Những kết quả từ thí điểm một số mô hình hợp nhất ở cấp huyện


Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) đã thông qua Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh: TL.

Từ chủ trương…

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương xác định quan điểm “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương”, “Những việc mới, chưa có quy định, hoặc những việc đã quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”… Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2021 “thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn”.

Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng đã định hướng việc thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện. Tiếp đó là Kết luận 74-KL/TW ngày 22-5-2020 của Bộ Chính trị về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của BCH Trung ương (khoá XII) và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Để hướng dẫn thực hiện một số nội dung tại Kết luận 74-KL/TW, Ban Tổ chức Trung ương có Công văn số 12596-CV/BTCTW ngày 10-9-2020, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương “tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm một số chức danh ở những nơi đang thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương và Kết luận số 34-KL/TW ngày 7-8-2018 Bộ Chính trị”.

... Đến hiệu quả thực tiễn

Từ chủ trương của Đảng, theo Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Bộ Chính trị, việc thí điểm một số mô hình mới về tổ chức được bắt đầu từ năm 2018 ở nhiều địa phương. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các mô hình mới đi vào thực tiễn đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đổi mới tổ chức bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Các mô hình ở đơn vị cấp huyện được triển khai như: hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ, cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra, văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và văn phòng UBND... Một số địa phương đã chủ động từ sớm, nhanh chóng ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW như: Tỉnh ủy Yên Bái với Kế hoạch 72-KH/TU ngày 2-1-2018; Thành ủy Hải Phòng với Kế hoạch 91-KH/TU ngày 9-1-2018; Tỉnh ủy Hải Dương có Kế hoạch 77-KH/TU ngày 26-1-2018; cùng các tỉnh như Lạng Sơn, Ninh Thuận, Phú Yên, Nam Định… Một số địa phương khác sau khi chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện, được cấp ủy, cán bộ, công chức đồng thuận mới bắt đầu thực hiện thí điểm một số mô hình như: hợp nhất văn phòng cấp huyện ở Thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) từ 1-6-2019; sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị vào ban tuyên giáo cấp huyện ở Tây Ninh từ tháng 9-2019…

Sau khi có quyết định thực hiện hợp nhất, các đơn vị đã chủ động xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác đối với các cơ quan. Từng cơ quan hợp nhất chủ động xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các địa phương Bình Thuận, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tuyên Quang… đã sớm xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và cơ chế sử dụng con dấu của các cơ quan sau khi hợp nhất, giúp việc vận hành và giải quyết công việc tốt hơn, đồng thời tăng cường sự thống nhất, liên thông khi triển khai thực hiện nhiệm vụ giữa chính quyền với cấp ủy.

Đến nay, việc thí điểm hợp nhất đã được mở rộng ở 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số mô hình phát huy hiệu quả đã được các địa phương thực hiện ở 100% đơn vị cấp huyện như: Trà Vinh, Yên Bái hợp nhất 3 văn phòng cấp huyện; tổ chức và nội vụ; kiểm tra với thanh tra. Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Lạng Sơn hợp nhất ban tuyên giáo với trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Quảng Ngãi hợp nhất 3 văn phòng; Quảng Ninh hợp nhất tổ chức và nội vụ, kiểm tra với thanh tra, tuyên giáo với trung tâm bồi dưỡng chính trị...


Nhiều địa phương tiến hành hợp nhất cơ quan tổ chức - nội vụ và kiểm tra - thanh tra cấp huyện (mô hình minh họa).

Tuỳ vào tình hình thực tiễn, điều kiện cụ thể, việc thực hiện mô hình thí điểm giữa các địa phương có sự khác biệt về phạm vi và mô hình lựa chọn thí điểm. Như mô hình hợp nhất tuyên giáo - dân vận được thí điểm ở 3 huyện/3 tỉnh. Mô hình cơ quan kiểm tra - thanh tra được thí điểm ở 52 huyện/11 tỉnh. Mô hình tổ chức - nội vụ thí điểm ở 57 huyện/14 tỉnh. Mô hình văn phòng cấp ủy với HĐND và UBND thí điểm ở 66 huyện/21 tỉnh. Nhiều nhất là mô hình hợp nhất ban tuyên giáo với trung tâm chính trị cấp huyện thực hiện ở 86 huyện/11 tỉnh.

