biểu như “đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan”; “người cán bộ kiểm ngân liêm khiết”. Đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, vận tải… sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tiêu biểu. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động như Công ty cổ phần Vàng Danh; Tập đoàn viễn thông quân đội; các cá nhân tiêu biểu như Anh hùng Lao động Trần Thị Kim Oanh, công nhân đứng máy sợi; Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía, quản đốc phân xưởng khai thác than 4, Công ty than Mạo Khê; Phó giáo sư, tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội…
Đại biểu dự Đại hội
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, thông qua Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Lĩnh vực khoa học và công nghệ đã đẩy mạnh phong trào thi đua trong nghiên cứu và ứng dụng, phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ về xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài nguyên môi trường… đặc biệt trong lĩnh vực y học đã đạt nhiều thành tựu trong công nghệ chế tạo vắc-xin và mô hình ghép tạng được triển khai thành công ở một số bệnh viện trong cả nước. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân hướng vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao đạo đức người thầy thuốc, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, phong trào “Hiến máu nhân đạo” với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo và các vấn đề xã hội đã đạt được nhiều thành tích mới…
Công tác khen thưởng trong những năm qua đã có bước tiến bộ theo hướng bám sát về tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo khen thưởng kịp thời các thành tích đột xuất trong các lĩnh vực.
Tuy nhiên, phong trào thi đua, khen thưởng chưa triển khai đồng bộ tới cơ sở, còn biểu hiện hình thức, chưa thường xuyên. Hoạt động của các cụm, khối thi đua tuy đã có bước đổi mới về nội dung, tiêu chí thi đua, song, còn lúng túng về phương thức hoạt động và bộc lộ những hạn chế trong quản lý, tổ chức các phong trào thi đua. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến chưa đạt yêu cầu. Chất lượng thẩm định các hình thức khen thưởng cấp nhà nước tuy có được nâng lên nhưng thiếu thống nhất trong công tác thi đua, khen thưởng. Trong bình xét và suy tôn các danh hiệu thi đua còn biểu hiện nể nang, cào bằng…
Đại hội đã tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2011-2015: Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc “càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở. Phong trào thi đua phải nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ công tác trọng tâm. Tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng gắn kết với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chống mọi biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng.
Dự và chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã bày tỏ niềm vui, vinh dự được dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Tổng Bí thư khẳng định phong trào thi đua yêu nước đã phát triển mạnh từ năm 1948 theo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kế thừa và vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Người, Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực lãnh đạo, thu được nhiều kết quả tích cực. Nhiều phong trào thi đua đã thực sự phát triển. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến đại diện cho ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam. Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu tại Đại hội.
Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác thi đua khen thưởng: về nhận thức; phong trào thi đua còn có nơi, có lúc mang tính hình thức; việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến chưa đạt yêu cầu của Bộ Chính trị.
Tại Đại hội, Tổng Bí thư chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng 5 năm tới cần tập trung vào nhiệm vụ sau:
Một là, công tác thi đua 5 năm tới cần tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn để mọi người thấy rõ vai trò, vị trí của công tác thi đua. Bác dạy thi đua có phương hướng đúng, nghĩa là nâng cao lòng yêu nước nồng nàn; cần có sự lãnh đạo đúng để mỗi người, mỗi nhóm tự giác tham gia. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Người, cần làm tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cần chú trọng công tác tuyên truyền vận động mọi người tham gia.
Hai là, năm năm tới đây, phong trào thi đua yêu nước cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, nhân rộng những mô hình, giải pháp hay đã được đúc kết tại Đại hội này. Các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia, thành phong trào rộng rãi. Gắn thi đua với bồi dưỡng con người Việt Nam. Xây dựng những con người có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, giàu lòng yêu nước... góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của đất nước.
Ba là, quan tâm, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến. Mỗi phong trào cần sơ kết, tổng kết biểu dương, khen thưởng kịp thời. Vì có lựa chọn đúng, kịp thời thì khen thưởng mới có tác dụng. Các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, địa phương tích cực làm, nhân rộng các điển hình đó.
Bốn là, các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua - khen thưởng. Chuẩn bị tích cực cho việc trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng, đồng thời tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua - khen thưởng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Năm là, để thi đua yêu nước không ngừng phát triển, điều quan trọng là phải tập trung sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ và toàn diện của các cấp uỷ đảng.
Toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nỗ lực phấn đấu tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH.
Tin, ảnh: Thu Thủy, Thu Huyền