Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các đảng bộ cấp trên cơ sở Ngành Công thương, ngày 27-11-2009, tại thị trấn Cát Bà, TP. Hải Phòng, Đảng uỷ Bộ Công thương phối hợp Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Điều lệ Đảng khoá X về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng”.
Các đồng chí: Lê Danh Vĩnh, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ- Thứ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Hải Đường, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Bí thư Thành uỷ Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các ban xây dựng đảng và vụ chuyên đề của Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cùng lãnh đạo 14 đảng uỷ đại diện cho 14 đảng bộ cấp trên cơ sở Ngành Công thương tham dự Hội nghị.
Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần hoàn thiện quy trình lãnh đạo và giữ vững kỷ luật, bảo đảm các quyết định của Đảng đề ra được thực hiện nghiêm chỉnh. Công tác kiểm tra là biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội, ngăn ngừa vi phạm từ khi còn manh nha…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Danh Vĩnh (ảnh) đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm nổi bật nội dung trọng tâm xuyên suốt về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng sau 4 năm thực hiện Điều lệ Đảng khoá X ở từng đảng bộ, nêu những kiến nghị bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Các tham luận đã đi sâu phân tích đặc điểm tình hình hoạt động của đảng bộ và yếu tố tác động đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của từng đảng bộ; tình hình và kết quả thực hiện Điều lệ Đảng khoá X về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, những ưu điểm, hạn chế, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Các tham luận nêu nhiều đề xuất, kiến nghị, tập trung vào những vấn đề sau:
1. Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra, giám sát trong các đảng bộ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nói chung, Ngành Công thương nói riêng.
2. Cần hướng dẫn cụ thể, thống nhất việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, về an ninh-quốc phòng…
3. Cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức công tác xây dựng đảng, nhất là nghiệp vụ công tác kiểm tra cho đội ngũ bí thư, cấp uỷ viên cơ sở.
4. Cần xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát và ban hành biểu mẫu báo cáo phù hợp đặc điểm hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp.
5. Về trách nhiệm phối hợp kiểm tra, xác minh của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát. Về thẩm quyền giám sát đối với người đứng đầu cấp uỷ, giám sát chuyên đề của chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở.
6. Cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về sinh hoạt chi bộ trong các doanh nghiệp có tính đặc thù, đảng viên làm việc phân tán và trong các doanh nghiệp cổ phần, có yếu tố nước ngoài…
Tin, ảnh: Minh Tuấn