Việc thực hiện thí điểm một số mô hình hợp nhất, kết quả bước đầu cho thấy cơ bản phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Đã giảm được đầu mối (từ 3 hoặc 2 đầu mối thành 1), giảm số lãnh đạo cấp phòng và góp phần tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hợp lý, hiệu quả. Như Quảng Ngãi đã giảm từ 50 đơn vị xuống còn 22 đơn vị cấp huyện (trong đó giảm 13 văn phòng, 8 nội vụ và 7 thanh tra), giảm 63 vị trí việc làm người đứng đầu. Tuyên Quang đã giảm được 8 đầu mối thuộc UBND cấp huyện, giảm 11 chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ quan cấp huyện. Yên Bái giảm được 27 đầu mối, 48 biên chế, 27 cấp trưởng, 48 cấp phó và tiết kiệm được kinh phí chi cho các hoạt động của tổ chức và đầu tư cơ sở, vật chất phục vụ công tác. Việc thí điểm hợp nhất cũng góp phần sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý công việc, xử lý văn bản.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận khẳng định, việc hợp nhất góp phần giảm hội họp, tiết kiệm thời gian và kinh phí, chủ động trong điều phối cán bộ, công chức, viên chức, phương tiện phục vụ, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Báo cáo của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cũng nêu rõ, việc thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới đã giải quyết được vấn đề chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân rõ trách nhiệm, rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; đồng thời tạo được sự liên thông, kịp thời, thống nhất trong công việc tham mưu của các cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp việc cùng cấp. Các cấp uỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng việc thực hiện các mô hình sáp nhập có được sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu… Đa số ý kiến từ các địa phương đều khẳng định hiệu quả và những kết quả tích cực từ thực hiện thí điểm.

Và những vướng mắc

Tuy nhiên, vì là mô hình mới, chưa có tiền lệ, chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền, các địa phương phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên thực tiễn còn nhiều vướng mắc. Các địa phương chủ yếu vẫn thực hiện sáp nhập một cách cơ học; thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương. Việc hợp nhất không được thực hiện đồng bộ, liên thông từ cấp Trung ương xuống cấp huyện dẫn đến khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các thể chế tổ chức, cán bộ, tài chính chưa cụ thể, rõ ràng, nhiều nội dung chưa có văn bản quy định (thể thức văn bản, con dấu, tài khoản, trụ sở… của cơ quan hợp nhất). Một cơ quan hợp nhất nhưng tồn tại 2 tài khoản, 2 cơ chế tài chính, 2-3 con dấu riêng. Hay khi hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, một tổ chức nhưng cán bộ, công chức phân tán 2 trụ sở, văn bản hành chính công vụ thì áp dụng theo 2 quy định khác nhau. Về biên chế, dù Trung ương có chủ trương điều chuyển biên chế từ khối chính quyền sang khối đảng sau hợp nhất, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện chế độ, chính sách và các quy định liên quan về tiêu chuẩn, mã ngạch bổ nhiệm... Nhiều địa phương (Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh…) vẫn tách bạch việc phân bổ, quản lý sử dụng biên chế và chế độ chính sách ở các cơ quan sau hợp nhất thuộc 2 khối chính quyền và khối đảng.

Việc hợp nhất 2-3 đầu mối tổ chức, tạo áp lực lớn đối với người đứng đầu, đòi hỏi cao về trách nhiệm, trình độ và năng lực của thủ trưởng cơ quan. Đồng thời, các bộ phận tham mưu cũng gặp khó khăn trong việc bảo đảm chế độ thông tin báo cáo, xin chỉ đạo kịp thời. Riêng với mô hình hợp nhất 3 văn phòng cần gắn với việc thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện để bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, điều hành, tránh một tổ chức nhưng 2 thủ trưởng (Cần Thơ, Vĩnh Long...).

Ngoài các vướng mắc nêu trên, còn tồn tại một số hạn chế như việc điều tiết, phân công nhiệm vụ, phân bổ thời gian và nguồn lực (mang tính thời điểm, hội họp, triển khai công tác của cấp ủy, nhiệm vụ chuyên đề theo nhóm chuyên môn). Với từng thời điểm, từng hoàn cảnh, từng nhiệm vụ cụ thể sẽ có sự ưu tiên, tập trung nguồn lực không đồng đều, đôi lúc vẫn chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác tham mưu.

Những vướng mắc từ thực tiễn thực hiện thí điểm đặt ra yêu cầu phải sơ kết, tổng kết để đánh giá toàn diện ưu điểm, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng chỉ đạo trong thời gian sớm. Một năm sau khi ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Bí thư đã giao Ban Tổ chức Trung ương “tham mưu sơ kết, tổng kết thí điểm các mô hình mới về kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; mô hình cơ quan giúp việc chung khối đoàn thể, mô hình văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh, mô hình hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện… làm cơ sở cho việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước”[1]. Hai năm sau, Bộ Chính trị chủ trương “Không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh. Tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm từng mô hình, đánh giá toàn diện tính hiệu quả của việc thí điểm, đề xuất lộ trình, cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm ở từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định”[2]. Hiện tại, Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh theo Kết luận số 74-KL/TW để có cơ sở tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những định hướng tiếp theo. Các địa phương thực hiện thí điểm cần mạnh dạn, chủ động đưa ra những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ thực tiễn để các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.



[1] Thông báo Kết luận số 52-TB/TW ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư

[2] Kết luận số 74-KL/TW ngày 22-5-2020 của Bộ Chính trị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất