Bác Hồ - cha của chúng con
Sao đời mình lại có may mắn lạ kỳ 
Đại tá Nguyễn Sáng kể

Ngày 10-1-1946, tôi được đồng chí Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Văn Bắc - Chi đội trưởng Chi đội 3 Giải phóng quân thị xã Thái Bình giao nhiệm vụ huy động lớp đào tạo tiểu đội trưởng cùng với bộ phận cảnh vệ Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Thái Bình bảo vệ Bác và Chính phủ về thăm đê Đìa Hưng Nhân bị vỡ.
Không hiểu thế nào từ trưa, nhân dân thị xã đã chờ sẵn ở cổng. Khoảng 15h, Bác và các thành viên Chính phủ về tới Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh. Đồng chí Bùi Đăng Chi - Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh "khẩn cấp" yêu cầu tôi chuẩn bị một chiếc bàn, chiếc ghế để Bác nói chuyện. Tôi cùng mấy đồng chí học viên lớp tiểu đội trưởng vào khênh chiếc bàn to cùng chiếc ghế đặt giữa cổng để Bác nói chuyện. Kê bàn xong thì Bác tới, tôi được đứng liền ngay sau Bác. Tất cả cán bộ, nhân dân trật tự lắng nghe từng lời Bác căn dặn. Nhìn Bác, vị Chủ tịch nước bộn bề công việc của người đứng đầu chính quyền cách mạng non trẻ, vẫn vượt đường xa về chia sẻ những thiệt hại do thiên tay gây ra với nhân dân Thái Bình, tình cảm tôi cứ trào dâng, nước mắt cứ tự nhiên chảy ra, "quên" cả nhiệm vụ bảo vệ. Một thanh niên mới trở thành anh bộ đội được một năm, tôi đã được gặp và bảo vệ Bác kính yêu.
Chỉ cần một lần được đứng cạnh Bác đủ để nhớ suốt đời, nhưng đâu ngờ ba tháng sau, tôi được bảo vệ Bác. Lần này gần hơn, lâu hơn!
Đó là ngày 28-4-1946, như đã hứa, Bác về thăm đê Đìa khi đê đắp xong. Tôi lại được đồng chí Nguyễn Văn Bắc giao cho khẩu súng ngắn Pạc-khoọc để làm nhiệm vụ bảo vệ Bác cùng với các đồng chí cận vệ. Tôi mặc quần soóc, đội mũ ca lô. Khoảng 9h Bác lên gác hai của Hội trí - thể dục (Sân vận động Thái Bình ngày nay) nói chuyện với hai cố đạo người Tây. Tôi đứng ngay sau ghế của Bác để bảo vệ Bác. Sau đó đồng chí Nguyễn Văn Ngọ - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình mời Bác ra ban công nói chuyện với nhân dân. Lần này Bác về, sáng sớm dòng người đón Bác từ 12 phủ, huyện như trảy hội, kín cả sân bãi rộng. Cờ, băng, biển, biểu ngữ đủ màu sắc rợp trời. Tiếng hoan hô: "Cụ Hồ muôn năm!" vang như sấm dậy. Trời nắng và nóng, tôi được đồng chí Ngô Lãng - Phó ban Tuyên truyền tỉnh giao "thêm" nhiệm vụ cầm ô che cho Bác. Che cho Bác được mấy phút, đang nói, Bác quay lại nhắc tôi: "Chú che cho cụ Huỳnh!". Tôi đáp: "Vâng ạ!". Nhưng tôi vẫn chỉ che cho Bác. Một hai phút sau, Bác lại quay lại nhắc, lần này kiên quyết hơn: "Bác đã bảo chú che cho cụ Huỳnh!". Tôi liền đứng vào giữa (ở phía sau) để che ô cho Bác và cả cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hôm đó, Bác nhắc nhở cán bộ, nhân dân Thái Bình phải cố gắng hơn nữa để chiến thắng "giặc đói, giặc dốt" và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Với tấm lòng biết ơn vô hạn, tỏ quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Bác, nhân dân Thái Bình biếu Bác một buồng chuối, quả bí đao, quả bí ngô và mười củ khoai lang to. Bác quay sang bảo tôi: "Chú bê quả bí lên cho đồng bào nhìn thấy quả bí ngô to". Tôi liền bê quả bí lên ngang đầu mà không làm che Bác và cụ Huỳnh. Quả bí phải nặng tới chục cân. Tiếng hô: "Cụ Hồ muôn năm!" lại vang lên tưởng như không dừng nếu Bác không giơ tay lên cao vẫy chào tạm biệt.

Năm 1952, lúc đó tôi là Tham mưu trưởng "Mặt trận 5" được giao phụ trách 7 đồng chí cùng lên chiến khu Việt Bắc dự một lớp chỉnh huấn. Sau 15 ngày đường giao liên, chúng tôi đã có mặt ở khu vực Quán Vuông, huyện Sơn Dương ATK. Hôm khai mạc, cả lớp được đón Bác. Sau hai tháng học tập, trước khi lớp bước vào đợt "tự kiểm điểm", "tổng tiến công vào chủ nghĩa cá nhân", Bác đến động viên, quán triệt. Bàn nói chuyện của Bác đặt ở đỉnh đồi, học viên các tỉnh đứng xung quanh, đoàn Thái Bình ở xa đến sau nên phải đứng ở chân đồi cạnh đường mòn. Bỗng tự nhiên Bác xuất hiện ngay trước mặt, sau này tôi đoán ra chắc Bác nhìn thấy đoàn chúng tôi đều mặc quần áo nâu (các đoàn khác mặc nhiều màu như xanh, tím, vàng... vải ka-ki chiến lợi phẩm) nên Bác dừng lại trước đoàn Thái Bình và hỏi: "Các chú ở đâu?". Tôi báo cáo: "Thưa Bác chúng cháu ở Khu tả ngạn vùng hậu địch". Bác còn hỏi ra lâu chưa, có khoẻ không? Rồi tự nhiên Bác bảo đồng chí Hiệu trưởng Hồng Cương là Bác không lên đỉnh đồi mà sẽ đứng tại đây nói chuyện, cho anh em quay lại. Thế là tôi cùng 6 anh em Thái Bình được gần Bác nhất. Sau này các đoàn khác đùa vui bảo: "Thái Bình trâu chậm lại uống nước trong". Tôi không hiểu sao đời mình lại có may mắn lạ kỳ đến thế!

Tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ được gặp Bác một lần nữa. Vậy mà hạnh phúc lại đến bất ngờ. Lúc đó tôi là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn pháo binh 374 đóng ở Thậm Thình cách Đền Hùng 3 cây số. 3 giờ sáng ngày 18-8-1962, tôi nhận được công văn của đồng chí Nguyễn Khai - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: "Đúng 7 giờ sáng nay (19-8) đồng chí Thủ trưởng Lữ đoàn lên đền Hùng làm việc và đón Bác vào thăm đơn vị". Ngay lập tức, tôi triệu tập Đảng uỷ lữ đoàn, các ban chỉ huy tiểu đoàn họp khẩn cấp bàn kế hoạch đón Bác. Cả đơn vị vừa phấn khởi, vừa "cuống" cả lên! Đêm đó tôi viết đi viết lại báo cáo với Bác mà không biết báo cáo những nội dung gì. Đúng giờ, lên đền Thượng, tôi đã thấy phái đoàn ngồi quanh Bác trên chiếc chiếu hoa trước cửa đền. Đồng chí Nguyễn Khai giới thiệu và nhường tôi ngồi cạnh Bác. Bác nói luôn: "Có gói mứt chuối đặc sản Phú Thọ, Bác cho chú, chú ăn ngay đi, ngon lắm đấy!". Rồi Bác hỏi vui: "Lữ đoàn là cái gì hở chú?". Tôi bối rối đành trả lời Bác: "Thưa Bác, lữ đoàn bé hơn sư đoàn và lớn hơn trung đoàn ạ". Bác cười rất vui và bảo: "Chú này láu cá, láu cá". Bên tháp cổ tôi tranh thủ báo cáo kế hoạch đón Bác với đồng chí Nguyễn Khai. Tôi nhìn vào thấy Bác nằm nơi cửa Đền Hùng giản dị trong quần áo nâu nhạt màu, gối lên chiếc khăn bông, chiếc khăn mặt đặt trên trán. Tự nhiên nước mắt cứ trào ra.
Bác vào đơn vị, thăm doanh trại, nơi ăn ở, Bác hỏi tôi: "Bếp của đơn vị chú ngày nào cũng sạch bóng như thế này à?". Tôi lúng túng, đồng chí Nguyễn Khai đỡ lời: "Thưa Bác chắc các chú có sự chuẩn bị chu đáo hơn để đón Bác". Bác nhìn tôi đầy tình cảm vị tha. Trên đường đến "lễ đài" có một chiến sĩ báo cáo rất to: "Báo cáo thủ trưởng: C12 đang hành quân cấp tốc chưa về kịp". Biết thế, Bác bảo tôi dừng lại chỗ cây si rất đẹp, cành lá sum xuê. Bác cầm tay tôi rồi nói: "Bác cháu ta ngồi xuống đây nghỉ một lát, chờ đơn vị đang về, nhân thể chú xem còn vấn đề gì lát nữa Bác nói chuyện với đơn vị". Tất cả những điều tôi báo cáo, Bác đều nhắc nhở đồng chí Nguyễn Khai ghi lại. Nói chuyện với đơn vị xong, Bác đã ghi vào sổ vàng truyền thống những dòng chữ sáng rõ, nghĩa tình: "Luôn luôn cố gắng học tập, cố gắng lao động sản xuất, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc. Chúc các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ, đoàn kết, tiến bộ" - Bác Hồ 19-8-1962.
Cây bút Pác-ke mà đại tá Sáng đưa Bác ghi những dòng lưu niệm trên, đại tá đã giữ suốt 2 cuộc kháng chiến và suốt 30 năm. Đầu năm 1999, Bộ Tư lệnh pháo binh đã cử người về xin nhận chiếc bút đưa vào Bảo tàng lịch sử Binh chủng Pháo binh.

"Bác cho cô Định cái gậy này..." 
Đồng chí Lê Thị Định kể

Cuộc đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của tôi đã hai lần vinh dự trực tiếp được gặp Bác, lần nào cũng ghi tạc trong lòng.
Một ngày cuối tháng 2-1967, đang ở khu sơ tán xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, Thái Bình, tôi được điện về ngay Tân Hoà, Vũ Thư họp Thường vụ Tỉnh uỷ bất thường. Đang có chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, không hiểu họp gì, nhưng sao tôi cảm thấy rất vui. Sau khi thông báo việc chuẩn bị đón Bác về thăm Thái Bình, đồng chí Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh uỷ và tôi lúc đó là Phó chủ tịch tỉnh được giao nhiệm vụ đón Bác tại bến phà Triều Dương. Xe của chúng tôi sang được bến Hưng Yên thì đồng chí Vũ Kỳ cho biết xe của Bác đã xuống phà và đồng chí dẫn chúng tôi xuống chào Bác. Bác bắt tay chúng tôi thân mật. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ mời Bác về cơ quan Tỉnh uỷ sơ tán tại xã Tân Hoà, Vũ Thư (nay trở thành khu lưu niệm về Bác). Xe đến bến đò Cống Vực, chúng tôi mời Bác xuống ca-nô. Nhìn thấy Bác, đồng chí lái ca-nô ngồi thụp xuống. Bác biết đồng chí cảm động liền hỏi: "Chú lái ca-nô này à?". Chúng tôi đáp lời vì đồng chí ấy không dám đứng trước Bác. Bác nói ngay: "Bác cho phép, chú lái ca-nô đi". Tới gần bờ, ca-nô không vào được, chúng tôi chuẩn bị ca-nô lúc nước lớn, khi Bác qua là ban đêm, nước xuống. Mọi người rất lo, nhất là đang thời kỳ "chiến tranh phá hoại của Mỹ". Đồng chí Ngô Duy Đông đành mời Bác xuống thuyền. Thuyền đến bờ, tôi cùng đồng chí Tố Hữu đi hai bên đưa Bác lên đê. Bác hỏi tôi: "Cô Định cho Bác biết còn lối nào đi lý thú hơn". Đồng chí Tố Hữu nhắc tôi: "Bác phê bình đấy!". Đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa hết suy nghĩ về việc chuẩn bị chưa kỹ lưỡng.
Về đến xã Tân Hoà, trong bữa cơm, Bác ăn cơm nắm mang theo từ Hà Nội. Tôi cứ nài nỉ Bác ăn bát cơm nóng và xin Bác miếng cơm nắm. Bác nói: "Bác ăn cơm nắm quen rồi". Biết tình cảm của chúng tôi, Bác cho một miếng cơm nắm. Tôi bẻ đôi đưa cho đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ một nửa. Bác thấy tôi thích món dưa chua, Bác hỏi: "Cô Định ăn dưa chua có ngon không?". Tôi đáp: "Thưa Bác ngon ạ!". Bác cười trìu mến và nói: "Dưa Bác đưa từ Hà Nội về đấy!". Bữa cơm giản dị nhưng ấm áp tình cha con thân thiết vô cùng. Sau bữa ăn, Bác kể chuyện đi Pháp, Anh, Ấn Độ. Bác hỏi tình hình tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Bác. Nghe xong Bác lần lượt hỏi chuyện từng đồng chí cán bộ tỉnh. Bác hỏi tôi: "Cô Định làm việc gì?". "Dạ thưa Bác, cháu phụ trách tài chính, thương nghiệp ạ!". "Cô có sợ thiếu hàng không?". "Thưa Bác cháu thấy khó khăn lắm!". Bác dặn dò ngay: "Hàng ít nhưng cốt sao phân phối cho công bằng hợp lý". Bác còn hỏi toàn tỉnh có bao nhiêu phụ nữ tham gia chính quyền. Nghe tôi báo cáo xong, Bác gợi ý: "Cô có báo cáo gì với Bác không?". Tôi suy nghĩ và mạnh dạn thưa: "Chị em phụ nữ còn vất vả lắm mà vẫn bị chồng đánh ạ!". Tôi vừa nói xong, nét mặt Bác buồn hẳn, nghiêm lại, rồi Bác nhắc nhở: "Bác giao cho các đồng chí là phải giáo dục toàn Đảng, toàn dân tuân theo pháp luật, đánh vợ là phạm pháp, là dã man. Trên thế giới người ta tôn trọng phụ nữ lắm. Đồng chí Lê-nin cũng nói: "Phụ nữ là nửa dân số của xã hội, nếu phụ nữ không được giải phóng thì nửa dân số chưa được giải phóng...". Đêm đó Bác làm việc tới tận 1 giờ sáng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải mời Bác đi ngủ. Sáng hôm sau, Bác dậy rất sớm, tay xách đèn bão bước ra nhà ngoài. Bác nói: "Năm mới Bác chúc Tết các đồng chí". Chúng tôi rất cảm động, lẽ ra chúng tôi đến chúc Tết Bác trước mới phải. Đúng là sự bao dung của một lãnh tụ, của một người cha.

Sáng hôm sau, trên đường đến đình Phương Cáp nói chuyện với nhân dân, qua chiếc cầu tre, Bác nhắc nhở chúng tôi phải lưu ý cầu cống, đường sá cho dân đi lại an toàn. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ giới thiệu Bác với nhân dân, Bác nói ngay: "Bác mà chú còn phải giới thiệu cơ à?". Hôm đó Bác nói chuyện về sản xuất nông nghiệp, về trồng cây, nuôi cá. Bác hỏi đồng chí Chủ tịch tỉnh: "Thái Bình đã trồng được bao nhiêu cây?" Đồng chí Chủ tịch báo cáo mỗi người trồng đựơc 12 cây, Bác lại hỏi: "Cây thì chú tính thế nào, vì có nơi tính cả cây muồng muồng cho nhiều!". Cả hội trường cười vang. Bác lại hỏi Thái Bình nuôi cá thế nào. Đồng chí Bí thư trả lời: "Chúng cháu đã làm..." Bác nhắc nhở ngay: "Chú nói cụ thể chứ nói đã và đang thì dễ thôi". Rồi Bác động viên khen ngợi các cụ phụ lão, khen xã Hợp Hoà, HTX Tân Phong xã Việt Hùng sản xuất giỏi. Cuối cùng Bác hỏi vui: "Nghe nói Thái Bình vẫn còn tệ đánh vợ. Ngồi ở đây có chú nào đánh vợ thì dũng cảm giơ tay lên". Cả hội trường im lặng. Thấy thế đồng chí Đào Ngọc Chế - Phó chủ tịch tỉnh liền đáp: "Thưa Bác, không dám đánh mà chỉ kỳ kèo thôi ạ!". Bác nghiêm lại rồi nói thêm: "Kỳ kèo rồi đi đến chỗ bạt tai chứ gì?". Cả hội trường vỗ tay vang dội.

Lần thứ hai tôi được gặp Bác là vào đầu năm 1969, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình lại được Ban Bí thư cho lên báo cáo với Bác kế hoạch chuẩn bị đại hội đảng bộ. Nghe báo cáo xong, Bác hỏi về tình hình mọi mặt, rồi đột ngột Bác hỏi tôi: "Riêng tệ đánh vợ Bác hỏi cô Định, Thái Bình đã giảm chưa". Tôi không ngờ bận trăm công ngàn việc của đất nước đang trong thời chiến mà Bác vẫn nhớ câu chuyện Bác về Thái Bình mấy năm trước. Tôi liền thưa với Bác là Thái Bình có sự chuyển biến, tiến bộ hơn. Nghe xong, Bác liền chỉ vào cây gậy và nói: "Bác cho cô Định cái gậy này để trừng trị những ai đánh vợ". Và thật không ngờ, đây là lần cuối cùng tôi được ngồi bên Bác. Mấy tháng sau Người đã đi xa...
Sau này, chiếc gậy mà Bác cho đã được chuyển về và đặt vào bảo tàng tỉnh Thái Bình.

Những giây phút được túc trực bên linh cữu Người
Đại tá Nguyễn Sáng kể

Theo Chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, Quân khu Đông Bắc được cử các cán bộ cao cấp về Hà Nội chịu tang Bác. Chúng tôi được Ban tang lễ phân công mỗi người 2 ca trực, mỗi ca 15 phút bên linh cữu Bác. Ban tang lễ quy định khi "làm nhiệm vụ" không được khóc thành tiếng. Bên ngoài Hội trường Ba Đình, các đoàn đại biểu xếp hàng kín cả sân trước, còn nhân dân cứ nối hàng suốt đêm ngày qua lễ đài viếng Bác. Mưa gió tầm tã mà không một ai mặc áo mưa. Vào ca trực 22h đêm, một bên là cụ Phan Văn Bạch - Chánh toà án tối cao, một bên là tôi. Cụ Bạch xúc động quá, chỉ đứng được mấy phút. Còn tôi cứ phải cắn chặt răng lại nhất là khi thấy các cháu thiếu nhi khóc lóc thảm thiết, nước mắt tôi tuôn trào suốt ca trực, ướt cả vạt áo trước ngực. Đến phiên trực lần thứ hai, 2h sáng tôi và đồng chí Tư lệnh hải quân Nguyễn Bá Phát trực. Đồng chí Phát trực được 5 phút, khẩu súng trường vẫn trong tay và người cứ khuỵ dần xuống. Còn tôi lúc đó cảm thấy "như là không trọng lượng". Tuy vẫn tỉnh nhưng mắt tôi không còn trông rõ gì nữa. Nước mắt vẫn tuôn chảy ướt đẫm áo ngực. Xong 15 phút trực, tôi không chủ động xách khẩu súng trường được nữa. Một đồng chí trong ban tổ chức tang lễ đã đến xách giúp tôi. Đó là lần thứ 5 tôi may mắn được bên Người và cũng là lần đưa tiễn Bác - Người cha của toàn thể dân tộc đi xa...        

Phản hồi (1)

Hoàng Công Chất 21/05/2011

Chuyện kể rất cảm động. Giá mà Tạp chí có thêm thông tin Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình đã học gì từ Bác cho công việc hôm nay thì có tác dụng hơn.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất